Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngVai trò của quốc tế hóa Biển Đông trong quản lý và...

Vai trò của quốc tế hóa Biển Đông trong quản lý và ngăn ngừa xung đột (Kỳ 4)

Các quan điểm về vấn đề Biển Đông đã phân cực đến mức độ gia tăng nguy cơ xung đột. Trung Quốc cho rằng, mình có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với khu vực này, và sự hiện diện của Hải quân Mỹ chính là nguyên nhân của vấn đề, vì nó đã khiến các quốc gia yêu sách trong ASEAN tự tin hơn khi khẳng định yêu sách của mình.

Các tàu tham gia RIMPAC 2020.

Nguy cơ xung đột

Có thể thấy rõ làn sóng gia tăng các tư tưởng chủ nghĩa dân tộc chống lại Mỹ và các nước cản đường yêu sách chính đáng của Trung Quốc, và ít có khả năng các nhà lãnh đạo có thể kiềm chế được áp lực trong trường hợp khủng hoảng xảy ra. Nhiều viễn cảnh có thể được vạch ra, trong đó xung đột có thể phát sinh từ một sự đụng độ giữa tàu thuyền hải quân Việt Nam và tàu ngư chính Trung Quốc, hay giữa Trung Quốc và Philippines.

Trong quá khứ đã có những vụ va chạm giữa tàu đánh cá của Trung Quốc và tàu hải quân của các nước ASEAN, nhưng về phía ASEAN thì vẫn có thể thấy rõ sự chần chừ trong việc đối mặt với Trung Quốc, hay thách thức các yêu sách của nước này. Nhu cầu của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền kiểm soát đối với khu vực vì những lý do đã nêu trên mâu thuẫn với ý định của các nước ASEAN trong việc khẳng định yêu sách của mình và chống lại áp lực từ Trung Quốc.

Hai vụ việc đã cho thấy những yếu tố ảnh hưởng quá trình ra chính sách đối phó khủng hoảng ở Trung Quốc. Cả hai vụ việc này cho thấy việc thiếu một hệ thống quản lý khủng hoảng hiệu quả ở Trung Quốc và sự nhạy cảm của các nhà lãnh đạo đối với áp lực của chủ nghĩa dân tộc theo một cách đáng lo ngại. Vụ việc đầu tiên là việc Mỹ đánh bom Đại Sứ quan Trung Quốc ở Belgrade vào tháng 5/1999 khiến ba người Trung Quốc thiệt mạng và làm nổi dậy làn sóng chủ nghĩa dân tộc phản đối lãnh đạo vì đã không đối mặt với Mỹ.

Sự kiện này cho thấy rằng, trong các tình huống khủng hoảng thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc, dẫn đến các quan điểm cứng rắn với Mỹ, và khả năng đàm phán những thỏa hiệp cần thiết với Mỹ sẽ bị hạn chế đi nhiều. Vấn đề về thiếu quyết đoán trong khủng hoảng và sự bóp méo thông tin ở Trung Quốc đã bộc lộ vào ngày 01/4/2001 khi máy bay trinh sát EP-3E [Aries II] của Hải quân Mỹ đụng độ với một chiếc máy bay F-8II của Trung Quốc ở khu vực cách đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 70 hải lý. Tuy nhiên, thông tin được đưa lên các nhà lãnh đạo của Trung Quốc lại chỉ ra rằng máy bay của Mỹ đã gây ra vụ đụng độ và theo đó cần phải có sự phản hồi một cách cứng rắn.

Nhận thức được về các mối nguy mà một cuộc khủng hoảng mới có thể gây ra đối với Trung Quốc, lãnh đạo nước này đã có nỗ lực để giải quyết căng thẳng đối với vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã linh hoạt hơn so với quan điểm hiếu chiến được các đại diện nước này áp dụng trong năm trước, với kết quả là việc Mỹ tham gia sâu hơn vào cuộc tranh chấp, Ủy viên Quốc vụ của chính quyền Hồ Cẩm Đào, ông Đới Bỉnh Quốc đã tái khẳng định với ASEAN rằng, Trung Quốc không muốn hất cẳng Mỹ khỏi Châu Á, rằng vấn đề Biển Đông sẽ được các thế hệ tương lại giải quyết, và kêu gọi sự “chung sống hòa thuận” với ASEAN. Ông Đới Bỉnh Quốc đã tới thăm Việt Nam từ ngày 05-09/9/2011 trong dịp cuộc họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo Việt Nam – Trung Quốc về hợp tác, mà Việt Nam mô tả là “căng thẳng”. Với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ông đã đưa ra lời phát biểu rằng, “cả hai bên đã nhất trí tăng cường điều phối trong các vấn đề khu vực và tăng cường quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Hai bên cũng nhất trí giải quyết đúng đắn tranh chấp của mình đối với Biển Đông qua sự tham vấn sâu để duy trì quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Ngô Bang Quốc, chủ tịch ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, đã gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh và tuyên bố rằng Trung Quốc mong muốn tăng cường sự tin cậy chính trị với Việt Nam và giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương hai nước. Ngày 12/10/2011, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân và người đồng nhiệm Việt Nam là ông Hồ Xuân Sơn. Thỏa thuận này nêu rằng hai bên “tích cực thảo luận về các biện pháp quá độ và tạm thời không gây ảnh hưởng tới lập trường và chính sách của hai bên”.

