Sunday, May 5, 2024
Trang chủĐàm luậnTừ lệnh cấm đánh bắt cá đến chiến dịch biển xanh 2020,...

Từ lệnh cấm đánh bắt cá đến chiến dịch biển xanh 2020, lộ cái đuôi cáo

BáoSouth China Morning Post mới đây nhận định:Những hành động vi phạm luật pháp quốc tế gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông ngày càng khiến các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế bất bình. Điều này có thể là lợi bất cập hại vì nó không chỉ đẩy Trung Quốc sa lầy vào cuộc đối đầu với Mỹ, mà còn gâyxung độtvới các nước trong khu vực.

Trung Quốc có nhiều tham vọng ở Biển Đông. Điều này bao trùm trong chiến lược xây dựng đường tơ lụa trên biển. Tuy nhiên, tham vọng trực tiếp nhất của nước này là đánh bắt hải sản và khai thác dầu khí.

Để thực hiện tham vọng này trong tháng 4 và đầu tháng 5, Trung Quốc đã ngang ngược công bố lệnh cấm đánh cá mùa hè tại nhiều khu vực ở biển Đông, trong đó lớn nhất là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam ở Vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa. Còn trong lĩnh vực khai thác năng lượng, hồi đầu tháng 4, lực lượng tuần duyên Trung Quốc mởchiến dịch “Biển Xanh 2020”. Cái gọi là chiến dịch sẽ được thực hiện trong 8 tháng, nhằm “trấn áp các sai phạm trong thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi”, cùng các hoạt động xây dựng hàng hải và ven biển.

Đúng là Bắc Kinh đã quá ngông cuồng khi không nể mặt láng giềng trong khu vực. Họ nghiễm nhiên làm mưa làm gió, cứ như biển Đông là cái ao, cái ruộng nhà mình.

Tham gia khống chế biển không chỉ có lực lượng tuần duyên mà còn có sự gớp mặt của các bộ giao thông và tài nguyên môi trường của Trung Quốc. Mặc dù nhà cầm quyền Trung Nam Hải lấp liếm rằng họ chỉ “trấn áp ở phạm vi trong nước”, nhưng theo các nhà phân tích thì hành động này lại chủ yếu là can dự vào việc ngăn cản các nước trong khu vực làm ăn trên biển Đông.

Chiến dịch Biển Xanh 2020 của Trung Quốc còn quá ít thông tin. Để đối phó với âm mưu của nước này các quốc gia trong khối ASEAN, kể cả Mỹ, Nga đang hết sức quan tâm, theo dõi sát từng bước đi, từng dấu hiệu của Bắc Kinh, để chủ động có đối sách phù hợp. Điều cơ bản là những ảnh hưởng tới biển Đông khi Trung Quốc mở chiến dịch.

Vẫn biết Trung Quốc luôn tuyên bố họ tập trung cho các mục tiêu kinh tế, nhưng mục tiêu lớn nhất vẫn là áp đặt yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Bắc Kinh dường như đã vượt ra khỏi trọng tâm chính là xây dựng các thực thể trên biển. Họ đang tìm mọi cách đẩy nhanh các hoạt động liên ngành với sự tham gia của nhiều cơ quan trong nước. Toàn bộ những hoạt động này âm thầm diễn ra trong khi cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch Covid-19. Phép tàng hình của các thế lực bành trướng rất dễ đánh lừa các quốc gia liên quan.

Tự cho mình quyền làm mưa làm gió nhưng khi các quốc gia khác có các hoạt động kinh tế trên biển, Trung Quốc lập tức phản công bằng công luận và bằng “quả đấm” quân sự. Điển hình là trường hợp mới đây của Malaysia. Trong khi Malaysia triển khai các hoạt động thăm dò năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, Trung Quốc lập tức cho tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng tàu tuần duyên bám đuổi rất sát, phá rối các hoạt động của tàu thăm dò Malaysia

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein đã phải lên tiếng kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ông Hussein nhấn mạnh Kuala Lumpur kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Việc đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá cùng với hàng loạt hành động khác của Trung Quốc vốn không xa lạ gì với bản chất bành trướng của họ. Nhưng năm nay các hành động càn rỡ đó diễn ra cùng với rất nhiều sự việc khác như tiến hành tập trận, húc chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, thành lập cái gọi là hai huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thực chất là Hoàng Sa và trường Sa của Việt Nam.

Rõ ràng đây là sự tính toán đầy hắc ám trong một chiến lược tổng thể, lâu dài. Nhưng chiến lược gì cũng lộ cái đuôi con cáo trong bị – cái đuôi của kẻ đại bá, muốn ăn tươi nuốt sống những người yếu thế bên cạnh. Song, yếu thế chỉ là tạm thời, không thể đem so sánh lực lượng ở đây bằng phép nhân hay phép cộng. Sức mạnh của các quốc gia đang bị Trung Quốc bắt nạt là chính nghĩa, là luật pháp quốc tế và tinh thần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ.

Chớ chủ quan, xem thường. Hãy chặt phăng cái đuôi cáo khi nó vừa kịp thò ra!

RELATED ARTICLES

Tin mới