Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTại sao miền Trung sụt lở núi nhiều thế?

Tại sao miền Trung sụt lở núi nhiều thế?

Theo chuyên gia thủy lợi Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NNPTNT), trước đây, các tỉnh miền Trung rất ít gặp hiện tượng sạt lở nghiêm trọng như vụ sạt lở núi ở Nam Trà My (Quảng Nam) khiến 53 người bị vùi lấp.

Tuy nhiên, theo ông Hồng do phát triển quá nhiều thủy điện nhỏ đã gây giảm diện tích rừng khiến sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Từng có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề phát triển thủy lợi, thủy điện, theo ông tại sao miền Trung lại xảy ra những hiện tượng sạt lở đất bất ngờ và nghiêm trọng như thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 và mới đây nhất là vụ sạt lở núi ở Nam Trà My khiến 53 người bị vùi lấp?

– Trong lịch sử hình thành phát triển của miền Trung, trước đây rất ít ghi nhận những vụ sạt lở đất nghiêm trọng như vụ sạt lở núi ở Nam Trà My, nếu có thì cũng chỉ là những vụ sạt lở ven đồi, không gây hậu quả đau lòng như vậy.

Tại sao thời gian gần đây khu vực miền Trung xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng như Rào Trăng 3 hay Nam Trà My, theo tôi, có nguyên nhân rất lớn từ tác động của con người.

Sạt lở là hiện tượng địa chất, khi sườn đất, sườn núi bị một lực tác động thì gây sạt lở.

Cũng phải nói thêm, cấu tạo địa chất của miền Trung khác với các tỉnh miền núi phía Bắc. Đất ở miền núi phía Bắc bị phong hóa thành bột nên khi mưa xuống là dễ bị sạt trượt.

Nhưng cấu tạo địa chất ở miền Trung thì khác, đất ở miền Trung có lượng đất sét lớn, cấu tạo của đất là lớp đất này chồng lên lớp đất kia, bám dính với nhau bằng một lớp đất sét.

Quá trình cấu tạo đất là quá trình lâu dài, có nhiều tầng địa chất khác nhau, được kết dính chặt chẽ bằng các lớp đất sét.

Trước đây, khi diện tích rừng tự nhiên còn lớn, đất còn ướt do mưa xuống nước được giữ lại, lớp đất sét này phát huy được độ kết dính, nhưng hiện nay, nhiều vùng đất của miền Trung rất khô cằn, thậm chí có hiện tượng sa mạc hóa, nhiều thảm thực vật mất đi, nhường chỗ cho thủy điện.

Trong khi đó, thời gian gần đây, miền Trung nắng hạn kéo dài, quá trình đó làm cho đất phong hóa, đất sét biến thành bột không còn chất kết dính. Chỉ cần một trận mưa lớn, đất trương nở, khối đất nặng thêm, không có sự kết dính của đất sét nên gây sạt trượt với khối lượng lớn.

Đối với các thủy điện lớn, các bước từ chuẩn bị đầu tư đến đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đều được làm rất bài bản, nghiêm túc. Phải chăng, sự phát triển của các nhà máy thủy điện nhỏ quá nhiều, quá dày đặc đã ảnh hưởng một phần đến hiện tượng sạt lở đất ở miền Trung?

– Theo tôi thì đúng là như vậy. Từ năm 2013 đến nay, phong trào xây dựng thủy điện nhỏ phát triển quá nóng ở miền Trung.

Xây dựng thủy điện nhỏ quả nhiều sẽ làm mất thảm cỏ tự nhiên, khiến đất bị phong hóa và sạt trượt khi gặp mưa lớn.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 47 dự án thủy điện nhỏ, trong đó, riêng khu vực huyện Nam Trà My có 4 dự án thủy điện nhỏ.

Được biết, năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã bổ sung vào quy hoạch 4 dự án thủy điện trên địa bàn Nam Trà My với tổng công suất 78,8MW.

Trong đó, Thủy điện Trà Linh 1 tại xã Trà Linh và xã Trà Cang, công suất dự kiến hơn 26MW, sản lượng điện trên 80 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất hơn 21ha, bình quân 0,82ha/1MW.

Thủy điện Tăk Lê tại xã Trà Nam, công suất dự kiến 11,6MW, điện lượng gần 35 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất gần 15ha, bình quân 1,28 ha/1MW.

Thủy điện Nước Lah tại xã Trà Vân và Trà Don, công suất 11MW, điện lượng dự kiến gần 39 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất hơn 52ha, bình quân 4,79ha/1MW.

Thủy điện Trà Leng tại xã Trà Dơn, công suất  30MW, điện lượng dự kiến hơn 104 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất trên 55ha, bình quân 1,845 ha/1MW.

Trong khi đó, theo thống kê, mỗi 1MW làm thủy điện sẽ lấy đi khoảng 30ha rừng.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác mỏ cũng khiến thảm thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tôi từng nghiên cứu về thủy điện Sông Tranh 2 trên địa bàn huyện Bắc Trà My, nơi thường xuyên xảy ra những trận động đất nhỏ, và từng ghi nhận ý kiến của người dân địa phương về những cột sóng cao 3, 4m ở vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Vậy, theo ông đâu là giải pháp để khắc phục hiện tượng sạt lở trên?

– Sạt lở đất vốn là hiện tượng khó đoán định, chính vì vậy khi xảy ra thường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.

Ngoài những nguyên nhân khách quan thì còn có một nguyên nhân do chính con người tác động vào tự nhiên do phá rừng, khai thác mỏ, do xây dựng thủy điện.

Theo tôi, đã đến lúc cần có đánh giá cho những hiện tượng này, để có những ứng xử phù hợp với thiên nhiên trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

RELATED ARTICLES

Tin mới