Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ lại chuẩn bị “cấm đánh cá” trên Biển Đông: Bắc Kinh...

TQ lại chuẩn bị “cấm đánh cá” trên Biển Đông: Bắc Kinh đang “chèn ép” nước láng giềng

Truyền thông Trung Quốc (10/3) trích dẫn Thông cáo của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết, từ 01/5 – 16/8/2020, Bắc Kinh sẽ “cấm đánh cá” trên Biển Đông. Hành động này cho thấy Trung Quốc lại đang cậy nước lớn ngang ngược chèn ép các nước láng giềng.

“Lệnh cấm” vớ vẩn

Trang mạng Phượng Hoàng của Trung Quốc trích dẫn “Thông tư của Bộ Nông nghiệp về điều chỉnh mùa đánh bắt trái vụ”, trong đó cho biết Bắc Kinh sẽ “cấm đánh cá” ở biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và từ 12 độ Bắc ở Biển Đông (bao gồm Vịnh Bắc Bộ) từ 12h00 ngày 1/5. Việc “cấm đánh cá” ơ Biển Đông kéo dài ba tháng rưỡi (1/5 -16/8) trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.

“Thông tư” trên còn cho biết: “Các loại hoạt động ngoài khơi đánh bắt cá là tất cả các loại hoạt động ngoại trừ câu cá, cũng như các tàu hỗ trợ đánh bắt hỗ trợ tàu cá. Giờ cấm đánh cá cụ thể như sau: (1) Các khu vực Bột Hải và Hoàng Hải ở phía bắc vĩ độ 35 độ Bắc là từ 12:00 ngày 1/5 đến 12:00 ngày 1/9. (2) Các khu vực Hoàng Hải và Biển Đông từ 35 độ đến 26 độ và 30 phút vĩ độ bắc là từ 12:00 ngày 1/5 đến 12:00 ngày 16/9; các khu vực Biển Đông từ 26 độ 30 phút về phía Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông từ 12:00 ngày 1/5 đến 12:00 ngày 16/8. (3) Biển Đông (bao gồm Vịnh Bắc Bộ) từ vĩ độ 12 độ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông là từ 12:00 ngày 1/5 đến 12:00 ngày 16/8. (4) Thời gian kết thúc cấm đánh cá sẽ được xác định bởi các cơ quan thủy sản của các tỉnh ven biển, khu tự trị và đô thị trực thuộc Bộ Chính phủ và báo cáo cho Bộ Nông nghiệp. Cục thủy sản có thẩm quyền xây dựng kế hoạch quản lý hỗ trợ và trình Bộ Nông nghiệp phê duyệt trước khi thực hiện. (7) Các cơ quan thủy sản có thẩm quyền của các tỉnh ven biển, khu tự trị và đô thị có thể xây dựng các biện pháp bảo vệ tài nguyên nghiêm ngặt hơn dựa trên các điều kiện địa phương và dựa trên các quy định quốc gia”.

Từ năm 1999 đến nay, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Trung Quốc thường tuyên truyền về cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là lợi ích sinh thái, kinh tế, xã hội và sự hoan nghênh rộng rãi cộng đồng ngư dân. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động đơn phương này của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại DOC mà còn xâm phạm chủ quyền của các nước ven Biển Đông..

Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của các nước

Đầu tiên, lệnh cấm đánh bắt cá này là quyết định vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa vốn là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam, song đã bị Trung Quốc 3 lần sử dụng vũ lực bất hợp pháp vào năm 1909, năm 1956 và năm 1974. Sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc áp dụng nhiều thủ đoạn, để hợp thức hóa “chủ quyền lịch sử” đối với khu vực này, như xây dựng các căn cứ quân sự kiên cố; ồ ạt đưa quân, dân ra quần đảo để tạo lập các đơn vị hành chính “thành phố Tam Sa”; công bố văn bản pháp lý quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng các vùng biển và thềm lục địa bao lấy toàn bộ quần đảo; thường xuyên  ra các lệnh, quyết định hành chính, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm là một ví dụ điển hình. 

Thứ hai, phạm vi của Lệnh cấm đánh cá này xâm phạm các EEZ và thềm lục địa của Việt Nam và Philippines. Theo quy định của UNCLOS 1982, Việt Nam (12/11/1982) đã công bố Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam, nên Việt Nam hoàn toàn có quyền xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình. Phạm vi mà Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, đã bao trùm lên một phần vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Không những vậy, tại phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (7/2016), Toà đã khẳng định việc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012 tại một khu vực lớn tại Biển Đông, mà không loại trừ EEZ của Philippines và không giới hạn áp dụng với các tàu mang cờ Trung Quốc, là sự vi phạm Điều 56 UNCLOS về quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật biển trong EEZ của Philippines (đoạn 716, phán quyết 2016). Việc tiếp tục đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh đánh bắt cá trong phạm vi rộng tại Biển Đông vào năm 2017, năm 2018, sau khi phán quyết Tòa Trọng tài có hiệu lực, cho thấy sự thách thức của Trung Quốc đối với quy định của pháp luật quốc tế hiện hành. 

Thứ ba, phạm vi lệnh cấm đánh cá còn vi phạm quy chế của vùng chồng lấn nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định vùng chồng lấn này. Theo quy định của UNCLOS và theo thực tiễn quốc tế, trong khi đàm phán phân định vùng chồng lấn, các bên liên quan không được phép đơn phương tiến hành bất kỳ một hoạt động nào. Việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá ở vùng chồng lấn là trái với quy định của UNCLOS, bất chấp thông lệ quốc tế và hoàn toàn đi ngược lại cam kết chính trị của hai bên. 

Thứ tư, với điều kiện địa lý của một vùng biển nửa kín, nơi các tài nguyên sinh vật có độ đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau lớn, việc tham vấn là một trong các nghĩa vụ bắt buộc để bảo tồn các loài có khả năng di cư cao và sinh sống trên vùng biển của nhiều quốc gia.  Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuỳ tiện áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trong khoảng thời gian không phù hợp với thực tiễn đánh bắt cá ở Biển Đông và không tiến hành tham vấn với các quốc gia hữu quan. 

Thứ năm, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm cho thấy Trung Quốc vi phạm nguyên “kiềm chế, không thực hiện các hoạt động làm phức tạp và leo thang tranh chấp” đã được quy định trong DOC.

Dù biết vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc cố tình đưa ra lệnh cấm đánh cá nhằm phục vụ âm mưu riêng.

Thứ nhất, để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc áp dụng và phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để tìm cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

Thứ hai, thông qua việc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá hàng năm, Trung Quốc muốn phản biện lại phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) bằng cách chứng minh “Trung Quốc là nước đang kiểm soát hiện hữu, lâu dài ở Biển Đông” và các thực thể địa lý (bị Tòa tuyên bố không phải đảo) đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”. 

Thứ ba, Trung Quốc muốn thông qua lệnh cấm đánh bắ cá mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuộc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.

Vô giá trị đối với Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan. Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn (5/6/2019) khẳng định việc Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là không giá trị. Đồng thời, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam đề nghị các cơ quan chức năng như UBND, Đồn Biên phòng thông báo cho chủ tàu cá và ngư dân biết về việc Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn và khẳng định việc Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là không giá trị. Ông cũng yêu cầu cơ quan chức năng tuyên truyền về chủ quyền vùng biển Việt Nam cho ngư dân biết để yên tâm đánh bắt cá một cách bình thường trên các vùng biển của Việt Nam, đồng thời nhắc nhở ngư dân thường xuyên cảnh giác đối với các tàu lạ và cung cấp thông tin về các vi phạm của tàu nước ngoài trên vùng biển Việt Nam cho cơ quan chức năng.

Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng (5/5/2019) khẳng định, ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình, không một quốc gia nào có quyền ngăn cấm; khẳng định, hành động của Trung Quốc là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Theo ông Võ Ngọc Đồng, lệnh cấm này vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển của Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam trong nhiều năm qua liên tục lên tiếng phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Để bảo vệ ngư dân đánh bắt hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ có phương án cụ thể, kiên quyết bảo vệ an toàn để người dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Hiện tại, Nhà nước Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng tuyên truyền cho ngư dân nắm rõ vùng biển nào thuộc chủ quyền của Việt Nam để hành nghề, tránh đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển của các nước khác trong khu vực. Ông Võ Ngọc Đồng nhấn mạnh, ngư dân Việt Nam tôn trọng luật pháp của Việt Nam cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế về đánh bắt hải sản trên Biển Đông. Ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, không một quốc gia nào có quyền can thiệp, nghiêm cấm. Ngoài ra, ông Võ Ngọc Đồng cũng cho biết Việt Nam cũng như các nước, luật pháp quốc tế đều có quy định về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào mùa sinh sản và ngư dân Việt Nam chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam – Trung Quốc đã có thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Lệnh cấm này không phù hợp với thỏa thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao 2 nước đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiện nay. 

Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã nhiều lần có công văn gửi các Bộ, ngành liên quan phản đối hành động đơn phương này từ phía Trung Quốc. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, hành động đơn phương han hành Quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển vịnh Bắc bộ, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại DOC; không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động đơn phương và không có giá trị pháp lý của phía Trung Quốc. Quyết định trên của phía Trung Quốc là vô giá trị. Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, đây là lệnh cấm vào dịp hè kéo dài 3 tháng được Trung Quốc đơn phương áp dụng bắt đầu từ năm 1999 trở lại đây; khẳng định lệnh đánh bắt cá trên không có giá trị đối với Việt Nam. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, “người ta muốn thể hiện cái quyền của người ta về cái đường lưỡi bò, với lý do là để bảo vệ thì nó cũng đơn giản như mọi năm đều nó là bảo vệ nguồn cá trong vùng biển đó. Tuy nhiên đối với Việt Nam chúng tôi thì nó chả có giá trị pháp lý gì cả vì nó vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật biển của Việt Nam. Vùng biển Việt Nam thì do người Việt quản lý chứ chả cần đợi người khác bảo vệ quyền lợi trên vùng biển của chúng tôi. Người Việt Nam sẽ lo việc đó”.

RELATED ARTICLES

Tin mới