Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaTQ sẽ có một năm 2021 đầy khó khăn

TQ sẽ có một năm 2021 đầy khó khăn

Kể cả khi Mỹ rút khỏi vị trí dẫn dắt thế giới thì phiên bản lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh vẫn không được lòng ai.

2020: Trung Quốc mắc kẹt trong xung đột

2020 là một năm khó khăn đối với Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, Trung Quốc mắc kẹt trong xung đột với các nước lớn của khu vực như Ấn Độ, Australia và đối mặt với tình trạng căng thẳng gia tăng trong quan hệ với châu Âu, Mỹ.

Thái độ đối với Bắc Kinh, đặc biệt từ phương Tây, trở nên cứng rắn hơn. Các nhà phân tích cho rằng chính Covid-19 đã khiến các bên thêm phần lo lắng về ý đồ địa chính trị của Trung Quốc, làm nhiều nước phải đánh giá lại mối quan hệ kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng như vai trò của Bắc Kinh trong trật tự quốc tế tự do mà Mỹ dẫn đầu.

Jacques deLisle, chuyên gia tại Đại học Pennsylvania, cho rằng: Vì Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn nên Mỹ và các đồng minh tập trung hơn vào mối đe dọa từ tiềm lực của nước này trong khi Bắc Kinh thì sẵn sàng thúc đẩy lợi ích của chính mình.

“Điều này cũng khiến tình trạng va chạm và căng thẳng tăng cao khó có thể tránh khỏi”, ông deLisle nói.

“Điều đáng lo ngại là xung đột Mỹ-Trung, mà rộng hơn là Trung Quốc – phương Tây đang dần trở thành hệ tư tưởng, thành hình trong suy nghĩ ở cả hai bên. Chúng ta vẫn chưa rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng viễn cảnh này không còn xa vời như trước đây”.

Sóng gió trong 2021

Năm 2021 nhiều khả năng sẽ không dễ chịu hơn với Trung Quốc, khi mà Mỹ và nhiều nước châu Âu ngày càng đồng lòng thực thi những chính sách hà khắc hơn nhằm vào Bắc Kinh vì những lời phàn nàn bấy lâu về sự thiếu sòng phẳng của Trung Quốc, cũng như thái độ gây hấn ngày càng tăng của nước này.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy lợi ích của mình theo cái cách mà họ đã làm trong vài năm qua với thái độ không phân biệt phải trái và tiếp tục khuyến khích các nhà ngoại giao và quan chức áp dụng đường lối ngoại giao ‘Chiến lang’, thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến một lập trường tiêu cực hơn đối với nước này”, Pradeep Taneja, chuyên gia của Đại học Melbourne nhận định.

Kể cả khi Washington rút khỏi vị trí dẫn dắt thế giới thì phiên bản lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh vẫn không được lòng ai. Thay vào đó, cách chính phủ Trung Quốc xử lý đại dịch đã khiến hình ảnh của họ bị hủy hoại.

Quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm ở Tây Ban Nha, Đức, Canada, Hà Lan, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thụy Điển và Australia – theo khảo sát của Pew Research.

Trong khi thế giới chật vật làm quen với tình trạng bình thường mới giữa đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế hình thành từ đó, Bắc Kinh lại ca ngợi cuộc chiến Covid-19 thành công của mình là “kéo dài thời gian quý báu cho thế giới”, một quan điểm hợp nhãn người dân trong nước hơn là cộng đồng quốc tế.

Kết quả là phản ứng mạnh mẽ ở mức độ toàn cầu.

“Điều đó phần nào đã phản ngược lại Trung Quốc vào mùa xuân năm 2020, và giờ đây, với cuộc chiến vaccine, ta có thể thấy Trung Quốc đang tìm cách cạnh tranh với các nước khác”, Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia của Đại học Baptist cho hay.

Mối quan hệ xấu đi nhanh chóng giữa Mỹ và Trung Quốc đã phủ bóng lên chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh trong năm nay.

Thế giới chứng kiến hai nền kinh tế hàng đầu xung đột về dịch bệnh, thương mại, công nghệ, hệ tư tưởng và cả lợi ích chiến lược. Những lời lẽ không mấy đẹp đẽ song hành cùng chính sách ăn miếng trả miếng liên tục, từ trục xuất nhà báo, đóng cửa lãnh sự quán, trừng phạt cho tới các hạn chế áp lên các công ty và quan chức.

Mặc dù nước Mỹ sẽ có Tổng thống mới vào tháng 1 tới đây nhưng hiện nay đang tồn tại một quan điểm chung giữa hai đảng rằng nhiều thập kỷ nỗ lực tiếp xúc cũng không làm nên chuyện với Trung Quốc.

Với nhiều quốc gia khác, tình trạng đối đầu Mỹ – Trung trở thành bối cảnh cho hành động đi dây mạo hiểm của chính họ với Bắc Kinh, giữa lợi ích kinh tế và lo ngại về an ninh.

Tranh luận về Trung Quốc đặc biệt hiện hữu tại Australia. Quan hệ giữa nước này và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona chủng mới của Australia trở thành một bước ngoặt trong mối quan hệ đang xuống dốc.

Quan hệ Trung – Ấn cũng gặp nhiều đổ vỡ trong năm 2020 khi hai nước bước vào cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài nhiều tháng tại khu vực biên giới Himalaya.

Điểm sáng duy nhất của Trung Quốc có lẽ là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực vừa ký kết hồi tháng 11 với 10 nước thành viên ASEAN, cũng như Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới mất 8 năm đàm phán và cũng là thỏa thuận thương mại tự do đa phương đầu tiên mà Bắc Kinh ký kết nhằm thúc đẩy tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới