Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số phân tích về thực trạng và triển vọng mối quan...

Một số phân tích về thực trạng và triển vọng mối quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc hiện nay

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ trên bình diện thế giới và khu vực, trong đó cả hai đều đang có sự hiện diên quân đồn trú của Washington. Mặc dù, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump với chính sách “nước Mỹ trước tiên”, quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn đã xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt nhất định, song giới chuyên gia vẫn cho rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục bền chặt và được củng cố thời gian tới.

Những nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn

Thứ nhất, việc Mỹ thu hẹp hiện diện tại Trung Đông tạo điều kiện cho mối quan hệ truyền thống với Nhật Bản và Hàn Quốc. Không thể phủ nhận, Mỹ đang giảm dần sự hiện diện của họ ở Trung Đông sau khi lực lượng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) về cơ bản đã bị tiêu diệt. Tổng thống Mỹ D.Trump cũng quyết định sẽ rút quân khỏi Syria bởi Chính quyền Syria không thể bị loại bỏ và đồng minh của Syria là Nga đã củng cố được vai trò của mình ở đây. Dường như Đông Bắc Á sẽ trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống D.Trump, nhất là khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết.

Thứ hai, sự kiện ký kết thỏa thuận Mỹ – Triều Tiên (6/2018) giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được coi là một dấu mốc tạo bước chuyển quan trọng từ “đối đầu” sang “đối thoại hòa bình”, mở ra cục diện mới cho khu vực Đông Bắc Á cũng như mối quan hệ đồng minh của Mỹ. Về cơ bản, quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn dựa trên quan hệ đồng minh truyền thống, được khẳng định trong Hiệp ước An ninh Nhật Bản – Mỹ, Hiệp ước về phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, và gần đây một sáng kiến đang gây được sự chú ý trở lại là “Tứ giác kim cương”. Do vậy, quyết định cải thiện quan hệ Mỹ – Triều của Tổng thống D.Trump nhằm thuyết phục Triều Tiên là sách lược không thể khác hơn của Mỹ trong lúc này. Qua đó, một mặt, Mỹ muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mặt khác, gây áp lực lên các đối thủ là Trung Quốc và Nga. Hơn nữa, cải thiện quan hệ với Triều Tiên để giảm bớt căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ triển khai, thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từng bước kiềm chế sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc và Nhật Bản tuy có sự khác biệt về lợi ích, mối quan tâm và quan điểm tiếp cận trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhưng tựu trung đều mong muốn một bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa thông qua đối thoại chính trị. Trước những diễn biến tại khu vực Đông Bắc Á và việc quan hệ Mỹ – Triều Tiên được cải thiện, Nhật Bản quyết định dỡ bỏ lệnh trực chiến đối với các tàu khu trục có trang bị hệ thống ra-đa Aegis. Sự tham gia của Mỹ tại Đông Bắc Á và quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc là một nhân tố cân bằng đối với sức mạnh của Trung Quốc. Có thể dự đoán, Triều Tiên sẽ làm mọi việc để thực hiện một thời kỳ hòa hoãn chiến lược, tập trung phát triển kinh tế đất nước cũng như đường lối ngoại giao mới là thực hiện tiếp cận cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, nhằm đạt được lợi ích cao nhất về mặt chiến lược. Vì thế, Triều Tiên vừa thúc đẩy đối thoại với Mỹ, vừa theo đuổi chính sách gần gũi hơn với Trung Quốc; đồng thời, duy trì hợp tác, đối thoại với Hàn Quốc, Nhật Bản, tìm kiếm khả năng gỡ bỏ cấm vận, thúc đẩy quan hệ liên Triều và trong khu vực. Như vậy, sau hai cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ, Triều Tiên đã có những bước đi rõ ràng, vừa muốn bỏ thế đối đầu quân sự với Mỹ, Hàn Quốc để được dỡ bỏ trừng phạt, bao vây, cấm vận, thu hút nguồn vốn, kinh nghiệm phát triển kinh tế, vừa giữ được quan hệ láng giềng lâu dài với Trung Quốc.

Xu hướng phát triển quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn

Trước một loạt diễn biến mới ở khu vực Đông Bắc Á, hướng liên kết của liên minh Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc đang trở thành mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc vốn là đồng minh truyền thống và trong bối cảnh hiện nay, dường như liên minh này đang ngày càng được thắt chặt để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và đối phó với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Một số bằng chứng trong thời gian gần đây cho thấy liên minh này đang được thắt chặt trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á có những diễn biến phức tạp, nhất là vào ngày 3/11/2018, sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ quay lại chính sách quốc gia về tăng cường kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Vào ngày 5/11/2018, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô nhỏ, động thái này dường như để đối phó với mối đe dọa từ phía Triều Tiên, nhưng mặt khác, nó cho thấy một tín hiệu rõ ràng hơn về liên minh ba bên Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc tại khu vực Đông Bắc Á. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều là các đồng minh quân sự của Mỹ, nhưng Hàn Quốc luôn hạn chế tham gia hợp tác quân sự song phương với Nhật Bản vì hai nước vẫn chưa giải quyết xong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông và những “di sản” nằm sâu trong lịch sử quan hệ song phương. Tuy nhiên, mới đây trong một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, việc chia sẻ thông tin với Nhật Bản là có khả năng. Đây là tín hiệu, tuy khiêm tốn, về việc chia sẻ thông tin giữa ba bên, là dấu hiệu cho việc liên minh Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc đang được thắt chặt.

Từ những hành động hiện nay có thể đưa ra nhận định rằng, trong tương lai gần, liên minh Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc vẫn duy trì xu hướng liên kết chặt chẽ để kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh trong khu vực và giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cần Nhật Bản và Hàn Quốc để duy trì, gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á, đối phó hiệu quả với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ cần Mỹ để bảo đảm đối trọng, kiềm chế áp lực từ Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đối với an ninh quốc gia. Có thể liên minh sẽ được duy trì dựa trên những điều kiện theo hướng biệt lập chủ nghĩa của Tổng thống D.Trump để bảo đảm không chỉ có Mỹ, mà Nhật Bản và Hàn Quốc phải thực sự tham gia, tự nâng cao sức mạnh của quốc gia để đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên, thể hiện vai trò thực sự ở khu vực. Dù thế nào đi nữa, trong tương lai gần, hợp tác Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc sẽ vẫn được cũng cố, thúc đẩy.

Hợp tác Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với những thử thách đến từ chính các bên trong liên minh và cả từ Trung Quốc. Các bên sẽ phải đưa ra được điểm cân bằng cho lợi ích chung mà những lợi ích này hoàn toàn không giống nhau. Hợp tác Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc được thúc đẩy sẽ tác động lớn đối với sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực và xa hơn nữa. Vì thế, Trung Quốc sẽ có những đối sách để bảo đảm vị thế lợi ích của mình trong khu vực. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đang được Chính quyền của Tổng thống D.Trump thúc đẩy mạnh mẽ, Trung Quốc lại càng phải hành động nhằm gia tăng ảnh hưởng và vị thế ở những khu vực đặc biệt quan trọng, như Đông Bắc Á. Với những vấn đề tồn tại từ trong lịch sử, việc Nhật Bản và Hàn Quốc nghiêng về ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chạy đua với Mỹ là rất khó xảy ra, nhưng không phải là hoàn toàn không có khả năng, nhất là khi Mỹ đang thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết”, tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc, tạo cớ cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới