Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVũ khí siêu vượt âm trong cuộc đua giữa các cường quốc

Vũ khí siêu vượt âm trong cuộc đua giữa các cường quốc

Hiện Nga, Trung Quốc và Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, phát triển tên lửa siêu vượt thanh. Điều này làm gia tăng nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí siêu vượt thanh và mối lo về an ninh trên thế giới.

Vũ khí siêu thanh được định nghĩa là loại công cụ chiến tranh có thể bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh, cụ thể 1.482-6.174 km/h, tương đương 412-1.715 mét/giây. Do đó, vũ khí siêu vượt âm thường có tốc độ khoảng 6.175-12.000 km/h. Về nguyên lý hoạt động, vũ khí siêu vượt âm đánh đổi tốc độ hồi quyển cực lớn của đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để tăng tầm bắn và khả năng lẩn tránh lưới phòng không đối phương. Ngoài ra, vũ khí này cũng có khả năng cơ động phức tạp trong khi bay, khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa không thể xác định chính xác quỹ đạo để đánh chặn. Tên lửa đạn đạo hiện đại nhất hiện nay vẫn bị theo dõi và đánh chặn tương đối dễ dàng. Vì vũ khí siêu vượt âm di chuyển linh hoạt nên cũng sẽ khó biết chúng sẽ tấn công mục tiêu nào.

Nga mới đây tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard có tầm bắn thuộc hàng liên lục địa, với tốc độ bay lên đến Mach 20 (Mach 1, tương đương 1.235km/h), tức là hơn 24.000km/h. Avangard là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược được trang bị phương tiện phương tiện lướt siêu vượt âm. Theo các nguồn tin công khai, vũ khí “đột phá” này được phát triển bởi Hiệp hội Nghiên cứu và Chế tạo máy ở thành phố Reutov thuộc khu vực Moscow. Loại vũ khí mới đã được đưa vào thử nghiệm từ năm 2004. Phương tiện lướt có khả năng bay ở tốc độ siêu vượt âm trong những tầng dày đặc của khí quyển và có thể điều khiển đường bay, độ cao cũng như xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Tên lửa siêu thanh Avangard là loại tên lửa có thể bay và hoạt động ở khí quyển tầng cao với tốc độ trên Mach 5. Điều này khiến cho các tên lửa Avangard trở nên khó chặn hơn các đầu đạn thông thường. Hiện chưa có nhiều thông tin kiểm chứng về vụ thử tên lửa Avangard vừa được quân đội Nga thực hiện hồi giữa tuần – một cuộc thử nghiệm kết thúc quá trình thử nghiệm của loại vũ khí mới của Nga. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov mới đây đã hé mở một số thông tin về dự án tối mật này. Cụ thể, ông Borisov đã tiết lộ trên kênh truyền hình Rossiya 24 TV rằng cuộc thử nghiệm mới nhất đã cho thấy, tên lửa Avangard có thể phóng đi với tốc độ kinh khủng là 27 Mach, vượt quá 27 lần tốc độ âm thanh và tương đương hơn 30.000 km/giờ. Sự linh hoạt vượt trội của tên lửa Avangard khiến nó trở thành một trong những mục tiêu khó tấn công nhất, gần như không có tên lửa nào có thể bắn hạ nó ở tốc độ như vậy và sẽ cực kỳ khó để đoán được đường đi của tên lửa siêu vượt âm Avangard. Quân đội Nga trước đó vừa cho biết, họ đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm cuối cùng đối với tên lửa siêu vượt âm Avangard trước khi nó được đưa vào biên chế của quân đội. Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga – Thượng tướng Sergei Karakayev cũng từng tiết lộ, những tên lửa siêu thanh Avangard đầu tiên được đưa vào trực chiến năm 2019 tại sư đoàn tên lửa Dombarovsky đóng ở Khu vực Orenburg, nam Urals.

