Một công ty Trung Quốc mua lại công ty khai thác vàng nằm ở khu vực quan trọng chiến lược của Canada với giá 165 triệu USD.
Canada vừa quyết định kéo dài thời gian xem xét thương vụ một công ty Trung Quốc mua lại công ty khai thác vàng nằm ở khu vực quan trọng chiến lược của Canada với giá 165 triệu USD.
Lý do được giới chức nước này đưa ra là cần thời gian đánh giá khía cạnh an ninh quốc gia đối với thương vụ này. Thời gian được đưa ra cần 45 ngày nữa.
Công ty khai thác vàng của Canada – TMAC Resources đang gặp khó khăn và sẵn sàng bán cho Công ty khai mỏ Sơn Đông của Trung Quốc. Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ giúp công ty khai mỏ Sơn Đông, nhà khai thác vàng lớn thứ hai Trung Quốc, kiểm soát hoàn toàn tài sản của TMAC ở dự án mỏ vàng Hope Bay.
Đáng chú ý, mỏ vàng Hope Bay nằm ở vùng Nunavut ở miền bắc Canada không chỉ giàu trữ lượng vàng mà còn nằm trên tuyến đường biển chiến lược, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương qua Bắc Cực. Hiện tuyến đường này vẫn bị đóng băng và không thể đi lại trong hầu hết thời gian của năm. Tuy nhiên, một số nhà khoa học nói rằng biến đổi khí hậu sẽ sớm thông con đường này, tạo thành tuyến giao thông đường thủy kết nối châu Á và châu Âu ngắn hơn hiện nay.
Giá trị chiến lược và tiềm năng chưa được khai thác của khu vực khiến một số thành viên trong đảng đối lập và cựu quan chức chính phủ Canada kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau ngăn chặn vụ mua lại, báo chí Canada đưa tin.
Đạo luật đầu tư Canada quy định chính phủ phải đánh giá bất kỳ thương vụ mua bán sáp nhập nào của doanh nghiệp nhà nước và có quyền chặn bất kỳ thoả thuận nào có thể đe dọa an ninh quốc gia.
Chưa kể, thương vụ này cũng gặp rào cản là quan hệ giữa Canada và Trung Quốc đang xấu đi do các vấn đề liên quan đến vụ bắt giữ, dẫn độ Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu. Cùng với đó, vụ hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor bị Trung Quốc bắt giữ sau đó càng khiến dư luận Canada thêm thành kiến về Trung Quốc, gây áp lực đòi chính phủ của Thủ tướng Trudeau phải cứng rắn với Bắc Kinh.
Trước đây, việc công ty Trung Quốc mua mỏ khoáng sản ở Canada lại không gặp rào cản đến vậy. Hai công ty nhà nước khác của Trung Quốc là MMG và Nikel Jien Cát Lâm trước đây đã mua được mỏ khoáng sản ở vùng thuộc Bắc Cực của Canada.
Tới nay, Canada ngày càng lo ngại về những thương vụ mua bán ở khu vực chiến lược càng làm tăng sức mạnh của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bắc Kinh đã kêu gọi biến Bắc Cực thành “Con đường tơ lụa vùng cực”, đề ra những kế hoạch nhằm tích hợp vùng này vào sáng kiến Vành đai Con đường để tạo nên mạng lưới giao thông bắt đầu từ Trung Quốc tỏa đi khắp châu Á và châu Âu.
Thương vụ mua bán mỏ vàng tại Hope Bay đã được truyền thông Canada loan tin hồi tháng 5 vừa qua, Công ty khai thác vàng Sơn Đông (Hồng Kông – Trung Quốc), một công ty con ở nước ngoài của Công ty khai thác vàng quốc doanh Trung Quốc.
TMAC cho biết tài chính của SD Gold sẽ tốt cho tương lai của Hope Bay và kết quả là cho Nunavut và Canada.
Giám đốc điều hành TMAC Resources Jason Neal cho biết: “Sơn Đông Gold, với tư cách là một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, có sức mạnh tài chính, năng lực kỹ thuật và tầm nhìn dài hạn để tối đa hóa giá trị của trại Hope Bay.”
TMAC mua lại Hope Bay vào năm 2012 và đổ lô vàng đầu tiên tại một cơ sở khai thác vàng mới phát triển ở đó vào năm 2017. Khu mỏ mới đã gặp những khó khăn bởi sự gián đoạn của mạch vàng không như kỳ vọng. Dù đã cải tiến kỹ thuật nhưng hoạt động khai thác của TMAC chưa tương xứng với tiềm năng đầy đủ của khu mỏ này.
Tốc độ chế biến của nhà máy vào năm 2019 trung bình là 1.620 tấn mỗi ngày. Vào tháng 3, TMAC đã công bố kết quả của nghiên cứu khả thi cho việc mở rộng hoạt động lên 4.000 tấn mỗi ngày. Chi phí cho việc nâng cấp này ước tính vào khoảng 491 triệu USD.
Khi nghiên cứu về tính ưu tiên đang được hoàn thiện, công ty đã đưa ra đánh giá chiến lược về con đường tốt nhất cho công ty và mỏ vàng, từ đó dẫn TMAC đến với công ty Sơn Đông Gold. Sơn Đông Gold khẳng định luôn hỗ trợ dự án và người dân địa phương về các phúc lợi xã hội, môi trường.
Hiệp hội người Inuit Kitikmeot (KIA), đại diện cho người Inuit ở phía tây Nunavut, cũng dự kiến hỗ trợ thương vụ của công ty Canada và công ty Trung Quốc này với hy vọng sự phục hưng của công ty mang lại hiệu quả cho cư dân địa phương.
“Nhiệm vụ của KIA là quản lý các vùng đất và tài nguyên thuộc sở hữu của người Inuit để bảo vệ và thúc đẩy phúc lợi xã hội, văn hóa, chính trị, môi trường và kinh tế của Kitikmeot Inuit” – Chủ tịch KIA Stanley Anablak cho biết.
Chưa rõ sau 45 ngày nữa, giới chức Canada sẽ giải quyết thương vụ bán tài nguyên cho công ty Trung Quốc này như thế nào. Nhưng một bài học nhãn tiền đến từ các quốc gia châu Phi cho thấy không thể không cảnh giác với những dự án buôn bán tài nguyên cho những lời hứa có cánh.