Thursday, October 31, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao dân buôn Việt dừng nhập hàng TQ

Vì sao dân buôn Việt dừng nhập hàng TQ

Cơ quan chức năng siết chặt việc kinh doanh hàng giả hàng nhái, khiến dân buôn mặt hàng này đang chuyển từ nhập hàng Trung Quốc sang gia công trong nước.

Cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra dịp cuối năm

Sau khi một số hiệp định thương mại tự do được ký kết, cơ quan chức đang đã tiến hành thanh kiểm tra nhiều hơn với loại hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Không chỉ tăng cường kiểm tra các tổng kho, ngay cả những người giao hàng lẻ (shipper) cũng bị cơ quan chức năng dừng phương tiện kiểm tra nếu chở theo bao tải đen, bao dứa.

Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc kiểm soát hàng hóa qua biên giới rất chặt chẽ. Các loại “hàng khó” (cách gọi của dân buôn với: hàng giả, hàng nhái, mỹ phẩm, thực phẩm, máy móc cũ, linh kiện điện tử, pin, ắc quy,… ) thậm chí chỉ có 10% qua được biên giới theo đường container.

Mặt hàng quần áo, giày dép đi theo đường chính ngạch nên chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng hơn so với việc vận chuyển lậu (vác hàng qua đồi).

Theo anh L.D. (Thanh Xuân, Hà Nội) – một người làm vận chuyển hàng Trung Quốc, dù giá vận chuyển chính ngạch dao động từ 9.000-15.000 đồng/kg, rẻ hơn đi tiểu ngạch 20.000-25.000 đồng/kg, nhưng hàng quần áo và giày dép đi chính ngạch phải chịu thêm 10% thuế.

Nếu dân buôn nhập với số lượng lớn thì đi hàng qua đường chính ngạch sẽ có giá ổn định và lợi thế hơn. Song, theo anh D, đa phần các tiểu thương ở Việt Nam đều nhập với số lượng vừa và nhỏ nên đi chính ngạch sẽ mất nhiều chi phí hơn.

Xu hướng nhập hàng từ Trung Quốc ngày càng khó khăn không chỉ vì sự kiểm tra, kiểm soát và giá, mà theo một dân dân buôn quần áo lâu năm tại chợ đầu mối Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vấn đề còn liên quan đến chất lượng.

“Một số loại hàng may mặc nhập từ Trung Quốc rẻ hơn, nhưng với hàng đòi hỏi công nghệ cao thì nhập Trung Quốc đắt hơn hàng sản xuất trong nước. Nhất là với hàng sơ mi, vì đây là thế mạnh của Việt Nam so với Trung Quốc từ nhiều năm nay” – người này nói và cho biết thêm: Thời điểm hiện tại, sản xuất nội địa có giá rẻ hơn và chất lượng tương đương nên chúng tôi đang thay đổi phương thức hoạt động.

Hiện nay, việc nhập hàng Trung Quốc của tiểu thương này đã giảm đi rất nhiều. Thay vào đó, cửa hàng của người này sẽ chỉ nhập vải, mẫu để đặt hàng các công ty, các xưởng may mặc tại Việt Nam.

Hướng kinh doanh chuyển sang dần sang tự gia công trong nước, xây dựng thương hiệu riêng. Các cơ sở sẽ nhập vải từ Trung Quốc rồi đặt gia công ngay tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do mới chuyển hướng sang làm gia công trong nước, nên không ít tiểu thương và doanh nghiệp may mặc nhỏ đã xảy ra bất đồng trong cách thức kinh doanh.

Anh N.B. chủ một doanh nghiệp may tại Bắc Giang, cho biết, làm việc với dân buôn khác với doanh nghiệp. Tiểu thương tại chợ đầu mối Ninh Hiệp đặt hàng nhưng nếu làm hỏng hoặc mất nguyên phụ liệu sẽ phải đền gấp 5-7 lần giá trị, bởi họ chỉ mua vừa đủ và mất công mua lại.

“Chưa kể tới việc, nếu rủi ro giao hàng chậm 1 ngày thì họ cũng không thanh toán tiền, mà phải đợi đến khi hàng bán hết thì mới được trả. Cách làm của không ít tiểu thương còn chưa chuyên nghiệp cũng dẫn tới những bất đồng khiến tôi phải từ chối đơn hàng, dù có rất nhiều khách từ các chợ đầu mối lớn ở Hà Nội đang có nhu cầu đẩy mạnh sản xuất trong nước” – anh B nói.

Việc sản xuất hàng hóa trong nước được đẩy mạnh là tín hiệu đáng mừng. Song, theo lãnh đạo Tổng Cục quản lý thị trường, để hợp pháp thì các đơn vị phải có đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh và phải thực hiện công bố sản phẩm.

Cũng theo lãnh đạo Tổng Cục, riêng với mặt hàng vải, đơn vị kinh doanh phải cung cấp được hóa đơn chứng từ và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật. Nếu có đầy đủ giấy tờ trên thì các cơ sở hoàn toàn có thể tự gia công sản xuất.

Đầu tháng 11 vừa qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội tạm giữ 124.101 chiếc quần áo, thành phẩm, bán thành phẩm, tem nhãn vật mang nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci,… 35kg vải và các máy may, máy vắt sổ đang dùng để may hàng hóa có dấu hiệu vi phạm của cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang – Khu công nghiệp Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Anh Quyết – chủ cơ sở thừa nhận việc may sản xuất quần áo có dấu hiệu giả mạo trên không được sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu các nhãn hiệu trên và do các đối tượng kinh doanh quần áo tại khu vực Ninh Hiệp đặt may sản xuất.

Theo cán bộ quản lý thị trường, đây là những hàng thời trang thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức tại châu Âu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới