Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngNhiều tàu chiến châu Âu dồn dập vào Biển Đông

Nhiều tàu chiến châu Âu dồn dập vào Biển Đông

Sau loạt công hàm gửi Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách biển của Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ tại châu Âu đã và đang đưa tàu chiến tới Biển Đông.

Hôm 12-3, tàu hộ vệ trinh sát Prairial của hải quân Pháp đã rời cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam. Tàu Prairial trước đó đã xuất phát từ căn cứ của Pháp ở Tahiti ngày 15-1. Trong hành trình này, con tàu lớp Floréal đã dừng ở cảng quân sự Sasebo của Nhật Bản vào tháng 2, trước lúc đến Cam Ranh ngày 9-3.

Việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông, phù hợp với UNCLOS 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói về các hoạt động của tàu chiến châu Âu ở Biển Đông trong cuộc họp báo ngày 25-2.

“Cột mốc” ở Cam Ranh

Theo đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, chuyến thăm ở cảng Cam Ranh “là sự kiện rất quan trọng của Pháp tại Việt Nam trong năm nay”, cũng là thông điệp ủng hộ tự do hàng hải và hàng không của Pháp ở Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 11-3, đại sứ Warnery nói chiến lược của Pháp trong khu vực đã được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm 2018, trong đó Pháp ủng hộ nỗ lực của các quốc gia trong khu vực về quan điểm bảo đảm tự do hàng hải, hàng không.

“Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đó, ASEAN là trung tâm và Việt Nam là quốc gia hết sức quan trọng trong khu vực ASEAN” – đại sứ Warnery nói.

Bàn về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp, tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Marc Razafindranaly cho rằng có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết tàu Pháp thăm Việt Nam ít nhất 2 lần mỗi năm, vì Pháp ít khi chia sẻ thông tin này rộng rãi. 

“Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt muốn truyền tải thông tin của chuyến thăm quan trọng này. Vì thứ nhất, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến nỗ lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ chúng tôi trong điều kiện dịch bệnh. Hơn nữa, sự hỗ trợ của Việt Nam rất thiết thực về sửa chữa trang thiết bị và thủy thủ đoàn. Đó là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Pháp và Việt Nam” – trung tá Razafindranaly nói.

Tại cuộc trao đổi ở Hà Nội nêu trên, ông Razafindranaly đặc biệt lưu ý rằng chuyến thăm của tàu Prairial là một phép thử quan trọng cho khả năng hợp tác giữa hai nước trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Kết quả tốt đẹp của lần này được xem là nền tảng cho các chuyến thăm sắp tới tại Cam Ranh, không chỉ của tàu chiến mà còn là máy bay.

“Quốc tế hóa” Biển Đông

Chuyến thăm của tàu Pháp đến Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông. Đây có thể là nhân tố quan trọng cho câu chuyện Biển Đông thời gian tới.

Trước Prairial, Pháp cũng đã điều tàu đổ bộ Tonnere và tàu hộ tống Surcouf để bắt đầu nhiệm vụ ba tháng ở khu vực Thái Bình Dương, nơi họ sẽ hai lần đi qua Biển Đông và tham gia tập trận với Mỹ và Nhật Bản trong tháng 5. Trước đó, tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude và tàu hỗ trợ BSAM Seine của Pháp đã thực hiện cuộc tuần tra ở Biển Đông.

Cuối tháng qua, Bộ Quốc phòng Anh cho biết tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân nước này sẽ tới Đông Nam Á trong thời gian từ tháng 4 tới tháng 6 năm nay. Tờ Financial Review của Úc tiết lộ nước này sẽ tham gia cuộc tập trận với HMS Queen Elizabeth, cùng hải quân các nước như Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan. 

Hồi tháng 1 năm nay, khu trục hạm Winnipeg của Canada cũng đi qua eo biển Đài Loan nhằm nhấn mạnh “khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do – rộng mở”.

 TS Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore), phân tích rằng việc châu Âu can dự nhiều hơn vào vấn đề Biển Đông cả về ngoại giao lẫn quân sự đang góp phần thúc đẩy “quốc tế hóa” tranh chấp Biển Đông, đưa tranh chấp Biển Đông trở thành một vấn đề không chỉ giữa Trung Quốc với các bên tranh chấp trực tiếp khác, mà còn trở thành một vấn đề an ninh quốc tế, nơi các nước bên ngoài, bao gồm các nước châu Âu, đều có lợi ích.

