Saturday, July 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKiện TQ vì đại dich COVID-19: Trông đợi vào Mỹ và phương...

Kiện TQ vì đại dich COVID-19: Trông đợi vào Mỹ và phương Tây

Nền kinh tế, cuộc sống, tính mạng người dân trên thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19 do sự thiếu minh bạch của Trung Quốc. Hiện đang có nhiều ý kiền cho rằng các nước có thể kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế do không công khai, giấu giếm thông tin về dịch bệnh COVID-19 tạo ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Có thể kiện Trung Quốc

Hiệp hội Henry Jackson – một tổ chức phân tích có trụ sở tại London (Anh) gồm các thành viên là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Anh (07/4) công bố báo cáo cho biết Trung Quốc có thể bị kiện theo luật quốc tế vì COVID-19 đã gây thiệt hại hàng ngàn tỉ USD về kinh tế và hơn 82.000 người thiệt mạng trên toàn cầu. Các chuyên gia trong Hiệp hội Henry Jackson nói rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể bị kiện thông qua đến 10 con đường pháp lý như Quy định y tế quốc tế (IHR). IHR đã được củng cố chặt chẽ hơn kể từ sau khi dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2003. Cụ thể, phiên bản sửa đổi của IHR là một thỏa thuận giữa 196 quốc gia, yêu cầu các bên tham gia thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tất cả diễn biến xảy ra trong lãnh thổ của đất nước mình mà có nguy cơ tạo ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Thỏa thuận này cũng yêu cầu các bên tiếp tục thông báo cho WHO “về thông tin y tế cộng đồng kịp thời, chính xác và đầy đủ chi tiết về sự kiện này”. Thông tin bao gồm các dữ liệu như kết quả nghiên cứu của phòng thí nghiệm, nguồn gốc và rủi ro, số ca nhiễm bệnh và tử vong, các điều kiện ảnh hưởng đến sự lây lan của dịch bệnh và các biện pháp y tế đã được sử dụng.

Ngoài IHR, các nước có thể kiện Trung Quốc thông qua Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Trọng tài thường trực, Tổ chức Thương mại thế giới, các hiệp ước đầu tư song phương và thậm chí là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Vì nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác vào thời điểm sớm, sự lây nhiễm có lẽ đã không vượt qua khỏi biên giới Trung Quốc. Trung Quốc chỉ báo cáo tình hình cho WHO vào ngày 31/12/2019 nhưng lại nói không có bằng chứng lây truyền từ người sang người. Trong khi đó, quy định y tế quốc tế yêu cầu các quốc gia phải theo dõi và chia sẻ dữ liệu cho thế giới liên quan đến sự lây lan, mức độ nghiêm trọng của bất kỳ mầm bệnh nào có khả năng truyền nhiễm quy mô lớn. Hiệp hội Henry Jackson nhận định Trung Quốc đã làm điều ngược lại, bằng cách che đậy dữ liệu và trừng phạt các bác sĩ như ông Lý Văn Lượng khi ông tìm cách nói lên sự thật; đồng thời kêu gọi các nước liên minh lại để khởi động hành động chung nhằm lên án phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước một đại dịch đang khiến thế giới chao đảo.

Hiệp hội Henry Jackson khẳng định bằng cách tính toán chi phí thiệt hại cho các nền kinh tế tiên tiến và tập hợp một loạt các quy trình pháp lý có thể có, chúng tôi đưa ra kết luận rằng thế giới có thể tìm cách bù đắp cho tác hại kinh khủng mà dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc đã gây ra. 

Cùng quan điểm trên, Giáo sư James Kraska, Đại học Hải quân Mỹ cho rằng Chính quyền Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm vì vi phạm nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế. Dựa trên các quy định của IHR, khi một quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải làm điều gì đó nhưng không làm thì chính quyền quốc gia đó có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trung Quốc là một thành viên tham gia IHR mà hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều là thành viên. Hiệp ước này yêu cầu các quốc gia phải rất thẳng thắn hoặc sẵn sàng, nhanh chóng chia sẻ thông tin về phạm vi lây lan rộng của các loại bệnh, bao gồm các chủng bệnh giống như cúm mới, chẳng hạn như COVID-19. Đây là một nghĩa vụ pháp lý được các quốc gia tự nguyện cam kết và tất cả quốc gia là thành viên của hiệp ước, bao gồm Trung Quốc, đã đồng ý thực hiện điều này. Nhưng trong trường hợp này, Trung Quốc đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Mỹ và phương Tây cần có hành động

Hiện Mỹ và phương Tây là những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch bệnh COVID-19. Số liệu thống kê đến ngày 10/4 cho thấy, trên thế giới hiện có 1.610.119 người nhiễm bệnh, trong đó số ca tử vong đã vượt 97.000 trường hợp. Trong đó, Mỹ có 468.895 người mắc và 16.697 người tử vong; Tây Ban Nha có 153.222 người mắc và 15.447 người tử vong; Italy có 143.626 người mắc và 18.279 người tử vong; Đức có: 118.235 người mắc và 2.607 người tử vong…

Bên cạnh đó, các biện pháp được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đẩy kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái sâu rộng và nghiêm trọng. Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 8/4 ước tính kinh tế nước này sụt giảm khoảng 6% trong 3 tháng đầu năm 2020 – mức yếu kém nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong khi đó, các tổ chức kinh tế hàng đầu tại Đức nhận định nền kinh tế đầu tàu châu Âu này có thể sụt giảm tới gần 10% trong quý II/2020, tức là gấp đôi mức sụt giảm năm 2009 – thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động mạnh tới Đức. Quý II/2020 cũng sẽ trở thành giai đoạn kinh tế Đức khó khăn nhất kể từ khi các tổ chức kinh tế ở Đức bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1970.

Mỹ ở một mức độ nào đó đi sau châu Âu trong việc triển khai biện pháp đóng cửa hoạt động kinh doanh để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, do đó quý I dường như không bị ảnh hưởng, nhưng quý II có thể sẽ cảm nhận tác động. Hiện cả bang California của Mỹ – với quy mô kinh tế lớn thứ 5 thế giới, trước cả Anh và Pháp – cũng như trung tâm tài chính New York đều đang triển khai các biện pháp gắt gao để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Mỹ.

Trong khi đó, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự báo giao dịch thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm từ 13% đến 32%. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhận định thế giới đang đối mặt với “cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất hoặc sự sa sút của đời sống người dân”. Thực tế cho thấy những dự báo đưa ra vài tuần trước đây đã lỗi thời. Giữa tháng 3, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody dự báo các mức suy thoái vừa phải trong năm nay – khoảng 2% đối với kinh tế Mỹ và 2,2% đối với khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, sau đó, hầu hết các nước châu Âu triển khai các biện pháp phong tỏa tương tự Italy và Tây Ban Nha, cũng như Mỹ, khiến cả sản xuất và tiêu thụ đều chững lại.

Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Laurence Boone cho biết mỗi tháng phong tỏa sẽ khiến GDP hằng năm giảm 2%. Để chứng minh cho nhận định này, bà cho biết sản xuất theo đơn đặt hàng đã giảm từ 25 đến 30% ở tất cả các nước trong khối OECD. Đáng lo ngại là tình trạng suy thoái có thể kéo dài hơn những dự báo từ trước đến nay, và dự kiến không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào nằm ngoài vòng xoáy suy thoái.

Vì vậy, Mỹ và phương Tây – những nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 cần có biện pháp ứng phó và kiện Trung Quốc. Hồi tháng 3, đài CNN từng đưa tin công ty luật Berman ở bang Florida (Mỹ) đã đứng ra nhận đơn kiện tập thể của gần 1.000 cá nhân và doanh nghiệp địa phương yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho các thiệt hại kinh tế mà bên nguyên phải chịu suốt giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Đơn kiện nêu tên các bị cáo gồm chính phủ Trung Quốc, chính quyền tỉnh Hồ Bắc và Thành phố Vũ Hán cùng một số bộ nước này. Trong đơn kiện, Công ty luật Berman đã cáo buộc các quan chức Trung Quốc đã biết rằng COVID-19 lây truyền từ người sang người vào ngày 3/1 và bệnh nhân tử vong bắt đầu xuất hiện vài ngày sau đó. Tuy nhiên, họ vẫn nói với người dân Vũ Hán và thế giới rằng nói chung mọi thứ đều ổn, thậm chí còn tổ chức một bữa ăn tối công cộng ở Vũ Hán cho hơn 40.000 gia đình vào ngày 18/1.

Trung Quốc đáp trả

Hiện Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng hay phát ngôn chính thức nào đối với các diễn biến trên. Tuy nhiên, nhiều khả năng nước này sẽ phản đối và không chấp nhận bất kỳ khoản bồi thường nào cho các nước khác. Vì Trung Quốc lâu nay luôn giữ quan điểm đây là virus tự nhiên, không phải là vũ khí sinh học nên đây là một dạng thảm họa tự nhiên mà cả thế giới không may phải hứng chịu. Trung Quốc cũng thiệt hại nặng nề như nhiều nước đang có dịch. Bên cạnh đó, WHO cũng nhiều lần khẳng định các biện pháp phong tỏa cách ly hoàn toàn các thành phố có ca nhiễm của Trung Quốc đã có hiệu quả trong cầm chân virus không vượt qua biên giới đại lục sớm hơn. Điều này cho phép những nước khác có thời gian chuẩn bị công tác phòng ngừa. Ngoài ra, Bắc Kinh thời gian gần đây đang tích cực tiến hành các chiến dịch viện trợ nhân đạo nhân lực và vật chất cho các nước đang gặp khó khăn trong chống dịch như Ý. Hơn 50 quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đang là khách hàng đặt mua trang thiết bị y tế Trung Quốc.

Do đó, nếu có phản hồi chính thức thì Bắc Kinh có thể cũng sẽ quy trách nhiệm cho tình hình hiện tại vào tâm lý chủ quan của nhiều nước châu Âu và Mỹ để dẫn đến vỡ trận vì quá tải hệ thống y tế. Ngoài ra, vụ kiện có nguy cơ thất bại vì luật về miễn trừ cho quốc gia khác (FSIA) của Mỹ. Theo FSIA, Mỹ ngăn người dân kiện các quốc gia khác, ngoại trừ những trường hợp cụ thể.

RELATED ARTICLES

Tin mới