Chính quyền Trump cho rằng dù thỏa thuận thương mại tạm thời có hẹp tới đâu, nó cũng thể hiện một bước đột phá quan trọng.
Sau 18 tháng đối đầu không khoan nhượng, Mỹ và Trung Quốc vừa tiến một bước tới hòa bình hôm 15/1 với việc ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1.
“Hôm nay, chúng ta có một bước đi quan trọng, một điều mà chúng ta chưa bao giờ làm với Trung Quốc. Điều này sẽ đảm bảo thương mại công bằng và tương hỗ”, ông Trump phát biểu trước lễ ký thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh Mỹ-Trung sẽ cùng sửa những cái sai trong quá khứ.
Theo thỏa thuận mới ký, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh mua nông sản Mỹ và các hàng hóa khác cùng các điều khoản liên quan tới sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.
Trên hết, thỏa thuận này giúp xoa dịu cuộc xung đột vốn làm chậm tăng trưởng toàn cầu, tổn thương các nhà sản xuất Mỹ và tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc suốt gần 2 năm qua.
Nhưng thỏa thuận mới không buộc Trung Quốc phải thực hiện các bước đi lớn như cải cách kinh tế hay giảm trợ cấp không công bằng cho các công ty nhà nước, điều mà chính quyền Trump luôn tìm kiếm khi bắt đầu thương chiến bằng cách áp thuế với hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7/2018.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng nếu Mỹ muốn ngăn cản nỗ lực của Bắc Kinh trong việc soán ngôi vương công nghệ của Washington, họ sẽ cần nhiều năm đám phán. Và khó có một giải pháp thỏa đáng vào hiện tại để ngăn tham vọng trở thành người dẫn đầu công nghệ toàn cầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực như xe không người lái và trí tuệ nhân tạo.
Theo ông Eswar Prasad, nhà kinh tế tới từ Đại học Cornell, việc ký kết thỏa thuận Giai đoạn 1 thể hiện sự hoan nghênh của 2 bên, nhưng nó không giải quyết thực chất nguồn gốc gây ra căng thẳng thương mại và kinh tế căn bản giữa cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer trong một bức thư gửi tới Tổng thống Trump mới đây phàn nàn rằng thỏa thuận Giai đoạn 1 dường như tạo ra rất ít tiến bộ trong việc cải cách các hành vi thương mại thô bạo của Trung Quốc.
Các vấn đề gai góc dự kiến sẽ được đưa ra trong các vòng đàm phán tương lai. Nhưng không rõ khi nào chúng sẽ bắt đầu và ít ai mong đợi nhiều tiến bộ sẽ đến trước cuộc bầu cử tháng 11 tới ở Mỹ.
John Veroneau, một quan chức thương mại của Mỹ trong chính quyền George W. Bush nói rằng thỏa thuận giai đoạn 2 có lẽ sẽ là vấn đề của năm 2021.
Theo thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, Trung Quốc cam kết tăng mạnh lượng hàng nhập của Mỹ, cung cấp những bảo đảm cho công nghệ Mỹ và đưa ra các cơ chế mới nhằm thực thi thỏa thuận. Trung Quốc đã nhất trí mua thêm hàng hóa của Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong 2 năm tới, nhiều hơn so với mức của năm 2017, thời điểm trước khi bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Cụ thể, Bắc Kinh đã đồng ý mua thêm 50 tỷ USD nông sản, 75 tỷ USD các sản phẩm chế tạo và 50 tỷ USD năng lượng từ Mỹ.
Tuy nhiên, những gì gây chú ý nhất của Thỏa thuận này lại là những gì mà nó không đề cập tới. Đó là mức thuế quan với 360 tỷ USD áp lên hàng hóa Trung Quốc vẫn được duy trì.
Chính quyền Trump lập luận thỏa thuận Giai đoạn 1 là bước khởi đầu vững chắc, bao gồm các cam kết của Trung Quốc về việc họ cần làm nhiều hơn về bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạn chế thực tiễn buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ,
Với mức thuế quan vẫn duy trì lên hàng hóa của Bắc Kinh, chính quyền Trump vẫn đang giữ đòn bẩy buộc Trung Quốc phải tuân thủ các cam kết của mình – điều mà Mỹ khẳng định nền kinh tế thứ 2 thế giới đã thất bại trong nhiều thập kỷ qua.
“Chúng tôi chưa bao giờ trừng phạt họ. Nếu bạn không có thuế quan, bạn có thể viết ra mọi thứ mình muốn, nhưng Trung Quốc sẽ lại lừa dối mà thôi”, chuyên gia Derek Scissors tới từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cho hay.
Theo Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 sẽ có tác dụng nếu Trung Quốc muốn điều đó.
“Chúng tôi hy vọng họ sẽ tuân thủ luật. Nếu họ không như vậy, chúng tôi sẽ đưa ra các hành động chống lại họ”, ông Lighthizer cảnh báo.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp của Trung Quốc tại Capital Economic nhận định Trung Quốc không nhận được mọi thứ họ muốn từ thỏa thuận mới đây và Mỹ dường như cũng không có được những thay đổi cầu trúc của nền kinh tế như họ muốn.
“Nhưng họ có được sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại song phương. Tôi nghĩ rằng chính quyền Trump sẽ coi nó như một chiến thắng”, ông cho hay.