Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiADIZ trên Biển Đông – bài toán của TQ

ADIZ trên Biển Đông – bài toán của TQ

Giữa năm 2020, cộng đồng quốc tế nóng lên trước những dấu hiệu về khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) để kiểm soát vùng trời trên Biển Đông. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm này, dư luận lại cho rằng: Bắc Kinh có thể phải từ bỏ mục tiêu này.

Máy bay tuần tra Nhật Bản trên khu vực quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư

Thông tin về khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông manh nha từ năm 2010. Dư luận có cơ sở để nghĩ tới điều đó, vì hai lẽ. Thứ nhất, với Trung Quốc, không gì họ không thể làm vì tham vọng nuốt trọn Biển Đông của Bắc Kinh đang hừng hực hơn bao giờ hết. Thứ hai, cùng thời điểm này, Trung Nam Hải đã thông báo chính thức việc họ có thể thiết lập ADIZ  trên biển Hoa Đông – nơi họ đang có tranh chấp quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) với Tokyo. Hoa Đông – đó cũng là nơi có đảo Iedo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc. Thế nghĩa là, ADIZ trên Biển Hoa Đông cũng liên quan tới xứ xở Kim Chi.

Nói là làm. Tới năm 2013, Trung Quốc đã lập ADIZ ở Biển Hoa Đông. Trong thời điểm căng thẳng gia tăng quanh quần đảo Senkaku, động thái này của Trung Quốc có thể coi là nhằm thách thức Nhật Bản.

Vùng nhận dạng phòng không, về mặt lý thuyết, không ảnh hưởng đến ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia lập ra ADIZ. Nhưng, nó hàm ý rằng, mọi máy bay dân sự của nước ngoài bay vào vùng này phải được nhận dạng, xác định vị trí, thậm chí, có thể bị ngăn chặn. Ví von, nó gần như một Barie trên không mà Trung Quốc là bên thiết lập, điều phối và tất nhiên kiểm soát và hưởng lợi.

Rõ ràng, đây là một sự thách thức quá đáng. Phản ứng của Nhật, Hàn, và cả Mỹ là: phớt lờ, mặc kệ. Tuyên bố là chuyện đơn phương của Trung Quốc. Cả ba quốc gia này cứ cho máy bay lượn vè vè trong cái gọi là ADIZ mà Trung Quốc thiết lập. Tới nay, câu chuyện ADIZ của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông gần như vẫn trong tình trạng gầm ghè nhau giữa các bên.

Dư luận không thể không nghĩ: trong các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển, Nhật, Hàn đều là các đối thủ đáng gờm, Trung Quốc còn hung hăng thế. Vậy thì mấy nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia – yếu thế hơn nhiều, nhưng lâu nay luôn phản ứng yêu sách ‘đường 9 đoạn” quyết liệt nhất – có là gì khiến Trung Quốc e ngại? Sự việc càng nóng hơn khi tháng 6 năm 2020, Bắc Kinh liên tiếp  điều máy bay xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan 5 lần trong 10 ngày – một động thái chưa từng có tiền lệ. Nó khiến người ta nghĩ, việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian, tính bằng ngày.

Tuy nhiên, liền ngay sau đó, tình hình bỗng biến chuyển. Ngày 14/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, chủ yếu dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) và Unclos 1982.
Thực ra, việc Mỹ hục hặc với Trung Quốc tại Biển Đông là chuyện đã cũ. Washington từng nhiều lần bày tỏ quan điểm về các hành vi của Trung Quốc tại  khu vực này. Không chỉ nói miệng, với danh nghĩa “bảo đảm tự do hàng hải”, cường quốc phương Tây này ngày càng có những động thái nghênh ngang, thách thức Trung Quốc: điều tàu sân bay tới, thử tên lửa, tổ chức tập trận…; lại còn lôi kéo các nước trong khu vực thành vây cánh, khiến âm mưu “đàm phán song phương”, thực chất là dùng sức mạnh cơ bắp “bẻ cổ” các nước yếu, của Trung Quốc gặp khó. Sau các hoạt động đó, tuyên bố mới nhất nêu trên mới là “một bước đi ngoại giao mạnh mẽ” của Mỹ, theo bình luận của giới chuyên gia quốc tế. Nó cho thấy, Mỹ sẽ có những động thái quyết liệt hơn trước các hành động quá quắt, ngang ngược của Trung Quốc.

Trung Nam Hải càng giận dữ hơn khi gần như đồng thời, tuyên bố trên được nhiều quốc gia, cả trong và ngoài khu vực ASEAN, rào rào vỗ tay ủng hộ. Thêm vào đó, năm giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, kết quả không thật như mong đợi vì Covid-19 khiến các cuộc họp quan trọng, thay vì trực tiếp, chỉ tổ chức qua hình thức trực tuyến, nhưng Việt Nam cũng đã chủ động hướng lái, có những tác động rõ rệt và hiệu quả, khiến các quốc gia liên quan nhận thức sâu sắc hơn về nguy cơ bị bắt nạt bởi chủ nghĩa cường quyền, từ đó, quan tâm, đồng thuận hơn với việc đề cao đối thoại, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình…

Tóm lại, Biển Đông, thời điểm này đã khác 10 năm trước – lúc Trung Quốc lăm le tuyên bố thiết lập ADIZ  rất nhiều, trong đó, nổi bật nhất là ngày càng có nhiều quốc gia, nhất là Mỹ, nhòm ngó, ngắm đến các lợi ích kinh tế và chính trị. Thiết lập một ADIZ trong khu vực này, Trung Quốc rất có thể sẽ mất nhiều hơn được. Mất rõ nhất là “đẩy” các nước ASEAN ngả vào vòng tay đang rộng mở, ve vãn của Mỹ – điều mà Bắc Kinh chắc chắn không hề muốn chút nào.
Vậy nên, ADIZ trên Biển Đông lúc này như một bài toán khó, buộc Trung Quốc phải tính toán lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới