Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTuần tra tự do hàng hải đóng vai trò quan trọng trong...

Tuần tra tự do hàng hải đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn sự bành trướng của TQ ở Biển Đông

Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do của Chính quyền Tổng thống D.Trump hiện nay, hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) đóng vai trò quan trọng, nhất là ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc không ngừng bành trướng và mở rộng ảnh hưởng. Theo thông kê, số lượng FONOPs của Mỹ ở Biển Đông đang gia tăng nhanh chóng cả về số lượng, mức độ và phạm vi.

Năm 2019

Theo các dữ liệu của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, năm 2019 Mỹ đã tiến hành tổng cộng 7 cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) trong khu vực 12 hải lý quanh các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng hoặc tuyên bố chủ quyền. Đây là con số lớn nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông năm 2014. “Mỹ thượng tôn quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc”, Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết. “Các hoạt động thuộc Chương trình Tự do Hàng hải được tiến hành một cách hòa bình và không thiên vị hay nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào”, bà Rachel nói thêm. Giải thích lý do Mỹ tăng nhanh số lượng các cuộc tuần tra tự do hàng hải như vậy, giới chuyên gia cho rằng: Thứ nhất, các tiền đồn này có khả năng củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với lãnh thổ, các nguồn tài nguyên và hoạt động đánh bắt cá sinh lợi ở quần đảo Trường Sa. Thứ hai, các đảo này có thể đóng vai trò là các phương tiện triển khai sức mạnh đối với quân đội Trung Quốc (Trung Quốc đã xây dựng các đường băng trên một số hòn đảo này nhưng tuyên bố rằng các cơ sở này không nhằm mục đích “quân sự hóa Biển Đông”). Thứ ba, việc kiểm soát Biển Đông có thể đem lại cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc một thành lũy nước sâu để tránh bị kẻ thù phát hiện. Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, quần đảo Trường Sa đem lại cho Bắc Kinh một vị thế chắc chắn trên một tuyến đường biển có tính chất quan trọng sống còn về mặt chiến lược và thương mại mà một nửa khối lượng hàng hóa của thế giới đi qua đó mỗi ngày. Về phía Mỹ, các đảo nhân tạo của Trung Quốc đặt ra thêm một thách thức. Trong nhiều tranh cãi đang làm xáo trộn quan hệ Mỹ – Trung, vấn đề được cho là gây xáo trộn nhất là tự do hàng hải. Sự bất đồng này phần nào dựa trên các cách diễn giải trái ngược nhau của hai nước về Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Được hàng thế kỷ tiền lệ và đa số các nước trên toàn thế giới ủng hộ, Mỹ đang tìm cách duy trì một cơ chế hàng hải tự do đem lại các quyền tự do mở rộng cho các tàu trên “các vùng biển quốc tế”, hay nằm ngoài “lãnh hải” 12 hải lý mà UNCLOS dành cho tất cả các nước ven biển. Trung Quốc và một vài nước khác, chẳng hạn như Iran và Nicaragua, có một quan điểm hạn chế hơn về luật biển đem lại cho các nước chủ quyền mở rộng cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh hải của họ. Cách diễn giải này biểu lộ rõ trong các hạn chế nghiêm ngặt của Bắc Kinh đối với hoạt động của các tàu quân sự nước ngoài trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Trung Quốc, một quan điểm đã dẫn tới nhiều cuộc đối đầu ở Tây Thái Bình Dương giữa các tàu hải quân của Trung Quốc và Mỹ.

Năm 2018

Mỹ đã thực hiện 5 cuộc tuần tra tự do hàng hải trong năm 2018. Biển Đông là tuyến hàng hải với 1/3 hàng hóa thương mại toàn cầu thông thương, đã trở thành một điểm nóng trong những căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh. Trong đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% khu vực Biển Đông, đồng thời xây dựng các cơ sở quân sự tại đây. Các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ thời gian này được xem là nhằm “chống lại tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình có tranh chấp”. Đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cạnh tranh nhau mà Mỹ không phải là một bên tham gia, chính sách của Mỹ là nước này nhìn chung không đứng về phía nào có yêu sách chủ quyền lãnh thổ, mà thay vào đó kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, đối với các tuyên bố chủ quyền biển quá mức, chính sách FON có từ lâu của Mỹ được áp dụng. Ngày 17/1/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham/Scarborough. Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”. Ngày 24/3, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 27/5, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 26/6, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. Ngày 30/9, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải và thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định. Ngày 29/11, Hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Năm 2017

Mỹ đã thực hiện 6 cuộc tuần tra tự do hàng hải trong năm 2017, đây cũng là năm đầu nhậm chức của Tổng thống D.Trump và ngay sau đó Mỹ đã công bố Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”. Chiến lược này tập trung chủ yếu vào sự can dự của Mỹ đồng thời ở nhiều lĩnh vực, gồm kinh tế, an ninh và có thể cả việc định ra những quy tắc, luật lệ vốn tuân theo lối tư duy chiến lược trước đó của Washington về khu vực này. Ở Biển Đông đang tranh chấp, ASEAN vẫn thận trọng trước khả năng hạn hẹp của Washington trong việc trừng phạt các hành động gây hấn bất đối xứng của Bắc Kinh. Những lãnh đạo của ASEAN như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào một cường quốc nước ngoài cách xa Manila. Các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ chỉ gây trở ngại hơn nữa sự can dự của Mỹ. Nếu yêu cầu của Bắc Kinh về việc không cho phép các nước ASEAN tập trận chung với cường quốc bên ngoài được chấp thuận trong nội dung COC thì điều này sẽ xói mòn những nỗ lực của ASEAN khi muốn duy trì vai trò của Washington ở Đông Nam Á. Tháng 12/2017, Mỹ triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Năm 2016

Mỹ đã thực hiện 3 cuộc tuần tra tự do hàng hải vào năm 2016. Trong thời gian này, sự kiến đáng chú ý nhất là việc Tòa trọng tài quốc tế thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “Đường chín đoạn” mà theo đó Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, khẳng định việc này không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Mỹ đã thách thức về mặt ngoại giao và tác chiến các tuyên bố chủ quyền biển quá mức được khẳng định bởi các quốc gia ven biển ở mọi khu vực trên thế giới. Điều này bao gồm những thách thức của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền biển quá mức được khẳng định bởi một vài trong số các nhà nước tiếp giáp với Biển Đông. Trên thực tế, trước khi Chương trình FON của Mỹ chính thức được thiết lập vào những năm 1970, Mỹ đã phản đối về mặt ngoại giao tuyên bố chủ quyền biển quá mức được khẳng định bởi Cộng hòa Philippines vào năm 1961. Việc xem xét các báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng về Tự do hàng hải cho thấy rằng các hoạt động FON của Mỹ trong những năm gần đây đã được thực hiện nhất quán mà không có sự phân biệt đối xử chống lại các tuyên bố chủ quyền biển quá mức không chỉ được khẳng định bởi Trung Quốc, mà còn bởi Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Năm 2015

Mỹ đã thực hiện và 2 cuộc tuần tra tự do hàng hải vào năm 2015. Mặc dù số lượng ít, song do Mỹ không tiến hành đợt tuần tra tự do hàng hải nào trong năm 2014 nên hai cuộc tuần tra trên đã gây sự chú ý. Khi Mỹ tiến hành một hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức các yêu sách biển quá mức đó, thì nước này không đứng về phía nào trong số các bên tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc địa lý này, mà thay vào đó Mỹ thách thức các yêu sách biển quá mức mà mỗi bên tuyên bố chủ quyền đang đòi hỏi trong các vùng biển xung quanh những cấu trúc đó. Về cơ bản, một hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong khắp các vùng biển xung quanh những cấu trúc địa hình đó có thể được coi là một hành động “trúng ba mục đích”.

Ngoài Mỹ, các nước như Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ cũng đang gia tăng các hoạt động tuần tra hàng hải và di chuyển qua Biển Đông. Phát biểu tại Hội thảo quân sự ở Adelaide, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (24/9/2018) cho biết bà có dự định thảo luận với Australia về việc cải thiện các hoạt động phối hợp tại Biển Đông, nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực này. Bà Parly cho biết Pháp không nghiêng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục cho tàu đi qua vùng biển này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp sẽ cử một nhóm công tác hàng hải đi cùng trực thăng và tàu biển của Anh ghé thăm Singapore, sau đó “tiến vào một số khu vực ở Biển Đông”. Dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng bà Parly dường như nhấn mạnh tàu Anh và Pháp sẽ đi qua vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép. Bà Florence Parly cho biết bằng cách thực thi hoạt động tự do hàng hải với các đồng minh và bạn bè, Paris đã góp phần thiết lập trật tự dựa trên những quy tắc ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Anh cho biết tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ được triển khai đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm đối phó vớicác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện từ năm 2021, sau khi tàu HMS Queen Elizabeth được trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson nhấn mạnh rằng, Anh cùng với Pháp và Australia muốn đảm bảo quyền tự do qua lại ở Biển Đông; cho biết Anh đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tự do hàng hải là điều quan trọng sống còn đối với London. Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones (8/2018) cho biết, Anh sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển Đông, bất chấp phản ứng gần đây của Bắc Kinh cho rằng London có hành vi khiêu khích. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbul cho biết, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE của Anh đã được chọn để cung cấp 9 tàu chiến mới thuộc lớp Hunter, trong chương trình trị giá 35 tỷ AUD (khoảng 25,74 tỷ USD) cho Hải quân Hoàng gia Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Anh và Australia sẽ hợp tác để triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương và sẽ có những cuộc tuần tra chung với các tàu chiến của Australia. Trong khi đó, Ngoại trưởng Julie Bishop cũng khẳng định, Australia sẽ tiếp tục các hành động mà nước này đã làm trong thời gian qua như cử tàu và máy bay đến vùng biển quốc tế ở Biển Đông” và có thể là sẽ nâng tầng xuất của sự xuất hiện này.

RELATED ARTICLES

Tin mới