“Điều này một mặt thể hiện tầm quan trọng của Biển Đông đối với lợi ích kinh tế và an ninh của các nước châu Âu, mặt khác cho thấy đang có sự phối hợp ngày càng tăng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc kiềm chế tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, bao gồm cả trên Biển Đông” – TS Lê Hồng Hiệp nói với Tuổi Trẻ.

Nói cách khác, việc châu Âu can dự sâu hơn vào Biển Đông là khuynh hướng hợp lý khi họ tìm thấy sự song trùng lợi ích giữa chính sách của mình và đồng minh Mỹ, cũng như các đối tác ở Đông Nam Á.

Tàu chiến châu Âu dồn dập vào Biển Đông - Ảnh 3.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sắp đến Biển Đông – Ảnh: Twitter

Cần cam kết lâu dài

Tuy nhiên, trong khi các động thái quân sự gần đây của châu Âu diễn ra dồn dập, gợi cảm giác về một phản ứng “nhất loạt” và mang tính hệ thống, cũng có một số ý kiến lo ngại về mức độ cam kết của châu Âu với khu vực này.

TS Sascha-Dominik Dov Bachmann – giáo sư tại Trường luật Canberra, ĐH Canberra (Úc) – cho rằng các diễn biến vừa qua đáng chú ý, nhưng không hẳn là một phần trong nỗ lực đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc.

Ông Bachmann bình luận với Tuổi Trẻ: “Đa phần các nước châu Âu này là đối tượng trong chính sách đối ngoại “chiến lang” của Trung Quốc vài tháng gần đây, có thể nói rằng việc triển khai hải quân là cách gửi tín hiệu cùng lúc tới Bắc Kinh và cả người dân Trung Quốc rằng sự quyết đoán của họ sẽ nhận hậu quả. Tôi không cho rằng các hoạt động hải quân lần này là cái gì đó vượt quá ý nghĩa của một biện pháp phản kháng cụ thể lúc này – ngoại trừ Mỹ và Vương quốc Anh”.

Tương tự, học giả Singapore Collin Koh Swee Lean cũng tin rằng chỉ Mỹ, Anh và có lẽ Canada là những nước đang hành động “nhất loạt”, chia sẻ cùng một mục tiêu.

“Tôi không nghĩ họ đang hành động đồng điệu, thay vào đó là động lực cạnh tranh – kể cả những cường quốc châu Âu với nhau… Sự hiện diện quân sự của họ ở Biển Đông rất có thể chỉ mang tính biểu tượng nếu không được duy trì lâu dài hoặc thường xuyên. Bắc Kinh sẽ không xem đây là điều gì khác hơn sự phiền toái và sẽ không ích gì nếu Bắc Kinh cho rằng các hoạt động này phản ánh ý chí nửa vời hoặc yếu ớt của phương Tây”.

Lạc quan hơn, GS Thayer vẫn cho rằng đợt triển khai hải quân của các nước châu Âu và Mỹ cũng tạo ra một tình huống chiến lược mới cho Trung Quốc. Vì trong quá khứ, Trung Quốc chỉ trích Mỹ vì đe dọa lợi ích của Trung Quốc, nhưng với viễn cảnh một mặt trận thống nhất ở Biển Đông như hiện nay, Trung Quốc sẽ khó có khả năng mạo hiểm chỉ mặt hay trừng phạt một quốc gia nào đó mà không động chạm tới các nước còn lại – được hiểu là một liên minh của những nền dân chủ đồng chí hướng.

Pháp ủng hộ lập trường của Việt Nam

Trước đó, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 11-3 tại Hà Nội, đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khẳng định chuyến thăm của tàu hộ vệ trinh sát Prairial là sự kiện rất quan trọng của Pháp tại Việt Nam trong năm nay.

“Như các bạn đã biết, Pháp là nước hết sức quan tâm tới việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đặc biệt về vấn đề tự do hàng hải và hàng không. Cùng với chuyến thăm của tàu hải quân Pháp lần này, chúng tôi cũng muốn đưa ra thông điệp ủng hộ cho quan điểm của Việt Nam, giống như quan điểm của chúng tôi, là ủng hộ tự do hàng hải và hàng không” – đại sứ Warnery nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới