Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinÔng Biden quyết "đè" TQ

Ông Biden quyết “đè” TQ

Ngày 4/2/2021, phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống J. Biden coi Bắc Kinh là đối thủ hàng đầu của Washington và là thách thức thực sự đối với thịnh vượng và an ninh của Mỹ.

Ngày 11/2/2021, Tổng thống Mỹ J. Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau nhậm chức. Cuộc đàm thoại diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh xung đột với nhau trong nhiều vấn đề, từ thương mại, Hồng Kông, Biển Đông, Đài Loan và các vi phạm nhân quyền chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tổng thống Mỹ J. Biden và Chủ tịch Trung Quốc nói gì trong cuộc đàm thoại?

Ông J. Biden bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động kinh tế cưỡng bức và bất công của Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh sẽ bảo vệ an ninh, thịnh vượng, sức khỏe và lối sống Mỹ, đồng thời cam kết xây dựng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thành khu vực tự do và cởi mở là một trong những ưu tiên của ông.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đàn áp các phong trào dân chủ ở Hồng Kông, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở khu vực, bao gồm cả Đài Loan.

Trước đó, ngày 4/2/2021, phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống J. Biden coi Bắc Kinh là đối thủ hàng đầu của Washington và là thách thức thực sự đối với thịnh vượng và an ninh của Mỹ.

Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói, hợp tác là sự lựa chọn duy nhất và hai nước cần phải quản lý các tranh chấp trên tinh thần xây dựng, đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một thảm họa cho toàn thế giới.

Hợp tác Trung-Mỹ là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất có thể giúp hai nước và toàn thế giới mang lại những lợi ích to lớn. Theo ông, quan điểm của Washington và Bắc Kinh khác nhau trong một số vấn đề, nhưng hai bên nên thiết lập lại các cơ chế đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cố gắng tìm ra thỏa hiệp.

Ông Tập cũng nói với Biden rằng, ông hy vọng Mỹ sẽ xử lý thận trọng các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương, giải quyết các vấn đề về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Trước đó, ngày 5/2/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã điện đàm đầu tiên với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ông nói rõ Mỹ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, sẽ tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền và các giá trị dân chủ, gồm cả ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong. Ông A. Blinken cũng kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Các phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng, chính quyền J. Biden sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Các cố vấn của J. Biden về các vấn đề châu Á nói, sự thiếu quyết đoán của Mỹ đối với Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng bất ổn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Cạnh tranh Mỹ-Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt thời J. Biden

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên tới đỉnh cao, căng thẳng nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Tháng 7/2018, chính quyền D. Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế 25% đối với với 818 loại sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với số tiền 34 tỷ USD/năm và Bắc Kinh đã đáp trả tương tự.

Ngoài ra, Trump đã nhiều lần tuyên bố Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về sự xuất hiện của virus Covid-19 và kêu gọi LHQ trừng phạt Trung Quốc.

Tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận giai đoạn đầu để giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Theo thỏa thuận này, trong hai năm, Bắc Kinh sẽ tăng mua hàng hóa của Mỹ thêm 200 tỷ USD, để giảm tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại. Trong cuộc điện đàm vừa qua, cả J. Biden và Tập Cận Bình đều không đề cập đến việc sẽ tiếp tục đàm phán vòng hai. Thậm chí ông J. Biden còn nói sẽ không hủy bỏ mức thuế quan mà Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Ngay thời điểm diễn ra cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất này, ngày 9/2/2021, Mỹ đã đưa hai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz vào tập trận chung ở Biển Đông, nhằm tăng cường tương tác cũng như năng lực chỉ huy và điều khiển của Hải quân Mỹ. Đây là lần đầu tiên 2 tàu sân bay Mỹ cùng một lúc hoạt động ở Biển Đông kể từ tháng 7/2020.

Đáng lưu ý, các cuộc diễn tập được tiến hành chỉ vài ngày sau khi chiến hạm USS John S. McCain của Mỹ đi qua vùng biển này xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, nhằm thách thức yêu sách phi pháp của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Tổng thống J. Biden bày tỏ mong muốn xây dựng một chiến lược quân sự mới vững chắc hơn chống Trung Quốc, đồng thời tuyên bố thành lập một nhóm công tác trong Bộ Quốc phòng để xây dựng chiến lược đối phó với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc sử dụng vũ lực phải là công cụ cuối cùng cho một giải pháp.

Tại các cuộc đàm thoại, hai ông J. Biden và Tập Cận Bình chỉ nêu ra quan điểm của mình mà không đưa ra bất cứ cam kết và thỏa thuận nào. Điều này cho thấy trong tương lai gần, về cơ bản sẽ chưa có thay đổi tích cực nào đáng kể trong cuộc đối đầu về thương mại, kinh tế và chính trị giữa Washington và Bắc Kinh.

Tổng thống J. Biden không hề giấu diếm khi nói, đối đầu với Nga không phải là ưu tiên trong chính sách của Washington, chiến lược của Mỹ hiện nay là kiềm chế Trung Quốc và chia rẽ quan hệ đồng minh giữa Bắc Kinh và Moscow.

Ông coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ và Washington sẽ bằng mọi cách kiềm chế tham vọng mở rộng ảnh hưởng của họ ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Mặc dù mâu thuẫn với nhau trong nhiều vấn đề, nhưng đây là vấn đề rất hiếm được cà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nhất trí.

Sự khác biệt duy nhất giữa Tổng thống J. Biden và người tiền nhiệm D. Trump trong quan hệ với Trung Quốc là phương cách thực hiện.

Nếu ông Trump để một mình nước Mỹ đối đầu với Bắc Kinh, thì ông J. Biden đang vận động thành lập một liên minh chống Trung Quốc và sẽ ít “đao to búa lớn” hơn, tập trung vào các biện pháp mang tính chiến lược dài hạn hơn và nhất quán hơn.

Để thành lập một liên minh như vậy, chính quyền J. Biden đang nhằm vào những nước vốn có nhiều vấn đề với Trung Quốc như Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Canada, Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Ấn Độ, v.v..

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là nơi đối đầu Mỹ-Trung căng thẳng nhất

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang trở thành khu vực đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Đài Loan là một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Trung-Mỹ. Bắc Kinh coi hòn đảo này là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và coi bất kỳ sự hiện diện nào của nước ngoài trong khu vực là sự xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Bất chấp các tuyên bố của Trung Quốc, lần đầu tiên sau 42 năm, một đại diện chính thức của Đài Loan đã có mặt tại lễ nhậm chức của một Tổng thống Mỹ, mặc dù theo các thỏa thuận trước đây, Đài Loan được coi là một phần của Trung Quốc. Đây là một tín hiệu rất quan trọng cho thấy quan hệ giữa hai nước sắp tới sẽ gặp nhiều sóng gió.

Ngoài ra, Mỹ còn thường xuyên đưa tàu chiến đến eo biển Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận chung với các lực lượng vũ trang Đài Bắc nhằm mục đích được cho là bảo vệ tự do hàng hải. Trong năm 2020, dưới thời D. Trump, tàu chiến Mỹ đã đi vào eo biển này ít nhất 15 lần.

Hiện nay, các hoạt động này vẫn tiếp tục. Ngày 4/2 vừa qua, tàu khu trục USS John McCain đã đi qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống J. Biden đưa tàu qua eo biển này.

Ngày 9/2, cùng một lúc Mỹ đưa hai tàu sân bay vào loại hiện đại nhất là USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz vào tập trận ở Biển Đông.

Tướng Philip Sawyer, Tư lệnh hạm đội 7 của hải quân Mỹ tuyên bố: “Việc tàu khu trục đi qua eo biển Đài Loan và tàu sân bay có mặt tại Biển Đông thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Lực lượng vũ trang Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu bè qua lại và tiến hành các hoạt động ở bất cứ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép”.

Ngoài vấn đề Đài Loan, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh còn do các yêu sách của Trung Quốc đối với lãnh thổ của một số nước ASEAN, trước hết là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Bản thân không phải là một bên tranh chấp, nhưng Mỹ ủng hộ mạnh mẽ các quốc gia ASEAN. Washington thường xuyên đưa tàu hải quân tới Biển Đông, tuyên bố cam kết thực hiện nguyên tắc tự do hàng hải trong khu vực.

Ai thắng ai trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung?

Tuy Tổng thống J. Biden đã chỉ đạo thành lập một nhóm công tác trong Bộ Quốc phòng để xây dựng chiến lược quân sự mới chống Trung Quốc và để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực như là công cụ cuối cùng cho một giải pháp, nhưng nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, trong cuộc đối đầu hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, kinh tế sẽ là nhân tố chi phối và quyết định ai thắng ai, giải pháp quân sự sẽ là một thảm hoạ.

Kinh tế Mỹ đang suy thoái nghiêm trọng, tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2020 đạt trên dưới 21 nghìn tỷ USD, nhưng tỷ lệ tăng trưởng lại giảm -3,8%, mức thấp nhất kể từ sau thế chiến thứ hai. Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch Covid-19, GDP năm 2020 đạt xấp xỉ 16 ngàn tỷ USD và kinh tế đã khôi phục được mức tăng trưởng 2,3%. Tiếp tục đà này, GDP của Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến 2030 và có thể sớm hơn nữa. Khi đó, cán cân quyền lực sẽ nghiêng về Trung Quốc.

Theo Liên hợp quốc, năm 2020, Trung Quốc đã thu hút được số lượng đầu tư trực tiếp FDI lớn nhất từ ​​các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 163 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2019. Trong khi đó, Mỹ chỉ thu hút được 134 tỷ USD, Với kết quả này, theo Forbes, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã soán ngôi Mỹ, dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trung Quốc đang có các biện pháp tăng cường sức mạnh của đồng nhân dân tệ nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD.

Để thực hiện được mục tiêu này, Trung Quốc đang hướng tới việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số thay thế đồng tiền hiện nay. Điều này làm cho Mỹ lo ngại đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể làm suy yếu sức mạnh toàn cầu của đồng USD.

Kinh tế Trung Quốc và Mỹ vẫn phụ thuộc lẫn nhau. Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất của Mỹ.

Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc ước tính đạt 634,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 163 tỷ USD, nhập khẩu 471,8 tỷ USD. Năm 2019, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc là 308,8 tỷ USD. Năm 2020, mặc dù Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh thương mại toàn diện chống Bắc Kinh, các doanh nghiệp của Mỹ vẫn tiếp tục làm ăn với Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt khoảng 560 tỷ USD, trong đó Mỹ xuất khẩu 124,6 tỷ USD và nhập khẩu 435,4 tỷ USD.

Chính quyền Mỹ đang tìm cách khôi phục lại vai trò siêu cường số một lãnh đạo thế giới của mình. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng thống J. Biden sẽ phải đương đầu với nhiệm vụ hết sức khó khăn trong việc kiềm chế, không cho phép Trung Quốc vượt qua Mỹ. Ông J. Biden là một chính trị gia có nhiều kinh nghiệm trong các cương vị khác nhau, lại rất thông thạo các vấn đề liên quan đến Trung Quốc sẽ tìm ra được giải pháp trong quan hệ giữa hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới