Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị Thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật: Nỗ lực thúc đẩy nối lại đối...

Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật: Nỗ lực thúc đẩy nối lại đối thoại Mỹ – Triều

Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Trung Quốc-Nhật Bản ( 24/12) tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, diễn ra sau thời kỳ dài quan hệ giữa 3 nước này trải qua nhiều vướng mắc, đã kết thúc với những kết quả khá tích cực, trong đó đáng chú ý có việc lãnh đạo 3 nước nhất trí cùng nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ-Triều và cải thiện quan hệ trong nhiều lĩnh vực.

Tại Hội nghị, phía Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng qua hội nghị lần này, 3 nước sẽ tăng cường sự quan hệ tin cậy về chính trị, bảo đảm an ninh, sự ổn định trong khu vực và hòa bình thế giới để cùng nhau đối phó với áp lực kinh tế thế giới suy giảm, nhấn mạnh tổng kim ngạch thương mại của 3 nước chiếm gần 1/6 tổng kim ngạch thương mại thế giới. Chia sẻ quan điểm này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nêu bật sự cần thiết của “hợp tác hài hòa” giữa 3 cường quốc khu vực này, bởi 3 nước “có cùng giấc mơ” thúc đẩy một “thế giới bền vững”. Ông Moon Jae-in bày tỏ hy vọng 3 nước sẽ tăng cường hợp tác kinh tế để có thể cùng nhau phát triển, thông qua việc hình thành một cộng đồng kinh tế Đông Bắc Á dựa trên thương mại tự do, hòa bình và quan hệ đối tác. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh sự kỳ vọng ngày càng lớn của thế giới vào Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đối với hòa bình và phồn vinh của khu vực này nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Mặc dù kết quả hội nghị, các bên chỉ đưa ra tuyên bố dừng lại ở những câu từ thể hiện lập trường nguyên tắc, song không thể phủ nhận ý nghĩa không nhỏ của hội nghị này đối với quan hệ các nước cũng như đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề nổi cộm ở khu vực Đông Bắc Á, nhất là khi quan hệ Mỹ-Triều lại có nguy cơ quay trở lại thời kỳ căng thẳng năm 2017 sau những động thái gây lo ngại gần đây của cả hai bên.

Theo giới chuyên gia, sự hợp tác Hàn-Trung-Nhật khác với cơ chế phối hợp Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật bởi Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ. Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật đều khó có thể thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi lập trường. Trong khi đó, Trung Quốc lại là nước có quan hệ gần gũi với Triều Tiên, có tầm ảnh hưởng nhất định đối với nước này. Trong khi đó, về ngoại giao và an ninh, Trung Quốc đóng vai trò “người bảo trợ đặc biệt” của Triều Tiên trong khi về kinh tế, Trung Quốc được coi là “thuyền cứu sinh” đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang bị cấm vấn. Do đó, có thể nói, trong 3 nước Đông Bắc Á, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể gây ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Việc 3 nước Hàn-Trung-Nhật nhất trí hợp tác nhằm đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa được duy trì thông qua đối thoại Mỹ-Triều kịp thời được coi là một thành quả lớn, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.

Trước thềm Hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (23/12) đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Hai bên đã xác nhận quan điểm chung về việc cùng nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn thịnh của khu vực, bảo vệ thể chế tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương. Tại hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc và Hàn Quốc là đối tác và bạn bè của nhau, luôn hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động lớn, hai bên cần phải bảo vệ lợi ích chung cùng làm phát triển và sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược. Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng trong tình hình đàm phán Mỹ-Triều đang rơi vào tình trạng khó khăn, các bên cần phải xác nhận lại tầm quan trọng của hòa bình khu vực. Đề cập tới xung đột thương mại Mỹ-Trung, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng cần phải đề cập tới khía cạnh tự dự thương mại. Cũng như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng cần nhấn mạnh vấn đề này xung quanh mâu thuẫn với Nhật Bản trong quy chế xuất nhập khẩu. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Hàn Quốc và Trung Quốc không chỉ là hai nước có ảnh hưởng tại khu vực Châu Á mà còn có ảnh hưởng lớn tới thế giới, do đó, hai bên đã có nhận thức chung phải tăng cường phát triển quan hệ hai nước ở mức độ cao hơn. Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ cố gắng hết sức để nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên hướng tới giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong cuộc đàm phán này. Liên quan đến quan hệ hai nước, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng tuy hai bên có đôi lúc hiểu lầm nhau, song quan hệ hai nước có lịch sử lâu dài và tốt đẹp không thể phủ nhận. Do vậy, hai nước cần phải hợp tác hơn nữa trong các vấn đề quốc tế. Năm 2019 là năm giao lưu hai nước hết sức phát triển, kim ngạch thương mại hai bên lên tới 20 tỷ USD, hơn 8 triệu người dân hai nước đi lại trong các hoạt động đầu tư, thương mại, du học…

