Friday, May 3, 2024
Trang chủHomeNgười TQ sĩ diện hão?

Người TQ sĩ diện hão?

Tiệc cưới kết thúc, để lại một bàn đầy đồ ăn thừa. Nhiều người Trung Quốc đã quen với những bữa tiệc cưới lãng phí như vậy.

Tiệc cưới xa hoa

Hiện nay, các địa phương nước này đều đang tích cực đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lương thực theo lời kêu gọi của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo Nhật báo Bắc Kinh, tình trạng lãng phí trong các bữa tiệc cưới vẫn tràn lan, thậm chí đây còn trở thành “khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất” của hiện tượng lãng phí thực phẩm.

Theo Nhật báo Bắc Kinh, vào cuối tuần trước, trong một tiệc cưới được tổ chức tại một resort, mỗi bàn có 23 món, khách khứa chúc tụng rôm rả, uống rượu nói chuyện, rất nhiều món chỉ được chấm đũa. Chẳng mấy chốc, các món ăn trên bàn đã xếp chồng lên nhau không thể lên thêm, nhiều món ăn chưa hết nửa đã được nhân viên phục vụ dọn xuống.

Sau khi thực khách rời đi, hơn một nửa số món ăn trên hầu hết các bàn vẫn còn thừa mứa, không thiếu các món ăn đắt tiền như hải sâm, tôm hùm, bào ngư. Những đĩa cá mú trên bàn chỉ được động vài đũa, rồi thịt viên tứ hỷ, sò điệp phô mai, bào ngư sốt thừa hẳn một nửa; các món chính lên sau, rau xanh, hoa quả dường như không ai động qua, chè tráng miệng mỗi người một suất cũng còn nguyên trên bàn…

“Nếu khách muốn gói mang về, chúng tôi sẽ đóng gói cho họ nhưng rất ít người làm như vậy. Ở đây, chúng tôi có quy định là dù món ăn đó khách chưa động đũa qua, chúng tôi cũng không được ăn, chỉ có thể bỏ đi”, một nhân viên phục vụ đang dọn bàn cho biết.

“Ngày nay, tiệc cưới đều là những bữa ăn đặt sẵn và chỉ có thể chọn theo gói có sẵn. Chúng tôi đã chọn gói 4.988 NDT/bàn. Cả đời kết hôn có một lần. Chi phí có cao hơn nữa thì vẫn nằm trong khả năng của chúng tôi”, chú rể họ Dương nói, đều là những người thân, bạn bè quan trọng nhất được mời đến dự đám cưới, nếu tiệc không đầy đặn, khách khứa ăn không ngon thì thật xấu hổ.

Nhiều cặp đôi mới cưới rất hào phóng chi tiêu cho tiệc cưới, phần lớn là vì sự hào hoa, sĩ diện. Lý Vĩ, người tổ chức tiệc cưới nhiều năm qua cho biết, anh đã quá quen với những bữa tiệc lãng phí này. “Bây giờ mức sống của người dân đã được nâng cao, ăn tiệc cưới không còn là cách để cải thiện cuộc sống nữa. Rất nhiều món, người ta chỉ nếm thử. Tuy nhiên, các cặp đôi vẫn phải yêu cầu đầy đủ các món ăn nên có trong tiệc cưới, nếu không sẽ bị coi là thiếu chu đáo, sợ bị người khác nói ra nói vào”, anh Lý cho biết trong những tiệc cưới do anh tổ chức, chưa đến 10% các cặp đôi chọn đóng gói thực phẩm mang về sau tiệc cưới. Một mặt là do nể nang, sĩ diện; mặt khác lại là lo lắng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thay đổi thói quen

Ngoài ra, nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng lãng phí trong tiệc cưới còn liên quan đến các gói tiệc cưới do khách sạn triển khai.

Theo Nhật báo Bắc Kinh, đánh giá thực đơn tiệc cưới do các khách sạn cung cấp, một bàn tiệc cưới ít nhất phải có 8 món nguội, 12 món nóng, 2 món chính và 1 đĩa hoa quả, tổng cộng là 23 món. Giá tối thiểu của một bàn tiệc là 2.888 NDT, mức giá phổ biến rơi vào từ 4.588 đến 5.888 NDT/bàn. Về cơ bản, gia chủ không thể đặt món dựa trên số lượng người, khẩu vị và sở thích.
 
“Có nhiều khách hàng chọn mức giá từ 4.000 đến 6.000 NDT/bàn. Ở mức giá này, những món đắt đỏ như tôm hùm, hải sâm, bào ngư, cá mú, đều có, chất lượng và sự xa hoa đều đảm bảo. Cũng có một số khách hàng muốn thể hiện đẳng cấp còn đặt thêm vài món ăn đắt tiền khác ngoài thực đơn”, anh Trương, quản lý tại một khách sạn ở Bắc Kinh nói rằng, đôi khi khách hàng sẽ chọn gói về một số món ăn dễ hâm nóng lại hoặc dễ bảo quản như cá, tôm, thịt viên tứ hỷ. Tuy nhiên, dù vậy, đồ ăn còn thừa lại vẫn rất nhiều.

Hiện nay, rất nhiều tiệc cưới đều có bàn dự trù, nếu không sử dụng đến, khách hàng sẽ chuẩn bị sẵn nguyên liệu, yêu cầu khách hàng mang về sau khi thanh toán toàn bộ chi phí.

Anh Trương cho biết, ngoài mô hình bàn tiệc truyền thống trọn gói, khách sạn còn giới thiệu mô hình tiệc cưới tự chọn (buffet). Tại các đám cưới được tổ chức ngoài trời sẽ áp dụng hình thức tiệc buffet, như vậy, khách có thể ăn uống theo ý muốn, lại tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh hơn so với các bàn tiệc đặt theo bàn, đồng thời tránh lãng phí ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, hình thức tổ chức tiệc cưới này hiện chỉ được một số cặp đôi có tư tưởng tiến bộ và thời thượng lựa chọn.

Ông Chu Đào thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Phát triển Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc bình luận, vấn đề lãng phí trong tiệc cưới đáng được toàn xã hội quan tâm. Nguyên nhân chính của vấn đề này phần lớn là do sĩ diện đang tác quái. Tiệc cưới phô trương đã trở thành phong tục xã hội không lành mạnh, là một hình thức tiêu dùng lãng phí và xa hoa. Vì vậy, để hạn chế hiện tượng lãng phí trong tiệc cưới, Trung Quốc phải bắt đầu từ việc thay đổi thói quen này.

Ông này nhấn mạnh, “sự thay đổi của một phong tục không phải là chuyện ngay lập tức. Nó đòi hỏi chính phủ, thị trường, các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống và các cá nhân phải cùng nhau nỗ lực hướng tới một mục tiêu”.

RELATED ARTICLES

Tin mới