Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư (17/12), trong một nghị quyết thường niên đã lên án Triều Tiên vi phạm nhân quyền ‘lâu dài, liên tục có hệ thống và trên diện rộng’, phái viên của Bình Nhưỡng sau đó đã bác bỏ nghị quyết này, theo Reuters hôm 19/12.
Mỹ và hàng chục quốc gia đã ủng hộ Nghị quyết, và Đại hội đồng 193 thành viên thông qua mà không cần bỏ phiếu.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, ông Kim Song nói với Đại hội đồng rằng nghị quyết “không liên quan gì đến việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền thực sự, vì đây là một thủ đoạn của các âm mưu chính trị do các thế lực thù địch tìm cách bôi nhọ phẩm giá và hình ảnh của Triều Tiên cũng như lật đổ hệ thống xã hội của chúng tôi”, Reuters trích dẫn.
Liên Hợp Quốc vào năm 2014 đã đưa ra một báo cáo mang tính bước ngoặt về nhân quyền Triều Tiên đã kết luận rằng những người đứng đầu cơ quan an ninh của Triều Tiên và có thể chính là lãnh đạo Kim Jong Un nên đối mặt với công lý vì họ giám sát một chế độ tàn bạo theo kiểu Đức Quốc xã do nhà nước kiểm soát.
Sau đó vào năm 2016, Mỹ đã khiến Triều Tiên tức giân khi đưa Kim Jong Un vào danh sách đen với tội vi phạm nhân quyền.
Các nhà ngoại giao cho biết, Trung Quốc sẽ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu ngăn chặn cuộc họp như thế mặc dù không được tán đồng. Nhưng Hoa Kỳ, vào tháng 12 năm ngoái khi đang nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an đã quyết định triệu tập cuộc họp.
Hôm thứ Hai (16/12), Trung Quốc và Nga đã trình dự thảo đề xuất Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên dỡ bỏ một phần lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu hải sản và dệt may, đồng thời giảm bớt các hạn chế đối với các dự án cơ sở hạ tầng và với lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, theo Reuters.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng ngày 16/12 cho biết bây giờ không phải là lúc để xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Mỹ, Anh và Pháp đã nhấn mạnh, không nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho đến khi Triều Tiên thực hiện các hành động cụ thể để từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bình Nhưỡng đã phải chịu lệnh trừng phạt đó của Liên Hợp Quốc từ năm 2006.