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí cùng nhau thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới trong bối cảnh Tokyo đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Nhật Bản vào mùa Xuân tới. Ông Abe cho biết Chính phủ Nhật Bản “cực kỳ coi trọng” chuyến thăm theo kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản; nhấn mạnh “chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ phù hợp với thời kỳ mới của Nhật Bản và Trung Quốc”. Về phần mình, ông Tập Cận Bình bày tỏ Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc chặt chẽ với Nhật Bản để nâng quan hệ Trung-Nhật lên tầm cao mới. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ cuộc gặp tại Osaka (Nhật Bản) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 6 vừa qua. Cuộc gặp song phương này nhằm chuẩn bị môi trường thuận lợi cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc tới Nhật Bản giữa lúc quan hệ giữa hai nước trở nên nồng ấm trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo giới chức Nhật Bản, Tokyo và Bắc Kinh đang tìm cách thức làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế và tăng cường giao lưu văn hóa cũng như giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, chính quyền Tokyo quan ngại một số vấn đề, trong đó có các cuộc biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc), vấn đề Biển Đông, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo trên biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.  Sau nhiều năm bất đồng về các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới Trung Quốc cuối tháng 10/2018 trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo Nhật Bản trong 7 năm. Hai bên đã đặt nền móng cho quan hệ ổn định lâu dài dựa trên 3 nguyên tắc: chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác, trở thành đối tác và không đe dọa lẫn nhau, phát triển quy tắc thương mại tự do – công bằng.

Trong một diễn biến liên quan, trước cuộc gặp Thượng đỉnh, các Bộ trưởng thương mại của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua (22/12) đã nhóm họp và đi đến việc cam kết sẽ đẩy mạnh các cuộc đàm phán về hiệp ước thương mại khu vực và một thỏa thuận thương mại tự do giữa ba bên. Bất chấp các mâu thuẫn gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hay căng thẳng vừa mới lắng xuống giữa Mỹ-Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại 3 nước vẫn bày tỏ sẵn sàng tiếp tục thảo luận về việc thiết lập quan hệ đối tác kinh tế toàn diện với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Úc, Ấn Độ và New Zealand, cũng như thỏa thuận thương mại tự do ba bên. Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản, hy vọng ba nước sẽ cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu mở: “Ba quốc gia là láng giềng về  địa lý và các nền kinh tế của chúng tôi có tính chất bổ trợ cho nhau. Trong những năm qua, chúng tôi đã thấy kết quả tuyệt vời của sự hợp tác này. Chúng tôi đang rất hi vọng vào một tương lai tươi sáng cho sự hợp tác ba bên giữa chúng tôi”.

Các nhà phân tích cho rằng, xét từ góc độ song phương, quan hệ Trung-Nhật hiện nay có cơ hội mới để cải thiện và phát triển; quan hệ Trung-Hàn bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục ổn định. Hội nghị này sẽ đóng vai trò thúc đẩy tích cực đối với quan hệ Trung-Nhật và Trung-Hàn; ngoài ra Trung Quốc cũng có thể giúp giảm bớt phần nào căng thẳng hiện nay giữa Nhật – Hàn  do vấn đề lịch sử để lại.

Nhìn từ góc độ đa phương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại hiện nay trỗi dậy, tình hình kinh tế toàn cầu phức tạp và nghiêm trọng, Trung – Nhật – Hànđã cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực, thể hiện quyết tâm của các bên trong bảo vệ chủ nghĩa đa phương, duy trì nền kinh tế thế giới mở. Hội nghị này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mới để ba nước cùng thiết lập hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao. 

Ngoài vấn đề thương mại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Hàn Quốc xác nhận, tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên hiện cũng là mối quan tâm lớn của 3 nước Nhật – Trung – Hàn hiện nay. Đặc biệt, nó diễn ra trong bối cảnh, các chuyên gia phân tích tin rằng, Triều Tiên sẽ sớm cho thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong thời gian tới – động thái này có thể đặt dấu chấm hết cho tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều, vốn đang gặp bế tắc. Thông qua cuộc gặp Thượng đỉnh 3 bên Nhật – Trung – Hàn,  Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang muốn Trung Quốc thể hiện nhiều vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo.

RELATED ARTICLES

Tin mới