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố công khai việc triển khai vũ khí siêu vượt âm khi tên lửa DF-17 của họ có mặt trong cuộc diễu binh vào dịch 70 năm Lễ Quốc khánh ngày 1/10/2019. Theo các thông tin ban đầu từ truyền thông Trung Quốc, quá trình phát triển DF-17 diễn ra từ năm 2009, thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào năm 2014. Tình báo Mỹ sau khi phát hiện việc Bắc Kinh thử vũ khí mới đã đặt cho nó tên định danh Wu-14 và sau đó là DF-ZF. Tên gọi chính thức DF-17 của vũ khí này được tiết lộ vào năm 2017. Tính từ thời điểm phát triển đến khi hoàn thành chỉ mất 10 năm, một khoảng thời gian kỷ lục. Nhìn từ bề ngoài dễ nhận thấy DF-17 có một tầng tên lửa đẩy thông thường và phần đầu đạn kiểu tàu lượn siêu âm thiết kế tương tự HTV-2 của Mỹ hay Avangard của Nga. Ước tính thông số kỹ thuật của DF-17 bao gồm chiều dài 14,4 m; trọng lượng 14 tấn, phần đầu đạn tàu lượn nặng khoảng 1,4 tấn; tầm bắn 1.700 km; tốc độ gia đoạn công kích mục tiêu lên tới 3200 m/s. Theo thông tin ban đầu, tên lửa đạn đạo DF-17 hiện trực thuộc căn cứ số 61 là quân đoàn nằm ở phía Đông nhắm đến Đài Loan, Okinawa (Hàn Quốc, Nam Nhật Bản cũng nằm trong phạm vi tấn công của nó). Một thông tin khác cho biết DF-17 hiện đang triển khai đến 3 lữ đoàn, nó là vũ khí chiến thuật cùng cấp DF-11/15/16. Dự kiến, DF-17 sẽ chính thức đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Mỹ được coi là đang yếu thế hơn so với Trung Quốc trong việc nghiên cứu, phát triển vũ khí siêu vượt âm. Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ (GAO) mới đây công bố một báo cáo thừa nhận Washington hiện không có biện pháp đối phó hay phòng thủ hiệu quả chống lại những vũ khí siêu thanh mới đang được Trung Quốc phát triển bởi vì chúng có thể xuyên thủng hầu hết hệ thống phòng thủ tên lửa. Báo cáo trên cho biết, Trung Quốc đang theo đuổi các vũ khí siêu thanh với những tính năng nổi bật về tốc độ, độ cao và khả năng cơ động, có thể đánh bại hầu hết hệ thống phòng thủ tên lửa. Những vũ khí siêu thanh này có thể được sử dụng nhằm cải thiện năng lực tấn công hạt nhân và thông thường tầm xa. Báo cáo của GAO nhấn mạnh tới những thách thức cho an ninh nước Mỹ xuất phát từ vũ khí chống vệ tinh và máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc. Cụ thể, các vũ khí này của Trung Quốc có thể “bay nhanh hơn, bay xa hơn và mang theo vũ khí tiên tiến”. Báo cáo lưu ý rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại này có thể “buộc máy bay Mỹ hoạt động ở khoảng cách xa và đưa các mục tiêu của Mỹ vào vòng nguy hiểm”. Không những vậy, quân đội Mỹ cũng thừa nhận đang phát triển các loại vũ khí siêu thanh có thể phóng từ các máy bay, tàu chiến hay tàu ngầm nhằm giúp lấp khoảng trống đáng kể trong khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ. Đáng chú ý, Mỹ vừa thử nghiệm thành công nguyên mẫu khí động học của dòng tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới. Dù mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm hình dáng khí động trên không và chưa tiến hành phóng thử, nhưng nguyên mẫu tên lửa AGM-183A ARRW có hình dáng tương tự như dòng tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal của Quân đội Nga. Quá trình thử nghiệm nguyên mẫu tên lửa AGM-183A ARRW được tiến hành trên máy bay ném bom chiến lược B-52H mang số hiệu 003 tại căn cứ không quân Edwards. Điểm khác biệt có thể nhận thấy giữa AGM-183A và Kinzhal là việc tên lửa siêu vượt âm của Nga sử dụng bệ phóng là máy bay tiêm kích hạng nặng Mig-31BM có khả năng hoạt động trên độ cao lớn, còn AGM-183A lại sử dụng nền tảng phóng là máy bay ném bom hạng nặng.

