Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaTầm quan trọng chiến lược của Biển Đông và các tuyến giao...

Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông và các tuyến giao thông trên biển (Kỳ 2)

Trung Quốc đang nhanh chóng tiến hành hiện đại hóa và tăng cường vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, sức mạnh hải – không quân, và các năng lực chiến tranh không gian và chiến tranh mạng.

Tàu cá Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa

3. Rủi ro từ Trung Quốc

a. Bước tiến trở thành bá chủ trên biển của Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những hành vi bá quyền trong khu vực Biển Hoa Đông, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Sự phát triển nhanh chóng về quân sự đã giúp cho Trung Quốc có những bước tiến quyết đoán đến các vùng biển gần và các đại dương từ đó gây ra va chạm với những quốc gia có liên quan ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, khiến tình hình trở nên nóng hơn, gây nên sự cảnh giác của cộng đồng thế giới và khu vực.

Về mặt lịch sử, những hành động tiến quân đầy hiếu chiến trên biển của Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu tại Biển Đông từ những năm 1970, và sau đó là tiến lên Biển Hoa Đông vào những năm 1980. Thậm chí vào lúc đó, Trung Quốc đã dần mở rộng phạm vi và hoạt động của mình từ các vùng nước ven biển ra các vùng biển gần và cuối cùng là các vùng đại dương xa hơn như Tây Thái Bình Dương.

Hải quân Trung Quốc đã xây dựng “Chiến lược biển gần” từ những năm 1980 để đảm bảo quốc phòng và các quyền lợi biển. Theo đó, tuyến phòng thủ trên chuỗi đảo thứ nhất của Trung Quốc kéo dài từ quần đảo Nhật Bản, đảo Namsei, Đài Loan, Phillipines, đảo Bormeo qua Việt Nam, đã được dựng lên để trở thành “tuyến phòng thủ vững chắc trên biển”, bao gồm cả Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hơn thế nữa, nhờ được hỗ trợ từ sự lớn mạnh của hải quân, Trung Quốc đang mở rộng khu vực phòng thủ về phía Đông, thiết lập tuyến phòng thủ trên chuỗi đảo thứ hai nối liền bán đảo Izu, quần đảo Ogasawara (quần đảo Bonin), nhóm đảo Mariana và New Guinea (Papua), tạo thành ba biên cương phía Đông của “vùng đệm chiến lược” giữa tuyến phòng thủ trên chuỗi đảo thứ nhất của nước này.

Bước tiến của hải quân của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở các vùng biển gần như Biển Đông và Biển Hoa Đông hay Tây Thái Bình Dương mà tiếp tục mở rộng tới các vùng biển xa hơn như Biển Nhật Bản, Ấn Độ Dương, Châu Đại Dương hay Bắc và Nam Thái Bình Dương, nơi có những tuyến giao thông hàng hải quan trọng đi qua.

b. Lịch sử các cuộc xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông

Kể từ khi Đặng Tiểu Bình phát triển tại Hội nghị Liên Hợp Quốc vào năm 1974 nhấn mạnh “Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” của họ, Trung Quốc bắt đầu xâm lược các vùng nước lân cận mở đầu bằng việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (hiện tại, Trung Quốc, Đài Loan đang có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo này của Việt Nam).

Năm 1988, Trung Quốc đã bắt đầu có được sự kiểm soát thực tế đối với các rặng san hô ở quần đảo Trường Sa (nơi hiện tại của Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei đang có yêu sách chủ quyền). Trong những năm 1990, Trung Quốc đã bắt đầu tiến về biển Philippines, xây dựng cơ sở trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef), nơi mà Philippines đang tuyên bố chủ quyền. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và giai đoạn ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga) đã duy trì các chính sách không can thiệp đối với những cuộc tiến quân của Trung Quốc trên các vùng biển.

Những thay đổi trong chính sách và môi trường chính trị của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn vào những năm cuối thập niên 90, thế kỷ XX. Năm 1997, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra trên bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) của bãi Macclesfield (Trung Sa). Mùa thu năm 1998, Trung Quốc xây dựng một cơ sở kiên cố trên khu vực đang tranh chấp là Đá Vành Khăn. Để chống lại những hành vi xâm lược đó, Philippines và Mỹ đã tìm thấy những lợi ích chung do Philippines đã cố gắng đối đầu với Trung Quốc với sự hỗ trợ của đồng minh là Mỹ, còn Mỹ nhận thức rõ hơn việc phải răn đe đối với các hành động vũ trang đầy tham vọng của Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo qua eo biển Đài Loan năm 1995 và 1996.

Cả Philippines và Mỹ đều nối lại các hợp tác quân sự giữa hai nước vào năm 1998 thông qua việc ký kết “Hiệp định viếng thăm quân sự về việc viếng thăm của quân đội Mỹ”. Khi hai nước này tiến hành lại các cuộc tập trận chung từng bị dừng trước đó, Trung Quốc đã phải tạm dừng các hành động xâm lược đến các vùng biển bao quanh Philippines. Thay vào đó, Trung Quốc chuyển hướng tham vọng sang vùng Biển Hoa Đông, bắt đầu cuộc đụng độ thường xuyên với Nhật Bản chủ yếu là do các hoạt động khai thác dầu mỏ của Trung Quốc và các hoạt động bất hợp pháp của hải quân Trung Quốc tại Biển Hoa Đông.

