Thursday, May 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTuyên truyền bản đồ “đường chín đoạn” tại Italy trong dịch Covid-19...

Tuyên truyền bản đồ “đường chín đoạn” tại Italy trong dịch Covid-19 và các vụ việc tương tự trước đây

Vụ việc đang gây phản ứng mạnh trong dư luận các nước hiện nay là việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy đăng tải 2 hình ảnh với ý nghĩa là, Italy đã giúp Trung Quốc trong dịch SARS hồi năm 2008, Bắc Kinh không bao giờ quên và đến giờ là lúc Trung Quốc giúp lại Italy trong dịch Covid-19, trong đó đã cố tình lồng ghép bản đồ “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”.

Năm 2012, Trung Quốc đã cho phát hành hộ chiếu điện tử mới với hình ảnh “đường 9 đoạn” nhằm tuyên truyền và củng cố yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông. Theo đó, hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc, trong đó có in chìm tấm bản đồ mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình, đã bắt đầu được cấp phát hồi trung tuần tháng 5/2012. Trong bản đồ này, ngoài “đường lưỡi bò”, còn có đảo Đài Loan và hai khu vực ở Ấn Độ đang do New Dehli kiểm soát mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình. Để tìm cách biện minh cho hành động vô lối của minh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lúc đó cho rằng: “Hình ảnh trên hộ chiếu không nên bị diễn giải quá lên. Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước liên quan và thúc đẩy trao đổi hòa bình giữa nhân dân Trung Quốc và thế giới. Vấn đề về bản đồ trên hộ chiếu mới của Trung Quốc không nên bị săm soi. Mục đích của họ chiếu điện tử mới chỉ là tăng cường về tiện ích về công nghệ và giúp các công dân Trung Quốc thuận tiện hơn khi xuất nhập cảnh một quốc gia”.

Năm 2018, một nhóm du khách Trung Quốc khi đến Việt Nam mặc áo in bản đồ “đường lưỡi bò”. Đây là hành vi lợi dụng thông qua khách du lịch để tuyên truyền, quảng bá có ý đồ, có tổ chức, có sự chuẩn bị chứ không phải vô tình. Những vụ này cho thấy Bắc Kinh đang dùng “quyền lực mềm” để nhắc Việt Nam về tranh chấp Biển Đông và mỗi lần như thế thì công luận Việt Nam lại phẫn nộ. Cộng đồng mạng quốc tế cũng phát hiện hình ảnh “đường 9 đoạn” xuất hiện trên một đồ họa của kênh thể thao hàng đầu thế giới ESPN giới thiệu về lãnh thổ Trung Quốc trong chương trình SportCenter. Dù ESPN sau đó lên tiếng nhận lỗi và thanh minh rằng việc sử dụng đồ họa nói trên “là sai lầm vô ý” và ESPN sửa sai bằng “một tấm bản đồ hoàn toàn khác” không bao gồm “đường 9 đoạn”, giới quan sát cho rằng, điều này cho thấy “ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các hãng truyền thông và giải trí lớn có tác động đến cộng đồng quốc tế để truyền bá thông điệp đầy sai trái của mình”. Trước đó, hồi năm 2016, Tập đoàn Google cũng bị phản ứng gay gắt khi cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh trang Google Maps thể hiện “đường 9 đoạn” trong phần bản đồ Trung Quốc và khu vực Biển Đông. Đáng chú ý, tấm bản đồ “đường 9 đoạn” này chỉ thể hiện trên trang Google Maps phiên bản Trung Quốc có đường dẫn maps.google.cn nhưng lại không xuất hiện ở phiên bản toàn cầu với đường dẫn maps.google.com. Dù sau đó Google “sửa sai” nhưng động thái này cũng gây tổn hại không nhỏ đến uy tín của một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Năm 2019, thông tin về việc bộ phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ” (tên tiếng Anh là Abominable) do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đồng sản xuất có tới 2 đoạn và 4 cảnh phim xuất hiện hình ảnh “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt. Đáng chú ý, Pearl Studio thuộc sở hữu của China Media Capital, một tập đoàn lớn của Trung Quốc được thành lập với mục tiêu gây dựng “đế chế truyền thông toàn cầu” để “quảng bá những giá trị Trung Quốc ra khắp thế giới”. China Media Capital từng nhận được khoản đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tecent để hiện thực hóa mục tiêu này. Hiện bộ phim trên đã bị cấm chiếu ở Việt Nam

Ngoài ra, Trung Quốc còn tích cực lợi dụng các ấn phẩm quảng cáo du lịch, sách giáo khoa, sách tham khảo, trò chơi trực tuyến, ứng dụng bản đồ, ứng dụng thời tiết… để lồng ghép bản đồ “đường 9 đoạn”. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mới đây phát hiện một số ấn phẩm quảng cáo du lịch có in “đường 9 đoạn” tại Hội chợ Du lịch quốc tế. Chưa hết, những người dùng iPhone, iPad bằng tiếng Việt hoặc tiếng Trung, khi tra bản đồ thời tiết Weather.com được cài đặt sẵn trên thiết bị, sẽ nhìn thấy “đường lưỡi bò” 9 đoạn bao trùm toàn bộ Biển Đông. Không những vậy, bản đồ thời tiết của kênh The Weather Channel (TWC) của Mỹ cũng bị cài cắm “đường 9 đoạn”. Điều đáng chú ý là “đường 9 đoạn” này chỉ hiển thị trên phiên bản tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Nhật, tiếng Trung của bản đồ thời tiết, không hiển thị trên bản đồ tiếng Anh, Pháp hay tiếng Hindi. Cá biệt, nếu ta chọn phiên bản tiếng Trung từ vùng lãnh thổ Đài Loan, bản đồ TWC cũng không hiển thị “đường 9 đoạn” bao phủ Biển Đông.

Sở dĩ Trung Quốc liên tục phải tuyên truyền cho “đường 9 đoạn” vì thực sự nó không có cơ sở pháp lý, lịch sử. Thứ nhất, không thể coi “đường lưỡi bò” là đường biên giới trên biển của Trung Quốc; bởi vì, theo nhiều án lệ quốc tế thì đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là sự ổn định và dứt khoát; trong khi đó, “đường lưỡi bò” lại không có tính ổn định và xác định… Đến nay, “đường lưỡi bò” vẫn chưa có tọa độ chính xác để có thể xác định một cách rõ ràng trên thực tế. Mặt khác, Trung Quốc đã phải tự bỏ đi 2 đoạn (từ 11 đoạn vào năm 1948, xuống còn 9 đoạn vào năm 1953), vì bản chất vô lý của nó. Một đường không có điểm cơ sở, không xác định cụ thể kinh độ, vĩ độ theo luật pháp quốc tế thì không thể gọi là đường biên giới quốc gia. Thứ hai, càng không thể coi Biển Đông là “vịnh lịch sử của Trung Quốc”; bởi vì, theo Ủy ban Pháp luật quốc tế, một vịnh hay một vùng nước được coi là lịch sử phải thỏa mãn tối thiểu 3 điều kiện: (1) Quốc gia ven biển thực thi chủ quyền của mình đối với vùng nước được yêu sách. (2) Sự liên tục của việc thực thi quyền lực đó theo thời gian. (3) Quan điểm của các quốc gia khác đối với yêu sách đó. Thứ ba, Quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, không phải là lãnh thổ vô chủ. Hơn nữa, trong Công hàm ngày 29/9/1932 của phái đoàn ngoại giao Trung Hoa dân quốc tại Paris khẳng định các nhóm đảo Lưỡi Liềm, An Vĩnh của quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) “tạo thành lãnh thổ Trung Quốc nằm tận cùng ở phía Nam”. Như vậy, quần đảo Trường Sa chưa hề xuất hiện trên bản đồ chủ quyền của Trung Quốc. Lịch sử đã ghi nhận, các quốc gia trong khu vực vẫn tiến hành mọi hoạt động trên Biển Đông, như: Hàng hải, dầu khí, nghề cá… một cách bình thường mà không hề gặp phải sự ngăn cản nào của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc không thể nói mình đã thực hiện chủ quyền thực sự một cách liên tục và hoà bình đối với Biển Đông từ năm 1947. Thứ tư, trong phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”.

Nhìn chung, từ góc độ luật pháp quốc tế cũng như tình hình thực tế các hoạt động thực thi chủ quyền của các nước trên khu vực Biển Đông từ trước đến nay cho thấy, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là một yêu sách không có giá trị pháp lý quốc tế, không được các nước và các học giả trên thế giới công nhận. Vì vậy những hành vi tuyên truyền như vừa qua của Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị và đáng bị lên án.

RELATED ARTICLES

Tin mới