Chứng kiến năng lực siêu thanh vượt bậc của Nga và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai khoảng 12 chương trình nhằm đối phó vũ khí siêu thanh. Cơ quan các dự án nghiên cứu tiên tiến thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) đã giới thiệu dự án vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh mang tên Glide Breaker. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, thiết bị bay này sẽ hoạt động như một viên đạn, hạ gục tên lửa siêu thanh của đối phương bằng động năng của chính nó.

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo, trong đó yêu cầu khoản tiền 2,6 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm. Khoản tiền này nằm trong gói ngân sách 7,5 tỷ USD dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ quốc phòng mới của Mỹ. Chương trình vũ khí siêu vượt âm của Mỹ đặt mục tiêu chế tạo thêm các mẫu thử nghiệm cho không quân, phát triển các phiên bản tên lửa siêu vượt âm phóng từ chiến hạm và đất liền. Bên cạnh chương trình vũ khí siêu vượt âm, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn đầu tư nhiều cho các chương trình phát triển vũ khí thế hệ mới. Theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, “với đề xuất cho nghiên cứu và phát triển lớn nhất trong vòng 70 năm qua, ngân sách mang tính chiến lược này bao gồm những khoản đầu tư cần thiết cho công nghệ thế hệ mới, tên lửa, năng lực tác chiến trong vũ trụ và trên không gian mạng”. Bản đề xuất này dành 3,7 tỷ USD cho chương trình phát triển hệ thống tự động và không người lái như robot quân sự hoặc máy bay không người lái (UAV), 1,2 tỷ USD còn lại được chia cho chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển năng lượng định hướng như pháo laser trong tổ hợp phòng thủ tên lửa thế hệ mới.

Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch triển khai hệ thống vệ tinh chuyên phát hiện vũ khí siêu âm. Phát biểu trong cuộc điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách John Rood (4/4) cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch triển khai vệ tinh cảm biến giá rẻ trên quỹ đạo nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa siêu vượt âm và theo dõi chúng. Quan chức này không cung cấp thông tin chi tiết về phương án đánh chặn loại vũ khí này, cho biết quỹ đạo bay của nó rất phức tạp và gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa, tiết lộ quân đội Mỹ đang nghiên cứu giải pháp “tác động đến mục tiêu trong hành trình”. Trong phiên điều trần dành cho các yêu cầu ngân sách quân sự, ông Rood đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển “hệ thống phòng thủ chống tên lửa vượt siêu âm”. Nguyên nhân là vì cả Nga và Trung Quốc đều đang phát triển vũ khí tinh vi, bao gồm cả vũ khí vượt siêu âm. Quan chức quốc phòng Mỹ cũng đồng thời lưu ý rằng các tên lửa như vậy có khả năng cơ động trong bầu khí quyển nên chúng cực kỳ nguy hiểm và khó đánh chặn.

Không những vậy, Mỹ và Nhật Bản cũng đã cùng phát triển radar đối phó tên lửa siêu vượt âm. Theo đó, radar mới sẽ hạn chế điểm mù trong lá chắn tên lửa Aegis, tăng khả năng đối phó với mối đe dọa từ tên lửa siêu vượt âm. Dự án hợp tác này dường như cũng giúp củng cố quan hệ liên minh giữa Tokyo và Washington. Hệ thống radar mới sẽ thay thế tổ hợp AN/SPQ-9B trên tàu chiến Mỹ và Nhật Bản, vốn có nhiều điểm mù và không thể theo dõi cùng lúc khoảng không gian 360 độ xung quanh.

Giới quan sát tỏ ý lo ngại quyết định này sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực Đông Á, cũng như giữa các cường quốc trên thế giới. Nhật Bản gần đây có nhiều động thái tăng cường sức mạnh quân sự và rời xa chính sách tập trung phòng thủ, điển hình là hoán cải khu trục hạm trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay và trang bị tên lửa hành trình tầm xa cho phi đội siêu tiêm kích F-35. Tàu chiến trang bị hệ thống Aegis của Mỹ và Nhật Bản thường được trang bị hai cụm radar nhằm đối phó với các mối đe dọa khác nhau. Các đài radar AN/SPY-6 cố định chuyên phát hiện mục tiêu tầm cao như tên lửa đạn đạo, trong khi tổ hợp AN/SPQ-9B đặt trên bệ xoay sẽ theo dõi mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình và tiêm kích.

RELATED ARTICLES

Tin mới