Saturday, May 11, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới chức ngoại giao - quốc phòng Philippines bày tỏ quan điểm...

Giới chức ngoại giao – quốc phòng Philippines bày tỏ quan điểm khác nhau trong vụ TQ chĩa súng radar tàu Manila

Sau khi gửi công hàm phản đối tàu chiến Trung Quốc (17/2) cố tình chĩa súng radar vào tàu chiến Philippines trên Biển Đông, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Manila lại đưa ra các tuyên bố thể hiện quan điểm khác nhau về vụ việc trên.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (28/4) đã dịu giọng khi nói về việc tàu Trung Quốc chĩa súng radar về phía tàu hải quân Philippines, cho rằng tàu Trung Quốc chỉ muốn thử phản ứng của Manila, chứ không có ý định dùng tên lửa tấn công tàu hải quân Philippines; đồng thời tái khẳng định súng radar được dùng để khóa mục tiêu cho tên lửa, do đó hành động đó “phần nào” gây hấn, chứ “không phải quá gây hấn”. Do đó, quân đội Trung Quốc có vẻ như chỉ đang thử phản ứng của Manila bằng hàng động chĩa súng radar về phía tàu Philippines. Dù đã dịu giọng, ông Lorenzana vẫn cho rằng cách hành xử của tàu Trung Quốc mang tính đe dọa và thách thức thường xuyên của quân đội Trung Quốc khi tàu hoặc máy bay của họ đi qua Biển Đông.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin thể hiện quan điểm cứng rắn hơn; nhấn mạnh “đừng mơ đến việc chĩa bất kỳ thứ gì về phía đất nước chúng tôi. Đừng bao giờ chĩa bất kỳ điều gì về phía đất nước chúng tôi, trừ khi bạn muốn bắt đầu một cuộc chiến” và mỉa mai phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng mai rằng “chúng ta đã vượt qua bài thử” của Trung Quốc. Ông cũng cho rằng với tư cách là người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines, ông không đọc suy nghĩ của người khác mà chỉ lý giải và phản ứng lại các hành động trên thực tế.

Vụ việc xảy ra giữa một tàu chiến Trung Quốc và một tàu hộ tống của Hải quân Philippines trên vùng biển thuộc quần đảo Kalayaan ở Biển Đông. Theo đó, sự cố xảy ra giữa tàu Hải quân BRP Conrado Yap (PS39) và tàu hộ vệ tên lửa Type-056A số hiệu 514 của Trung Quốc. Hôm đó, tàu BRP Conrado Yap (ảnh) đang thực hiện tuần tra tại khu vực Dự án năng lượng khí đốt tự nhiên Malampaya tại nhóm đảo Kalayaan thì phát hiện tàu Trung Quốc màu xám lại gần. Qua quan sát, vũ khí của tàu Trung Quốc đã chĩa vào phía tàu PS39. Dù tàu BRP Conrado Yap không có các thiết bị điện tử để hỗ trợ xác nhận việc tàu chiến Trung Quốc hướng radar điều khiển hỏa vào tàu của họ, nhưng các hình ảnh quan sát được xác định động thái thù địch của tàu chiến Trung Quốc. Bộ Tư lệnh miền Tây cho biết, “bộ phận kiểm soát súng này có thể được sử dụng để xác định, theo dõi mục tiêu và làm cho tất cả các khẩu súng chính sẵn sàng khai hỏa trong 1 giây”. Tàu Philippines PS39 ngay lập tức đưa ra cảnh báo qua radio và đề nghị tàu Trung Quốc tiếp tục hành trình đến đích, nhưng tàu Trung Quốc đã phản ứng bằng thông tin sai trái là: “Chính phủ Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với Biển Đông, các đảo và vùng biển lân cận”.

Được biết, giai đoạn gần đây, Chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liên tục bị quan chức, người dân lên tiếng chỉ trích vì không dám bảo vệ chủ quyền và lợi ích của người dân ở Biển Đông, trước những hành động ngang ngược, phi lý của Trung Quốc. Tình trạng căng thẳng đã tạo ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ Philippines, khiến nước này đang dần tạo ra 2 phe phái có quan điểm khác nhau trong vấn đề Biển Đông. Một trong những mâu thuẫn, bất đồng mới đây giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Philippines là việc hủy bỏ thỏa thuận thăm viếng các lực lượng quốc phòng với Mỹ.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Philippines lo sợ sẽ xảy ra xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, nên tìm cách né tránh Hiệp ước phòng thủ Mỹ – Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (5/3) cho rằng Mỹ có khả năng liên quan đến một cuộc chiến tranh tại Biển Đông hơn là Philippines nhưng chính Philippines sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến như vậy chỉ vì Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau năm 1951 giữa hai nước. Bộ trưởng Lorenzana cho rằng cần phải xem lại Hiệp ước này để làm rõ những mập mờ có thể gây hỗn loạn và nhầm lẫn trong một cuộc khủng hoảng. Ông Lorenzana nhắc lại việc năm 1995, Trung Quốc hung hăng chiếm giữ một đảo đá Philippines yêu sách, khi đó “Mỹ đã không ngăn chặn”. Ông Lorenzana nhận định, các lực lượng của Mỹ đang đẩy mạnh cái gọi là tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược, có vẻ như sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang hơn là Philippines. Tuy nhiên, trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước, Philippines đương nhiên sẽ bị liên quan. Đây là điều mà ông Lorenzana không trông chờ và không mong muốn.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines lại ủng hộ Mỹ và Hiệp ước nói trên. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario (6/3), hoan nghênh phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ về việc Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp tàu và máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông. Ông Del Rosario cho rằng đây là một trong những phát biểu quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ kể từ khi Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước được ký kết năm 1951. Cần phải coi đây là tuyên bố tích cực, đáng tin cậy của chính sách đối ngoại Mỹ về khẳng định sự tuân thủ các quy định của luật pháp. Bên cạnh đó, Philippines cần phối hợp với Mỹ trong việc vạch ra giới hạn đỏ ở bãi cạn Scarborough để có thể ngăn chặn mọi kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này của Bắc Kinh. Theo ông Del Rosario, điều này mang tính cấp bách vì một mặt, Bắc Kinh coi Trường Sa, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough là tam giác an ninh ở Biển Đông để triển khai sức mạnh hải quân; mặt khác, bãi cạn Scarborough chỉ cách bờ biển gần nhất của Philippines có 124 hải lý. Do vậy, với việc Mỹ là đồng minh hiệp ước duy nhất, Philippines cần phải công nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của liên minh này, phải nhận thấy Philippines cần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của mình. Ông Del Rosario cho rằng việc xây dựng năng lực quân đội Philippines mạnh hơn, nhanh hơn chỉ có thể được thực hiện với sự trợ giúp và cam kết của đồng minh hiệp ước này.

Nhìn chung, việc nội bộ Philippines mâu thuẫn, bất đồng trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông và ứng xử với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên thực địa sẽ tạo cơ hội cho Bắc Kinh lấn tới, càng trở nên hung hăng hơn. Do đó, Chính quyền Manila nên xem xét lại và cần có các biện pháp cứng rắn hơn để đáp trả các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới