Trong suốt những năm qua, hợp tác và an ninh biển luôn là một lĩnh vực ưu tiên cao trong hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với đối tác. Được thành lập từ năm 2010, Diễn đàn biển ASEAN nhằm mục đích tạo diễn đàn để các cơ quan liên quan đối thoại, phối hợp các hoạt động hợp tác biển, nhất là trong những vấn đề mang tính liên ngành, liên trụ cột. Qua 9 lần tổ chức, nhiều chủ đề đã được trao đổi tại AMF, trong đó bao gồm bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải, thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tìm kiếm cứu nạn, tăng cường kết nối, bảo vệ môi trường biển và thúc đẩy du lịch biển.
Tại Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 9
Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 9 diễn ra tại Đà Nẵng ngày 5/12/2019, dưới sự chủ trì của Việt Nam, với sự tham dự của trên 50 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Hiện tại có hơn 12 cơ quan của ASEAN đang tham gia triển khai các hoạt động hợp tác biển, với nhiều nội dung, từ bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, đến chống nạn đánh bắt cá trái phép, bảo vệ môi trường và xử lý nạn rác thải nhựa. Trước tình hình trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước đã rà soát lại toàn diện hoạt động hợp tác, xác định những khó khăn, trở ngại và bàn các biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực quan trọng này. Các nước cũng tích cực trao đổi, đề xuất những giải pháp nhằm củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của AMF và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF) trong thúc đẩy đối thoại, phối hợp và hợp tác về những vấn đề trên biển ở khu vực. Diễn đàn biển ASEAN mở rộng lần thứ 7 diễn ra vào ngày 6/12 với sự tham dự của quan chức chính phủ đến từ 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ) cùng giới học giả.
Tại Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 7
Diễn đàn diễn ra 25/6/2017 tại Siem Reap, Campuchia. Tại cuộc họp, các nước đều khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không quân sự hóa và sớm hoàn tất COC. Các đại biểu cũng nhất trí trong quá trình hợp tác về an ninh biển, các nước cần thực hiện và bảo đảm các nguyên tắc về tôn trọng quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, tuân thủ UNCLOS, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải, tôn trọng quyền làm ăn và mưu sinh của người dân, nhất là ngư dân, và tăng cường xây dựng lòng tin và trách nhiệm của lực lượng chấp pháp. Các đại biểu trao đổi và nhất trí thúc đẩy triển khai các biện pháp tăng cường hợp tác biển, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên hai bên có lợi ích như tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường biển, đào tạo thủy thủ, chống cướp biển… Để thực hiện được mục tiêu này, các nước cần phải tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, đồng thời nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc, thỏa thuận chung của khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), DOC, cũng như UNCLOS.
Tại Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5
Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 5 tổ chức tại Đà Nẵng hôm 27/8/2014 với sự tham gia của đại diện 10 nước ASEAN. Diễn đàn nhằm phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác biển và xây dựng lòng tin ở khu vực, nhất là trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); thúc đẩy đoàn kết ASEAN. Các nước khẳng định hợp tác biển đang ngày càng trở nên quan trọng và là ưu tiên của các nước ASEAN, của các nước ASEAN với các nước hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay càng có vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác biển và an ninh biển. Diễn đàn đã tiến hành đánh giá các việc đã làm của Diễn đàn biển ASEAN lần trước; tăng cường, thúc đẩy hợp tác biển trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai; thảo luận việc quản lý và bảo vệ hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác nghề cá bình đẳng. Trong bối cảnh tình hình các vùng biển trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, Diễn đàn biển ASEAN mở rộng đã và đang phát huy vai trò là Diễn đàn thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin về an ninh biển. Diễn đàn cũng tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Công ước của UNCLOS 1982, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cũng như trao đổi về hướng hợp tác để đảm bảo thực hiện hiệu quả UNCLOS 1982trong bối cảnh cácvùng biển ở khu vực có những diễn biến phức tạp. ây dựng lòng tin là cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác biển, trong đó có các lĩnh vực như quản lý thảm họa, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm và cứu nạn… Các nước đã chia sẻ về sự cần thiết của việc tăng cường xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển.
Tại Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 4
Diễn đàn biển ASEAN lần thứ 4 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 1-3/10/2013 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 2, với sự tham dự của các quan chức cao cấp chính phủ, các nhà nghiên cứu và chuyên gia các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các nước đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Nga và New Zealand. Tại các diễn đàn AMF-4 và EAMF-2, các đại biểu đã tập trung trao đổi ý kiến về tình hình hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh biển trong các cơ chế hợp tác của ASEAN, giữa ASEAN và các bên đối tác thông qua các khuôn khổ hiện có như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…, và thảo luận các định hướng và biện pháp tăng cường phối hợp và hợp tác, cũng như các trọng tâm ưu tiên về hợp tác biển trong tương lai. Tại các phiên thảo luận, các đại biểu các nước đều chia sẻ và nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hợp tác biển ở khu vực ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhằm bảo đảm an ninh biển, xây dựng lòng tin, môi trường hòa bình, ổn định và an ninh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước và quan hệ kinh tế thương mại ở khu vực. Các đại biểu cũng ủng hộ việc xem xét tăng cường hợp tác về nghiên cứu biển, ứng phó thiên tai, tăng cường kết nối an ninh trên biển ở khu vực, hợp tác về chống cướp biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn và quản lý các sự cố hoặc khả năng khủng hoảng trên biển. Các đại biểu cũng nhấn mạnh duy trì đối thoại xây dựng bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.