Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaHành trình pháp lý trong vụ kiện chất độc da cam của...

Hành trình pháp lý trong vụ kiện chất độc da cam của nữ Việt kiều tại Pháp

Trần Tố Nga, Việt kiều tại Pháp, đồng thời là nạn nhân chất độc da cam khẳng định bà không chỉ đấu tranh cho bản thân mà còn vì con cái và hàng triệu nạn nhân khác.

Bà Trần Tố Nga (giữa) tại buổi họp báo công bố vụ xét xử.

Tòa đại hình ở thành phố Evry, ngoại ô thủ đô Paris (Pháp) hôm 25/1 (theo giờ địa phương) chính thức đưa ra xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga với 26 công ty đa quốc gia hóa chất của Mỹ liên quan việc cung cấp chất độc màu da cam dioxin trong chiến tranh tại Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga là một công dân Pháp gốc Việt, từng là nhà báo và nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam. Bà Nga hiện bị tiểu đường loại 2 và bệnh dị ứng insulin hiếm gặp – các triệu chứng điển hình trên người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Bà sinh được 3 người con, trong đó người con cả bị chết vì dị tật tim khi mới 17 tháng tuổi, con gái thứ 2 bị lây một chứng bệnh về máu từ bà.

“Tôi đã gần 80 tuổi. Tôi là người duy nhất có thể làm được điều này. Nếu tôi chết đi, mọi thứ cũng biến mất theo tôi. Điều tôi thực sự mong muốn là hàng triệu nạn nhân có thể có hy vọng sau phiên tòa này”, bà Nga chia sẻ. 

Rất đông người ủng hộ bà Nga có mặt tại phòng xét xử. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của các chính trị gia Pháp, nhiều trong số này là đại diện các đảng châu Âu – Sinh thái (EELV), một lực lượng chính trị đang lên tại nước Pháp.

Trong khi bà Trần Tố Nga được 3 luật sư hỗ trợ, phía bị đơn đưa tới một lực lượng hùng hậu lên tới 20 luật sư.

Phần tranh tụng diễn ra hết sức căng thẳng giữa luật sư hai bên. 

Phiên xét xử hôm 25/1 chỉ là phiên mở đầu trong hàng loạt các phiên làm việc trong những ngày tới.

Quá trình đấu tranh của bà Nga bắt đầu từ năm 2014 khi bà bắt đầu phát đơn kiện 26 tập đoàn hóa chất Mỹ liên quan việc sử dụng chất độc da cam dioxin trong chiến tranh Việt Nam.

Bà Nga khẳng định các công ty này phải chịu trách nhiệm về các tổn thương của cá nhân bà cùng con cái và một lượng nạn nhân khác không đo đếm được cũng như môi trường nói chung. Trong khi đó, các công ty bị khởi kiện biện hộ rằng họ không thể chịu trách nhiệm về việc quân đội Mỹ sử dụng sản phẩm của mình trong chiến tranh. Theo họ, trách nhiệm thuộc về giới chức Mỹ. 

Nhóm luật sư của bà Nga dự kiến sẽ đưa ra cáo buộc các công ty đa hóa chất đã lừa chính phủ Mỹ về độc tính thực sự của chất độc da cam.

Trong suốt 6 năm qua, bà Nga trải qua 19 phiên thủ tục cùng hàng loạt trở ngại do phía bị đơn gây ra. 

Phiên xét xử chính thức lẽ ra đã diễn ra vào tháng 10/2020 nhưng phải hoãn lại do đại dịch COVID-19.

Từ nỗ lực đơn lẻ ban đầu, bà Nga hiện nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Pháp cũng như người dân ở nhiều nơi trên thế giới. Bản thân bà Nga tin rằng sự ủng hộ của dư luận là bước tiến dài trong cuộc đấu tranh kéo dài sắp tới. 

Trong suốt những ngày trước khi phiên xét xử chính thức bắt đầu, nhiều tờ báo Pháp cũng đưa tin về sự kiện. 

“Tôi chưa biết kết quả của vụ kiện tới đâu, nhưng thời gian vừa rồi, tất cả báo chí lớn nhỏ tại Pháp đều nói đây là một vụ kiện lịch sử. Tôi nghĩ như vậy mình đã đi được một bước rất dài rồi. Tôi hy vọng, ngày hôm nay sẽ là khởi đầu cho sự ủng hộ ngày càng nhiều, để đòi hỏi cho công lý của Trần Tố Nga cũng là đòi hỏi công lý cho nạn nhân chất độc màu da cam không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới”, bà Nga khẳng định. 

Trong khi đó, chuyên gia luật pháp quốc tế Valerie Cabanes cho rằng sự công nhận đối với các nạn nhân người Việt sẽ tạo ra một tiền lệ pháp lý cho những vụ kiện sau này.

Các luật sư của nguyên đơn cũng khẳng định phiên tòa có thể sẽ “đi vào lịch sử” nếu tòa kết luận bị đơn có tội. 

Tới nay, mới chỉ có cựu binh Mỹ, Australia và Hàn Quốc được bồi thường vì hậu quả từ chất độc da cam – loại hóa chất độc hại gấp 13 lần chất diệt cỏ thông thường như glyphosat.

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi quân đội Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch phun rải hơn 80 triệu lít chất da cam xuống Việt Nam nhưng hậu quả nặng nề của nó vẫn tồn tại đến bây giờ.

Chất da cam có chứa dioxin – độc chất kinh khủng nhất mà loài người biết đến, đã tàn phá môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam trong hàng chục năm. Chất độc này đã khiến 4.8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết hoặc đang vật lộn với đau khổ, bệnh tật hiểm nghèo.

RELATED ARTICLES

Tin mới