Hai biện pháp thực tiễn của thỏa thuận đã được nếu tại Điều 6 và bao gồm việc thảo luận về các cuộc họp định kỳ một năm hai lần của các nguyên thủ quốc gia và các phải đoàn đàm phán biên giới và thiết lập đường dây nóng giữa các phái đoàn cấp chính phủ. Ngày 15/10 hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự bằng việc tăng cường liên lạc giữa các quan chức cấp cao và thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng của hai bên. Hai bên cũng nhất trí tuần tra chung dọc biên giới đất liền của mình và ở Vịnh Bắc Bộ, tăng cường các cuộc viếng thăm của tàu hải quân và thảo luận sự phát triển trên khu vực biển. Ở Việt nam các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 6/2010, đến tháng 10 những người biểu tình đã bị giải tán và cuộc biểu tình đã kết thúc. Việc Trung Quốc có thể duy trì sự hòa hoãn với Việt Nam và đồng thời khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông trong bao lâu là một câu hỏi mở.

Ngăn chặn và quản lý xung đột

Ngăn chặn xung đột tức là ngăn chặn các xung đột trước khi chúng bùng nổ và dẫn đến các hành động bạo lực không thể kiểm soát được và bao gồm các sáng kiến ngoại giao, các cuộc đàm phán mang tính phòng ngừa, hòa giải, và giải quyết bằng trọng tài tư pháp. Quản lý xung đột là việc ngăn ngừa sự leo thang trong cuộc xung đột đã xảy ra, và dần đưa đến việc giải quyết nó. Cơ sở của việc ngăn chặn và quản lý xung đột là sự liên lạc nhanh chóng và tức thì về ý định của các bên nhằm ngăn chặn một trong hai bên khỏi giả định về tình huống xấu nhất và làm nó leo thang. Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm giảm căng thẳng với Việt Nam cho thấy rằng, Trung Quốc đã có mối lo ngại về phản ứng của khu vực và thế giới đối với sức ép của mình lên các quốc gia yêu sách và các thế lực bên ngoài ở Biển Đông.

Thỏa thuận với Việt Nam là không đủ để đáp ứng mục đích này, và nó cần phải được nâng lên tầm đa phương. Cần phải có một thỏa thuận ngăn chặn xung đột ở hai cấp để đối phó với nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Việc này khác với quy tắc ứng xử mà ASEAN đang theo đuổi; nó không mang tính ràng buộc pháp lý và sẽ được coi là một biện pháp bảo đảm lợi ích cho bản thân trong việc ngăn chặn xung đột khỏi leo thang mà trong đó Trung Quốc có rất nhiều lợi ích. Tại một cấp, cần phải có sự thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc để điều chỉnh các sự cố trên biển, tranh chấp khai thác dầu khí và đánh bắt cá và đưa ra các nguyên tắc đàm phán và giải quyết. Nó cũng cần phải bao gồm các thủ tục để giải quyết các vụ đụng độ giữa các đoàn tàu đánh cá và đụng độ giữa lực lượng hải quân và/hoặc tàu thuyền tuần tra.

Ở một cấp khác, cũng cần phải có một thỏa thuận tương tự giữa Mỹ, Trung Quốc và các thế lực bên ngoài như Ấn Độ để điều chỉnh các hoạt động theo dõi và khai thác, được Trung Quốc coi là mang tính đe dọa. Nó cũng sẽ duy trì nguyên tắc về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Các thỏa thuận tạm thời để ngăn chặn xung đột sẽ không bao giờ hướng tới các yêu sách pháp lý mà chúng sẽ ngăn các bên yêu sách khỏi sử dụng vũ lực để thực thi yêu sách của mình. Đây là một trong những lý do khiến Trung Quốc có thể chần chừ, bởi những thỏa thuận như thế này sẽ tước Trung Quốc khỏi các biện pháp gây áp lực với các bên yêu sách khác.

Tuy nhiên, đối với vấn đề Biển Đông, Trung Quốc sẽ không thể gây áp lực với Việt Nam hay Philippines một cách quá xa mà không đẩy hai nước này lại gần nhau hơn với Mỹ, và lý do này nên thỏa thuận về ngăn chặn xung đột sẽ nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Một khó khăn lớn đối với thỏa thuận kiểu này là chúng chỉ là biện pháp tạm thời và phụ thuộc vào sự cân bằng lực lượng theo cách nhìn của Trung Quốc. Khi Trung Quốc mạnh và tự tin hơn trong việc khẳng định chủ quyền, thì có thể dẫn đến những áp lực mới đối với các quốc gia yêu sách thuộc ASEAN, nếu như Mỹ bị coi là đã suy yếu hay không còn lợi ích ở Biển Đông.

Nếu viễn cảnh về sự tham gia sâu hơn của Mỹ là điều khiến Trung Quốc tiến gần hơn đến việc hòa giải với Việt Nam thì sự hiện diện của Mỹ cũng sẽ ngăn ngừa áp lực của Trung Quốc đối với các bên yêu sách khác trong ASEAN. Trung Quốc có thể không mong muốn sự tham gia của Mỹ nhưng nó sẽ làm giảm áp lực đối với các nước yêu sách ASEAN và tạo ra các điều kiện cho sự ổn định, tuy không mấy dễ dàng. Đây là điều tốt nhất có thể kỳ vọng vào thời điểm này.

RELATED ARTICLES

Tin mới