Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt - Nga: Đề cao việc bảo đảm hòa bình, ổn định...

Việt – Nga: Đề cao việc bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực theo luật quốc tế

Tại Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt Nam-Liên bang (LB) Nga lần thứ 5 (3/12), giới chức hai nước đề cao việc bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, khẳng định quan điểm các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Đối thoại do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga A.V. Fomin đồng chủ trì. Tại Đối thoại, hai bên cho rằng thời gian qua, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam- Nga tiếp tục được củng cố và phát triển sâu rộng trên nhiều mặt, trong đó hợp tác quốc phòng đóng vai trò quan trọng; đánh giá quan hệ quốc phòng giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy hiệu quả trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam – Nga về hợp tác quốc phòng, nổi bật là trong các lĩnh vực hợp tác như trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; đào tạo; hợp tác Quân binh chủng; kỹ thuật quân sự; hợp tác tại các cơ chế, diễn đàn đa phương…, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực mới như chính trị quân sự, quân y, hội thao quân sự quốc tế, khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên cũng thống nhất cho rằng Đối thoại Chiến lược Quốc phòng là cơ chế hợp tác quan trọng, hiệu quả; đồng thời trao đổi, thống nhất các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả trong thời gian tới sao cho phù hợp với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga. Hai bên nhất trí ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với nhau khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Thượng tướng A.V. Fomin bày tỏ mong muốn với vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam sẽ ủng hộ, tạo điều kiện để LB Nga tham gia ngày càng hiệu quả vào cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+). Thượng tướng A.V. Fomin khẳng định Bộ Quốc phòng Liên bang Nga ủng hộ và sẽ tích cực tham gia các hoạt động quân sự – quốc phòng do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì trong năm 2020.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên đề cao việc bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, khẳng định quan điểm các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Thượng tướng A.V. Fomin đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Được biết, trong những năm gần đây, Nga giữ lập trường rõ ràng về tranh chấp Biển Đông. Theo đó, Nga không phải một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng Nga có những lợi ích ở vùng này, kể cả ở Việt Nam. Nga muốn tất cả các vấn đề trong khu vực được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua cuộc đàm phán giữa các nước có tranh chấp; khẳng định Nga dứt khoát chống lại sự leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, chống lại việc gia tăng quân sự hóa trong khu vực; cho rằng, lối thoát tốt nhất và duy nhất ra khỏi tình trạng này là việc tổ chức cuộc đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời Nga kêu gọi giữ bình tĩnh, kiềm chế và không để những cuộc tranh chấp biến khu vực này thành một “điểm nóng” trên thế giới. Nga cho rằng tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm con đường giải quyết bằng chính trị ngoại giao mà các bên đều có thể chấp nhận được; nhận định chỉ có đàm phán, con đường mà Trung Quốc và ASEAN đã đi, mới có thể mang lại kết quả cho các bên, đó chính là một thỏa thuận mà các bên chấp nhận được. Không những vậy, Nga cũng rất quan tâm theo dõi diễn biến tình hình ở Biển Đông, coi đây là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới an ninh và ổn định ở toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Nga không phải là một bên tham gia vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không bị lôi kéo vào những tranh chấp này; Nga không đứng về bên nào trong tranh chấp, cho rằng việc tham gia của bên thứ ba vào các tranh chấp này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tất cả các quốc gia liên quan tới những tranh cãi lãnh thổ trong khu vực này phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị-ngoại giao cho các vấn đề hiện nay trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là UNCLOS 1982, trên tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đạt được năm 2002, cũng như những thỏa thuận vào tháng 7/2011 giữa các nhà lãnh đạo về việc thực thi Tuyên bố năm 2002. Nga cho rằng việc tham vấn và đàm phán về những vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được tiến hành trực tiếp giữa các bên liên quan với hình thức phù hợp nhất do các bên tự xác định. Nga sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (3/12) đã tiếp Đại tướng Zolotov Victor Vasilyevich, Giám đốc Cơ quan Vệ binh quốc gia Liên bang Nga. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Giám đốc và Đoàn đại biểu cấp cao Cơ quan Vệ binh quốc gia Liên bang Nga sang thăm Việt Nam; tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến thăm Việt Nam này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung, đem đến xung lực mới cho quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam với Cơ quan Vệ binh quốc gia Liên bang Nga nói riêng. Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, chia sẻ thông tin nghiệp vụ, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật; phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất, chế tạo phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ nhu cầu cho lực lượng cảnh sát hai nước. Đáp lại, Giám đốc Cơ quan Vệ binh quốc gia Liên bang Nga bày tỏ vui mừng được đến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp, nhân dân Việt Nam mến khách; bày tỏ vui mừng về cuộc hội đàm thành công với Bộ trưởng Công an Tô Lâm, mở ra nhiều triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực như phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm.

Việt Nam và Nga thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2012, hai bên duy trì Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự cấp thứ trưởng Quốc phòng. Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả của Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsopetro đến 2030, hai nước đã thành lập các liên doanh như Rusvietpetro, Gazpromviet, Vietgazprom để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Nga cũng sẽ cấp tín dụng và triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam tại Ninh Thuận. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước năm 2014 đạt 3,75 tỷ USD, phấn đấu năm 2020 đạt 10 tỷ USD. Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu (Nga, Belarus và Kazakhstan) đã ký Tuyên bố chung cơ bản về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ngày 15/12 năm ngoái, dự kiến ký chính thức trong nửa đầu năm nay.

Trong những năm gần đây, hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước ngày càng được củng cố và mở rộng. Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin V. Vnukov từng cho biết, “sự hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự của hai nước không nhằm chống ai cả, không chống nước thứ ba nào cả. Nó không tạo ra mối nguy cơ nào với an ninh trong khu vực này cũng như trong tổng thể với thế giới. Chúng ta sẽ tiếp tục mối quan hệ cùng có lợi này”; nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam là hướng đi ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc Việt Nam cũng chú trọng quan hệ với Nga là hoàn toàn hợp lý liên quan đến quan hệ hai nước có tính chất đối tác chiến lược toàn diện.

RELATED ARTICLES

Tin mới