Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐóng cửa Viện Khổng Tử gây sức ép buộc TQ tuân thủ...

Đóng cửa Viện Khổng Tử gây sức ép buộc TQ tuân thủ luật pháp quốc tế

Cựu Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio đề nghị đóng cửa toàn bộ các cơ sở của Viện Khổng Tử – một tổ chức giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, hoạt động ở nhiều nước với mục tiêu thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa nước này chừng nào Trung Quốc còn chưa chấp nhận phán quyết bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Để ngăn chặn và buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hoạt động phi pháp trên Biển Đông, giới nghiên cứu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất có tính khả thi. Một trong số đề xuất mới của Cựu Chánh án tối cao Philippines Antonio Carpio là đóng cửa toàn bộ Viện Khổng tử của Trung Quốc tại Philippines cho đến khi Trung Quốc phải chấp nhận phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài (7/2016) thì mới được phép hoạt động trở lại ở Philipines.

Theo lời ông Carpio, Trung Quốc có các Viện Khổng Tử tại trường đại học Philippines và trường đại học Ateneo de Manila. Ông cho rằng các Viện Khổng Tử này “có thể truyền bá sự sai trái lịch sử của họ về đường 9 đoạn”. Do đó, Chính quyền Philippines cần có biện pháp hành động ngay nhằm ngăn chặn khả năng này.

Viện Khổng Tử là cơ quan giáo dục phi lợi nhuận thuộc Văn phòng lãnh đạo quảng bá Hán ngữ ra quốc tế (gọi tắt là “Hán Biện”) trực thuộc Bộ Giáo dục, trụ sở chính đặt ở Bắc Kinh, được thành lập ở các quốc gia với nhiệm vụ “quảng bá Hán ngữ, giúp các nước hiểu biết thêm về Trung Quốc”. Công việc quan trọng của nó là cung cấp tài chính (Theo Giáo sư Cát Kiếm Hùng ở Đại học Phục Đán, mỗi Viện Khổng Tử thành lập được Hán Biện tài trợ ban đầu từ 500 ngàn USD, hàng năm còn cấp thêm kinh phí hoạt động từ vài chục ngàn tới cả triệu USD; cử giảng viên, biên soạn và đảm bảo tài liệu học Hán ngữ, tạo lập con đường học Hán ngữ chính quy cho những người muốn học thứ tiếng này trên khắp thế giới.

Người Trung Quốc so sánh Viện Khổng Tử với những tổ chức xúc tiến ngôn ngữ và văn hóa như Viện trao đổi văn hóa Pháp, Viện Goethe của Đức hay Hội đồng Anh. Tuy nhiên, khác biệt căn bản trong tôn chỉ mục đích và hoạt động của Viện Khổng Tử so với các cơ quan văn hóa phương Tây dần bộc lộ: ba cơ quan nêu trên của Anh, Pháp và Đức đều không được đặt trong các trường đại học trên toàn cầu mà hoạt động độc lập, công khai tôn chỉ và định hướng tại các nước đối tác. Trong khi đó, các Viện Khổng Tử đặt trong khuôn viên các trường đại học của nước sở tại nhưng giảng dạy theo “đúng định hướng” chính sách của Bắc Kinh.

Các Viện Khổng Tử hoạt động thông qua hợp tác với các trường đại học liên kết trên toàn thế giới. Kể từ khi Viện Khổng Tử đầu tiên được mở tại Seoul ngày 21/11/2004, theo “Hán Biện” thì tính tới đầu năm 2018, theo con số thống kê của Trung Quốc, trên thế giới có 525 viện và 1.113 lớp học Khổng Tử. Tính theo châu lục, cho thấy: châu Mỹ có 161 viện và 574 lớp học Khổng Tử (161/774); châu Âu: 173/307; châu Á: 118/101; châu Phi: 54/30; châu Nam Cực: 19/101. Tính theo nước (có từ 5 viện trở lên): Mỹ 93, Anh 24, Hà Quốc 19, Nga 17, Pháp 15, Nhật Bản 14, Đức 14, Canada 13, Thái Lan 12, Ý 11, Úc 11, Brazil 8, Ấn Độ 6, Tây Ban Nha 6, Indonesia 6, Mexico 5, Ukraina 5. Các con số trên chưa được xem là đầy đủ. Một số nguồn tin cho thấy ở Mỹ có 200 viện Khổng Tử.

