Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaTầm quan trọng chiến lược của Biển Đông và các tuyến giao...

Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông và các tuyến giao thông trên biển (Kỳ 4)

Mỹ có quan hệ liên minh với các cường quốc chính, bao gồm Úc, do vị trí địa chính trị các nước này, liên minh Mỹ – Úc mang đặc điểm của một Liên minh Biển. Mặc dù Nhật Bản và Úc chưa hình thành một liên minh chính thức nào, nhưng bản thỏa thuận được ký kết vào tháng 3/2007 đã tạo điều kiện cho hai nước thành lập mối quan hệ “bán liên minh”.

Tàu chiến của 3 nước Mỹ, Nhật và Úc tập trận chung ở Biển Đông vào cuối tháng 10

b. “Bán Liên minh biển dưới hình thực đa phương hẹp” Nhật Bản – Mỹ – Úc

• Tầm quan trọng của Úc

 Mối quan hệ bán liên minh này về cơ bản cũng là (bán) Liên minh Biển do quan hệ địa chính trị giữa hai nước. Tiến bộ của quan hệ song phương Nhật Bản – Úc trong lĩnh vực an ninh có thể tạo nên nền tảng để phát triển thành “bán Liên minh Biển dưới hình thức đa phương hẹp” giữa ba nước Nhật Bản – Mỹ – Úc.

• Quan hệ Mỹ – Úc

Tháng 9/1951, ba nước, Úc, New Zealand và Mỹ đã thiết lập Hiệp ước An ninh (ANZUS), tuy nhiên, năm 1985, New Zealand đã rút khỏi Hiệp ước như một hành động phản đối chính sách hạt nhân của Mỹ và vì vậy Mỹ đã hủy cam kết liên minh với New Zealand vào năm 1986. Thay vì liên minh gồm ba nước, Mỹ và Úc đã khởi động lại Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng về An Ninh (AUSMIN) được tổ chức thường niên kể từ đó đến nay.

Kể từ khi bắt đầu AUSMIN, Úc trở thành đồng minh lớn của Mỹ, đồng thời tích cực tham gia vào Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh Vùng Vịnh và các hoạt động trừng phạt quân sự Iraq. Sau vụ 11/9, Úc đã quyết định áp dụng Điều 4 của Hiệp ước ANZUS – điều quy định việc thực thi quyền phòng thủ chung và đã điều tàu chiến, máy bay chiến đấu và lực lượng đặc nhiệm đến hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố của quân đội Mỹ. Sau chiến dịch quân sự chống Iraq bắt đầu tháng 3/2003. Úc cũng đã điều tàu chiến, máy bay chiến đấu và hỗ trợ các hoạt động tái thiết Iraq.

Úc nhận thấy sự ổn định chiến lược của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phụ thuộc rất lớn vào sự hiện diện của Mỹ và khẳng định tầm quan trọng của Liên minh Úc – Mỹ theo Hiệp ước ANZUS. Úc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh để lý giải cho các hoạt động quân sự của Úc tại Afghanistan. Mối quan hệ đồng minh thân cận đã được duy trì thông qua việc tham gia đánh giá lại chiến lược của Mỹ tại Afghanistan và Pakistan, và một loạt các thảo luận để chuẩn bị cho Báo cáo Quốc phòng bốn năm một lần của Mỹ.

Quan hệ hợp tác của Úc với Mỹ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự. Nền tảng của quan hệ liên minh là trung tâm thông tin quân sự chung có cơ sở ở rất nhiều nơi trên lãnh thổ Úc và những trung tâm thông tin dùng để giám sát sự di chuyển của tàu chiến hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Việc chia sẻ thông tin quân sự giữa Mỹ và Úc được gọi là “thắt chặt liên kết”, đồng thời được coi như là một trong những chức năng quan trọng nhất của liên minh Mỹ – Úc. Bên cạnh đó, Úc cũng đang nỗ lực tăng cường các chính sách và trang bị phòng thủ.

Tại Hội nghị AUSMIN được tổ chức vào tháng 11/2010 hai nước đã khẳng định lại tầm quan trọng của Liên minh Mỹ – Úc và chia sẻ những thách thức như vấn đề Afghanistan. Hai nước cũng đã nhất trí nâng cao hợp tác trong những lĩnh vực thách thức an ninh mới như giám sát không gian và an ninh mạng. Đồng thời, hai bên đều đang nỗ lực tăng cường sự liên thông tương thích để hợp tác thực hiện các nhiệm vụ như bổ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, cũng như tham gia các cuộc diễn tập đào tạo chung, bao gồm cuộc tập trận mang tên “Lưỡi gươm hộ mệnh”. Úc cũng đang tham gia dự án hợp tác chế tạo máy bay tiêm kích F35 do Mỹ chủ trì.
Tháng 11/2011, Tổng thống Obama và Thủ tướng Gillard cùng tuyên bố sáng kiến quân sự chung bao gồm:

1- Luân phiên triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tới Darwin và miền Bắc nước Úc trong vòng 6 tháng một lần, nơi họ sẽ thực hiện diễn tập và đào tạo với Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF);

2- Tăng cường sự triển khai luân phiên máy bay của lực lượng Không quân Mỹ qua khu vực phía Bắc Úc, tạo nhiều cơ hội tốt hơn để kết hợp đào tạo và diễn tập với lực lượng Không quân Hoàng gia Úc. Sáng kiến chung này được mô tả xem là một trong những nỗ lực nhằm thể hiện nguyên tắc căn bản của sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

•    Quan hệ Úc – Nhật Bản

Úc là đối tác có giá trị và quan trọng đối với Nhật Bản tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản và Úc đều là đồng minh của Mỹ, hai nước không chỉ chia sẻ những giá trị chung như dân chủ, pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và tự do, cũng như nền kinh tế tư bản, mà con chia sẻ lợi ích chiến lược trong lĩnh vực an ninh. Với vai trò là những quốc gia có trách nhiệm trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản và Úc đang tăng cường các mối hợp tác và phối hợp, tập trung chủ yếu vào những vấn đề an ninh phi truyền thống.

Hợp tác và giao lưu quốc phòng song phương giữa Úc và Nhật Bản ngày càng được nâng cao và đã đạt đến giai đoạn hợp tác cụ thể và thực tiễn hơn kể từ khi “Tuyên bố chung về Hợp tác an ninh Úc – Nhật Bản” được đưa ra tháng 3/2007. Tháng 5/2010, tại Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc Phòng + ngoại giao (2+2) lần thứ ba, Hiệp định Thu nhận và Dịch vụ tương hỗ (ACSA) và bản cách thức triển khai của Hiệp định đã được ký kết.

• Bán liên minh biển với hình thức đa phương hẹp Nhật Bản – Mỹ – Úc

Trong những năm gần đây, hợp tác đa phương hẹp Nhật Bản – Mỹ – Úc ngày càng được thắt chặt thêm. Nhật Bản và Úc đều là đồng minh của Mỹ và cùng chia sẻ những giá trị cơ bản. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – Úc – Mỹ đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 6/2007 nhân dịp Hội nghị Cấp cao an ninh Châu Á lần thứ sáu do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức. Ở cấp triển khai, Diễn đàn Hợp tác Quốc phòng và An ninh (SDCF), là Hội nghị cấp vụ trưởng giữa ba quốc gia, đã được tổ chức bốn lần kể từ tháng 4/2007, thảo luận về các vấn đề hợp tác quốc phòng ba bên.

Các cuộc diễn tập chung giữa ba bên lần thứ năm cũng đã được triển khai vào tháng 6/2012, bao gồm Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản (JMSDF), Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Úc. Tháng 2/2012, đã diễn ra cuộc tập trận “Cope North Guam” với sự tham gia của lực lượng Phòng vệ Không quân Nhật Bản, Không quân Mỹ và Không quân Hoàng gia Úc, đánh dấu cuộc diễn tập không quân giữa ba nước lần đầu tiên. Tháng 7/2011, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ mặt đất của Nhật Bản (JGSDF) và Chỉ huy trưởng quân đội Úc đã nhất trí đẩy mạnh đào tạo chung thông qua việc cử các quan sát viên tới các khóa đào tạo chung của một trong hai nước với quân đội Mỹ. Tháng 11/2011, Tổng thống Obama có bài phát biểu tại Quốc hội Úc, tuyên bố rằng, Mỹ sẽ đặt ưu tiên cao nhất cho sự hiện diện sứ mệnh của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời duy trì hiện diện tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính sách này của Mỹ được tái khẳng định trong Chiến lược Quân sự của Mỹ (DSG).

c. Đối tác biển theo mô hình đa phương hẹp Nhật Bản – Mỹ – Úc

• Tầm quan trọng của Ấn Độ

Khu vực Ấn Độ có tầm quan trọng về mặt chiến lược với vị trí địa chính trị như là một hành lang kết nối Châu Á – Thái Bình Dương với Trung Đông và Châu Âu, là khu vực gặp nhiều vấn đề về an ninh, bởi đây có nhiều căn cứ của những nhóm khủng bố quốc tế và là vũ đài của các cuộc đối đầu giữa quốc gia với quốc gia hoặc trong một quốc gia. “Mạng lưới hàng hải” nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương được nhìn nhận như là động mạch chủ của nền kinh tế và an ninh, chạy qua “vòng cung bất khả tách biệt”, tạo nên một khu vực hội nhập không thể tách rời.
Ấn Độ là nước có nhiều nhóm sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa, tuy nhiên, Ấn Độ có chính quyền được lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng nhờ hệ thống chính trị đa đảng và là đất nước dân chủ lớn nhất trên thế giới. Ấn Độ cũng có nhiều điểm chung với các nước phát triển khác như Nhật Bản và Mỹ về các giá trị hệ thống cơ bản như chủ nghĩa tự do, dân chủ và nền kinh tế thị trường.

• Quan hệ Mỹ – Ấn Độ

Ấn Độ và Mỹ đang tích cực thúc đẩy quan hệ song phương. Tuyên bố chung Mỹ – Ấn Độ tháng 11/2001 đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng quan hệ song phương. Tháng 01/2004, hai nước tuyên bố mở rộng hợp tác trong ba lĩnh vực: hoạt động hạt nhân cho mục đích dân sự, chính trị không gian và buôn bán công nghệ cao, hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Tháng 7/2005, Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung rằng, quan hệ hai nước sẽ phát triển thành quan hệ đối tác toàn cầu, thông qua đó hai nước sẽ hợp tác trong các lĩnh vực thăm dò không gian, năng lượng nguyên tử cho mục đích dân sự, công nghệ khoa học quân sự và phi quân sự.

Trong lĩnh vực hợp tác an ninh, tháng 5/2005, hai bên đã ký thỏa thuận quân sự 10 năm – Khung hợp tác mới cho quan hệ quốc phòng Mỹ – Ấn Độ. Tháng 3/2006, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố ý định muốn nâng cao hợp tác với Ấn Độ trong các vấn đề an ninh bao gồm cả an ninh biển.

Ấn Độ và Mỹ đã thực hiện các hoạt động giao lưu quân sự tích cực, bao gồm cả tập trận chung. Cuộc tập trận đổ bộ chung mang tên “Habu Nag” đã được triển khai tại Biển Hoa Đông tháng 9 và tháng 10/2010 và cuộc tập trận hải quân mang tên “Malabar 11” đã được tổ chức tháng 11/2011.

• Quan hệ Nhật Bản – Ấn Độ

Tháng 8/2007, Nhật Bản và Ấn Độ đã ra thông cáo chung nhất trí trong nhiều vấn đề về chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu cũng như những biện pháp chung để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời tuyên bố lộ trình để phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu theo một chiều hướng hoàn toàn mới. Hai bên nhất trí nhận thức rằng “Ấn độ mạnh là lợi ích của Nhật Bản và Nhật Bản mạnh là lợi ích của Ấn Độ”. Thủ tướng Abe cho rằng, Nhật Bản và Ấn Độ cần phải hợp tác với các nước khác để xây dựng nên các biện pháp đảm bảo an ninh các tuyến hàng hải với vị thế là hai cường quốc biển chính có nền dân chủ và cùng chia sẻ những lợi ích và giá trị cơ bản và rằng, một “Châu Á mở rộng” đang hiện hình, gắn kết Đông với Nam Á thông qua trao đổi giữa “hại đại dương lớn”, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có thể phát triển thành mạng lưới mở rộng và xuyên suốt bao gồm toàn bộ khu vực Thái Bình Dương bao gồm cả Úc và Mỹ.

Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều chia sẻ quan điểm muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như phòng chống khủng bố, gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình cứu trợ thiên tai. Hai bên đã tổ chức Đối thoại An ninh Biển Nhật Bản – Ấn Độ vào tháng 10/2009. Tháng 12/2009, hai bên đã xây dựng bản Kế hoạch Hành động nhằm nâng cao hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Tháng 5/2011, Đối thoại An ninh Nhật Bản – Ấn Độ lần thứ 8 và Đối thoại Quân đội lần thứ 7 đã được tổ chức, tiếp đó, tháng 6/2012, cuộc diễn tập hải quân chung lần đầu giữa Hải quân Ấn Độ và lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã được tổ chức tại vịnh Sagami.

• Đối tác biển trong khuôn khổ đa phương hẹp giữa Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ

Thông cáo chung Nhật Bản – Ấn Độ tháng 12/2011 nhấn mạnh việc khởi động phối hợp an ninh đa phương hẹp Nhật Bản – Mỹ – Ấn Độ, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa ba nước. Hợp tác đa phương hẹp này phát triển không ngừng và ổn định. Trong lĩnh vực an ninh, ba nước tiếp tục tăng cường diễn tập quân sự song phương giữa Nhật Bản và Ấn Độ, giữa Ấn Độ và Mỹ. Tháng 9/2007, ba nước đã tiến hành tập trận hải quân chung mang tên “Malabar 07” tại vĩnh Belga, cùng với Úc và Singapore. Tháng 4/2009, ba nước cùng triển khai diễn tập hải quân mang tên “Malabar 09”. Từ đó có thể thấy, thực tế quan hệ giữa ba nước Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ đang trở thành quan hệ “Đối tác biển theo khuôn khổ đa phương hẹp”.

Còn nữa…

RELATED ARTICLES

Tin mới