Các nước ASEAN đối đầu với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo trong khu vực Biển Đông đã tổ chức một số cuộc họp với nhau cũng như các cuộc tham vấn trực tiếp với các nhà chức trách Trung Quốc, và trong năm 2002, đã xây dựng nên một “Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông” (DOC) với chữ ký của Trung Quốc. Theo dự kiến, DOC sẽ dẫn đến một “Bộ quy tắc ứng xử” (COC) có tính ràng buộc pháp lý nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Đằng sau những hoạt động mang tính chính thức trên, cả Mỹ và Trung Quốc đều tiếp tục triển khai các chiến thuật quân sự trên Biển Đông. Năm 2001 ghi nhận sự kiện một máy bay trinh sát điện tử EP-3 của Hải quân Mỹ có va chạm nhẹ với một máy bay chiến đấu F-8 của Hải quân Trung Quốc trong khi máy bay Mỹ đang bay tuần tra ở khu vực Biển Đông, và đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trong năm 2009, tàu nạp thanh do thám Impeccale của Hải quân Mỹ, được cho là đang làm nhiệm vụ và thu thập thông tin về các tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc, đã bị buộc phải đổi lịch trình do bị năm tàu Hải quân Trung Quốc vây quanh.

Trên thực tế, Biển Đông không những là một vùng biển chứng kiến nhiều sự đối đầu giữa Trung Quốc và các quốc gia lân cận về lãnh thổ và lợi ích biển, mà còn là vũ đài chính của cuộc “Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung”. Không giống Chiến tranh Lạnh trước đây, cuộc chiến tranh lạnh nhạt giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc chứng minh sự hiện diện của mình và thu thập các thông tin quân sự.

Giống như trong trường hợp với Đài Loan và Tây Tạng, Trung Quốc coi Biển Đông là “khu vực lợi ích cốt lõi” nên đã triển khai tàu ngầm nguyên tử và nhiều tàu nổi lớn đến căn cứ Tam Á thuộc đảo Hải Nam để biến Biển Đông trở thành một “Thánh địa”. Mặt khác, Mỹ lại xem “lợi ích quốc gia” của mình là việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, đặc biệt là sự tự do tiến hành các hoạt động thu thập thông tin quân sự bằng tàu hải quân và tự do hiện diện ở đây. Do vậy, Biển Đông dường như đã trở thành một sân khấu khuất cho các cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên hết lần này đến lần khác.

Kể từ bài phát biểu của Ngoại trưởng Clinton, Trung Quốc đã tránh các cuộc đối thoại đa phương về các vấn đề Biển Đông mà có sự tham gia của Mỹ và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp ngoại giao thông qua đàm phán song phương. Trong năm 2010 và 2011, Trung Quốc thường xuyên gây ra các sự kiện liên quan đến việc tranh chấp lãnh thổ với Philippines và Việt Nam, trong đó, Trung Quốc có những hành động mạnh mẽ. Để chống lại những hành động trên của Trung Quốc, các bên liên quan là Philippines và Việt Nam đã bắt đầu thắt chặt thêm mối quan hệ với Mỹ.

Trong cuộc Hội đàm của các Ngoại trưởng được tổ chức tại Washington DC tháng 6/2011, cả hai Chính phủ Mỹ và Philippines đã đồng ý mở rộng phạm vi áp dụng của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines ký năm 1951 tới mọi “trường hợp khẩn cấp trên Biển Đông”. Mỹ cũng tiếp tục hỗ trợ việc phát triển trang thiết bị và hiện đại hóa quân đội Philippines. Hải quân hai nước đã tiến hành tập trận chung quang khu vực phía Tây Nam của Philippines, trong đó Mỹ đã trang bị một tàu mới nhất thuộc lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ cho Hải quân Philippines. Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã có một thỏa thuận nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai bên vào tháng 7/2011, Hải quân hai nước đã tiến hành tập trận chung tại Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam.

Sau phản ứng của Philippines và Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề này thông qua đàm phán ngoại giao song phương. Nói cách khác, Trung Quốc sử dụng cả hai cách tiếp cận cứng và mềm, tạo nên những áp lực ngoại giao đối với các quốc gia yếu hơn về chính trị, quân sự và kinh tế để giải quyết vấn đề theo cách có lợi cho mình. Khi Trung Quốc tiến hành các bước “chia để trị”, các nước ASEAN đã chia sẻ cơ hội để từng bước phát triển quan hệ phối hợp giữa các bên, ví dụ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và những đàm phán đa phương khác.

Tại hàng loạt Hội nghị Thượng đỉnh với các nước ASEAN về các vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn kiên quyết duy trì quan điểm theo đuổi tự do ở Biển Đông, Nhật Bản đã hợp tác với Mỹ thông qua việc nhấn mạnh sự cần thiết phải có các cuộc đàm phán đa phương về an ninh biển, các nước ASEAN đã tham gia vào mối liên kết này trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, và vì thế Trung Quốc đã bị cô lập tại các diễn đàn này.

Bất chấp mọi cuộc đàm phán đa phương về những vấn đề này, Trung Quốc ra sức chia rẽ các quốc gia ASEAN để lấy lại vị trí của mình trong các diễn đàn. Tại Hội nghị ASEAN năm 2012, Trung Quốc đã ngăn cản thành công việc thông qua COC trên Biển Đông, với sự giúp đỡ của quốc gia đang giữ chức Chủ tịch ASEAN là Campuchia, nước được cho là đang nghiêng về Trung Quốc. Cuộc “Chiến tranh Lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tiếp diễn và sẽ liên quan cả đến các quốc gia ASEAN và Nhật Bản.

c. Chiến thuật đảo chiều của Trung Quốc đối với các vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông

Xém xét cách thức tiến ra biển bằng vũ lực của Trung Quốc trong quá khứ, có thể thấy rằng, Trung Quốc thường cố gắng chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế về phía Biển Hoa Đông bằng cách tạo ra các sự cố ở đây, khi các hành vi mạnh mẽ nhằm tìm kiếm một vị trí bá chủ ở vùng Biển Đông đã thu hút quá nhiều sự chú ý. Trong khi lôi kéo mọi sự chú ý về Biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng tìm cách hoàn tất việc chiếm đóng và xây dựng cơ sở hạ tầng phi pháp trên các đảo tranh chấp.

Khi các hành vi bá quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển ở Biển Đông đang tạm thời lắng xuống, thì lại hiển hiện tại Biển Hoa Đông. Kể từ mùa xuân năm 2012, Trung Quốc đã có những phản ứng hết sức mạnh mẽ với Nhật Bản về vấn đề quần đảo Senkaku. Nếu sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đang trở thành một cuộc “Chiến tranh lạnh nhạt”, thì đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở Biển Hoa Đông đang gần như trở thành “Chiến tranh Lạnh”.

Nhìn lại các hành vi tiến ra biển mang tính chất bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông có thể thấy, các bước tiến của Trung Quốc bắt đầu với những hoạt động bất hợp pháp của ngư dân Trung Quốc được sự đồng ý ngầm của Chính phủ trong vùng nước đang bị tranh chấp. Khi những hành động này gây ra đụng độ với các nước có lực lượng hải quân yếu hơn, các tàu chính thức thuộc các đơn vị Hải giám của Trung Quốc như Cục Hải dương Quốc gia và Cục Ngư nghiệp, kể cả tàu hải quân, trong một số trường hợp, đã thực hiện các hành vi đe dọa bằng cách đến các vùng nước đó với danh nghĩa bảo vệ ngư dân.

Nếu có bất kỳ khoảng trống quyền lực nào giữa các siêu cường hoặc bất kỳ khủng hoảng hay bế tắc chính trị nào xảy ra ở các nước khác, Trung Quốc sẽ chiếm đóng một vài hòn đảo hoặc các rặng san hô. Nếu sự phản ứng lại yếu ớt, Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang, đầu tiên là cho xây dựng các cơ sở quân sự như đài quan sát, sân bay, hay bến cảng, v.v… cũng trên danh nghĩa bảo vệ ngư dân. Bước thứ hai, Trung Quốc sẽ bố trí quân đội, triển khai các lực lượng quân sự và đẩy mạnh các hành vi đe dọa. Nhằm ngăn chặn các hành động tương tự sẽ xuất hiện ở Biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku, Nhật Bản đã có những hành động đáp trả mạnh mẽ đối với các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku.

Giống như trong trường hợp Biển Hoa Đông, Biển Đông có vị trí địa lý quan trọng nằm trong khu vực giao nhau của một “Châu Á mở rộng theo trục Bắc – Nam” và một “Châu Á mở rộng theo trục Đông – Tây”. Trong khía cạnh về an ninh biển, đây là một ví trí vô cùng quan trọng trên cả phương diện địa chính trị và chiến lược, nằm trong “mạng lưới hàng hải” hay “các tuyến hàng hải” nối liền nhau kết nối Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Châu Đại Dương.

Trung Quốc đang cố gắng liên kết các vấn đề tại Biển Đông và Biển Hoa Đông để thu hút sự quan tâm của các quốc gia liên quan theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Để phá vỡ tham vọng bá chủ của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời để khôi phục lại các vùng biển thực sự tự do được đảm bảo bằng luật lệ quốc tế đã được thiết lập, tất cả các quốc gia biển trong khu vực bắt buộc phải cùng nhau tập hợp lực lượng.

RELATED ARTICLES

Tin mới