Mặc dù Bắc Kinh ra sức tuyên truyền mục tiêu của các Viện Khổng Tử là giảng dạy, đào tạo giáo viên tiếng Trung, tổ chức thi trình độ Hán ngữ, chiếu phim Trung Quốc, tư vấn du học, tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị… nhằm đưa văn hóa Trung Hoa ra thế giới; nhưng có vẻ mục đích chính của nó không hoàn toàn như thế. Chính ông Lý Trường Xuân, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đã không giấu diếm: “Viện Khổng Tử là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tuyên truyền ở nước ngoài của Trung Quốc”. Nhiều học giả quốc tế đã nhìn nhận “các Viện Khổng Tử là một hạm đội đấu tranh tư tưởng toàn cầu nhằm đạt tới mục tiêu chiến lược “nhược Tây cường Trung”. Trong khi đó, Quốc hội Thụy Điển chỉ ra rằng Viện Khổng Tử là nơi để chính phủ Trung Quốc tuyên truyền chính trị; còn cơ quan an ninh quốc gia Canada thì cho rằng Viện Khổng Tử là bước đầu tiên để Trung Quốc thực hiện ý đồ xâm nhập, thẩm thấu vào quốc gia sở tại. Các quan chức Ấn Độ và Nhật Bản cũng hoài nghi các Viện Khổng Tử không chỉ truyền thụ Hán ngữ, mà còn truyền bá ý thức hệ, quan niệm giá trị của Trung Quốc, là công cụ để tác động, gây ảnh hưởng đến dân chúng và chính quyền nước sở tại.

Đáng chú ý, theo ông Michel Juneau Katsuya, cựu Vụ trưởng Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Cục Tình báo Canada cho biết nhiều năm qua, các Viện Khổng Tử thường sử dụng một sách lược chung ở nhiều quốc gia là thông qua thẩm thấu chính trị để khống chế quan điểm chính trị và ngôn luận. Viện Khổng Tử là một cơ quan gián điệp, được Trung Quốc thao túng và lợi dụng. Hiện cơ quan tình báo Canada vẫn đang điều tra việc các nhân viên của Viện Khổng Tử có ý định tìm kiếm các văn kiện cơ mật, tài khoản và hộp thư điện tử của chính phủ, yêu cầu cho họ sử dụng hộp thư tên miền chính phủ…những hành vi đó đều là hoạt động gián điệp. Lý Phụng Trí, một cựu quan chức tình báo của Trung Quốc cũng nói: “Khi Trung Quốc lập ra Viện Khổng Tử là có xem xét về chiến lược. Bản thân tôi cho rằng đó là con đường tốt, rất tốt để cài cắm các nhân viên tình báo”.

Trong một thời gian dài sau khi được thành lập, các Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ thành lập đã gây nên tranh cãi ở các nước. Nhiều người lo ngại Viện Khổng Tử sẽ gây hại đến tự do học thuật của giáo dục phương Tây. Hiện nhiều nước trên thế giới đang điều chỉnh chính sách đối với Học viện Khổng Tử. Tính đến hết tháng 10 năm 2019, Mỹ đã đóng cửa hơn 20 Viện Khổng Tử. Thụy Điển cũng đã đóng cửa các cơ sở Viện Khổng Tử trong nước vì lo ngại an ninh. Bỉ cáo buộc lãnh đạo Viện Khổng Tử tại nước mình làm gián điệp cho Trung Quốc và sau cáo buộc này trường đại học Vrije Universiteit Brussel – đại học nghiên cứu nổi tiếng tại Brussels (Bỉ) cho biết sẽ đóng cửa Viện Khổng Tử trong trường. Canada cũng tuyên bố sẽ đóng cửa nhiều “Học viện Khổng Tử” và “Lớp học Khổng Tử”. Australia cũng đã cảnh báo các trường đại học và người dân không quan hệ hoặc thận trọng đối với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới