Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChuẩn bị phát hành tiền điện tử: Chiến lược kích cầu nền...

Chuẩn bị phát hành tiền điện tử: Chiến lược kích cầu nền kinh tế của TQ

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chuẩn bị phát hành đồng tiền Nhân dân tệ phiên bản điện tử (DCEP). Đồng tiền này có thể gây ra nhiều tác động đến chính trị, kinh tế, tài chính trên toàn thế giới vì tiền tệ không chỉ là vấn đề kinh tế mà con là vấn đề về chủ quyền.

Nhân dân tệ phiên bản điện tử

Truyền thông Trung Quốc cho biết, đồng DCEP dựa trên công nghệ blockchain. Tuy nhiên, trái với tính phi tập trung của blockchain, các giao dịch không ẩn hoàn toàn. Đồng DCEP cũng không phải là tiền ảo vì giá trị của nó được cố định vào giá Nhân dân tệ chứ không phải được định giá theo thị trường như Bitcoin hay những đồng tiền ảo khác. Đồng DCEP hoạt động trên cơ chế 2 tầng, phục vụ cho nghiệp vụ phát hành và thu hồi. Tầng thứ nhất, PBoC sẽ phát hành và thu hồi đồng tiền thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Tầng thứ hai, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm cho việc phân bổ đồng tiền kỹ thuật số đến các thành phần cá thể trong thị trường tài chính.

Ngân hàng thương mại sẽ phải kí gửi 100% giá trị dự trữ tại ngân hàng trung ương để đổi lấy tiền điện tử, sau đó phân phối cho người dùng. Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tải xuống ví điện tử trên điện thoại di động của mình và nạp tiền điện tử DCEP từ tài khoản của họ tại các ngân hàng (tương tự như nạp từ ATM). Sau đó, họ sử dụng như tiền mặt để thực hiện và nhận thanh toán với bất kì người nào khác có ví điện tử. Điều này phù hợp với tình hình thực tế vì Trung Quốc đang ngày càng trở thành một xã hội không tiền mặt. Ngay cả những người buôn bán nhỏ lẻ ở các thị trấn nhỏ cũng thích sử dụng ứng dụng thanh toán di động hơn là dùng tiền giấy. Đồng DCEP dự kiến sẽ được thử nghiệm trước tại hai thành phố Thẩm Quyến và Tô Châu.

Lợi – hại song hành

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Mu Changchun cho biết, đồng tiền số của Trung Quốc sẽ không giống với các loại tiền điện tử phổ biến hiện nay và sẽ có một cấu trúc phức tạp hơn. Theo ông Mu Changchun, đồng tiền số của Trung Quốc sẽ hoạt động trên cấu trúc vận hành được phân chia thành hai cấp, trong đó cấp trên là PBoC và cấp dưới là các ngân hàng thương mại. Mục đích của PBoC là để tiền kỹ thuật số thay thế tiền mặt trong lưu thông. Tiền kỹ thuật số cũng sẽ hỗ trợ lưu thông và quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (CNY). Đồng thời, mục đích đồng tiền này cũng có sự khác biệt, một mặt giúp Chính phủ Trung Quốc đối phó với quy mô khủng khiếp của nền kinh tế và dân số quốc gia này, mặt khác sẽ là đối trọng với các thách thức lớn đến từ những thế lực mới như Libra, mà ẩn chứa đằng sau là sức mạnh của đồng USD. Nó lại càng có ý nghĩa hơn khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang trong giai đoạn nóng bỏng nhất từ trước đến nay.

Theo nhận định của giới nghiên cứu PboC, đồng tiền này có thể gây ra nhiều tác động đến chính trị, kinh tế, tài chính trên toàn thế giới vì tiền tệ không chỉ là vấn đề kinh tế mà con là vấn đề về chủ quyền. Bên cạnh đó, việc ra đời đồng tiền DCEP cũng làm nảy sinh một số tác động đối với các ngân hàng thương mại, đối với nền kinh tế và đối với quan hệ giao thương của Trung Quốc với các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng đồng tiền này có thể bảo vệ Trung Quốc khỏi những đồng tiền ảo như Bitcoin hay Libra (đồng tiền ảo do Facebook phát hành) – đồng tiền được thiết kế và kiểm soát bởi những người khác. Đồng DCEP cũng giúp Trung Quốc giảm khoảng cách sử dụng đồng Nhân dân tệ so với đồng USD, qua đó đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Một lợi ích lớn nữa mà đồng tiền điện tử mang lại là làm tăng tốc độ giao dịch. Trong năm 2018, nhu cầu thanh toán của các ngân hàng Trung Quốc là 92 000 giao dịch (GD)/giây. Tốc độ này vượt xa mức Bitcoin có thể hỗ trợ. Ngay cả đồng Libra cũng chỉ đạt 1000 GD/giây, Paypal đạt 40 000 GD/giây. Trong khi đó, theo nhận định của PBoC thì tốc độ giao dịch của đồng DCEP có thể đạt 220 000 GD/giây. Về hoạt động của các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng của DCEP chủ yếu là vấn đề kế toán. Đồng tiền điện tử đại diện cho tiền trong lưu thông (M0), chứ không phải tiền gửi tiết kiệm không kì hạn (M1) mà các NH sử dụng để cho vay lại các công ty và hộ gia đình, nên đồng tiền điện tử cần phải được tách biệt với tiền tiết kiệm thông thường. Về mặt chính sách, vì tiền điện tử của PBoC được thiết kế để thay thế tiền mặt, nên không có tác động lớn đến nguồn cung tiền và do đó có rất ít ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ. Nếu loại tiền này được chấp nhận rộng rãi và mọi người được khuyến khích giữ nhiều tiền hơn khiến tiền gửi ngân hàng có thể giảm, nhưng tác động sẽ có thể kiểm soát được. Sự ra đời của đồng DCEP sẽ giúp hỗ trợ việc tập trung hoá tiền tệ. Tiền điện tử giúp cắt giảm chi phí lưu thông của tiền giấy, kiểm soát chính xác nguồn cung tiền. Do đó về dài hạn, NHTW có thể sử dụng tiền điện tử để thúc đẩy nền kinh tế. Hơn nữa, nếu Trung Quốc có thể chuyển sang bộ công cụ chính sách tiền tệ mới, tiền tệ số hóa sẽ cho phép nước này áp dụng lãi suất âm ngay cả đối với những người nắm giữ tiền điện tử.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nêu lên một số nhược điểm của đồng tiền này, như đe dọa đến quyền riêng tư thông tin tài chính của người sử dụng. Trái với tính phi tập trung của blockchain, danh tính và thông tin của người dùng có thể sẽ được gắn với các ví điện tử riêng lẻ và điều này tạo ra cơ hội thông tin cá nhân bị xâm nhập. Ngoài ra, vẫn còn phải xem liệu đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ hoạt động như thế nào trong các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới, bởi đây là nơi đan xen nhiều quy định của nhiều quốc gia khác nhau.

Nguy cơ đối với Việt Nam

Một khi Trung Quốc phát hành tiền điện tử, thì Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất vì mối liên quan mật thiết giữa hai kinh tế, văn hóa tiêu dùng và cả những khoản nợ, đầu tư, dự án… Việc chấp nhận tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này chưa phù hợp với hiện trạng hạ tầng số của Việt Nam.

Tuy Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước chưa công nhận tính hợp pháp của tiền kỹ thuật số. Nhưng thị trường hoạt động của các loại tiền ảo vô cùng sôi động. Theo thống kê từ các trang tin, sàn giao dịch tiền ảo dẫn đầu thế giới thì Việt Nam hiện nằm trong Top 3 hoặc 4 quốc gia dẫn đầu về lượng truy cập. Bên cạnh đó, thống kê của trang coin.dance, Việt Nam cũng có mặt trong số các nước có lượng giao dịch hàng đầu thế giới. Chưa rõ thời điểm nào Việt Nam sẽ có khung pháp lý thực sự cho lĩnh vực này.

Giới chuyên gia Việt Nam cho rằng, thực tế thì Việt Nam, Trung Quốc hay nhiều quốc gia khác đều cho rằng tiền số là nguy cơ thách thức lớn cho chính sách tiền tệ quốc gia hơn là đem đến lợi ích cho nền kinh tế và các dịch vụ tiêu dùng. Vì vậy các hoạt động, nghiên cứu để Chính phủ đưa ra khung pháp lý đều xoay quanh những yếu tố như làm sao để siết chặt hay kiểm soát các đồng tiền ảo xuất hiện, cấm các hoạt động mua bán sử dụng tiền ảo. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, công nghệ Blockchain – xương sống của tiền ảo là xu thế tất yếu và thực sự cần thiết cho các ứng dụng giúp ích cho nền kinh tế trong tương lai gần. Sự tồn tại của tiền ảo trong nhiều khía cạnh khác nhau cũng đem đến rất nhiều lợi thế trong xu hướng phát triển chung của kinh tế số cùng với thời kỳ lớn mạnh về công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Do đó, Việt Nam nên có các ứng xử hợp lý để phù hợp với xu thế phát triển nhưng vẫn đảm bảo yếu tố pháp lý. Một số điểm quan trọng như: Nên kết hợp, khuyến khích các tổ chức, công ty, nhóm công nghệ liên quan đến blockchain, tiền ảo… cùng đóng góp ý tưởng để xây dựng nên các quy định, sớm ban hành khung pháp lý phù hợp. Điều này giúp cho các đơn vị liên quan biết được phạm vi họ có thể nghiên cứu, ứng dụng tiền ảo vào trong các hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất và cung ứng dịch vụ cho xã hội.

RELATED ARTICLES

Tin mới