Cuộc hội đàm 2+2 giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với 2 bộ trưởng đồng cấp Hàn Quốc đã không đạt hiệu quả tích cực về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chính quyền đương nhiệm ở Washington đã lắng nghe phía Seoul hơn, củng cố liên minh bằng các cuộc đối thoại chuyên sâu và cấp cao hơn. Thế nhưng, thách thức vẫn còn và dường như bất đồng về CHDCND Triều Tiên cũng chưa được giải quyết. Ví dụ, việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lồng ghép vấn đề Triều Tiên vào vấn đề Trung Quốc là một sự thất bại.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang quay trở lại với chiến lược gây áp lực lên Triều Tiên. Washington vẫn chọn cách siết chặt các lệnh trừng phạt.
Cách thức này chỉ lãng phí thời gian. Bởi trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Bình Nhưỡng đã thể hiện được một khả năng chịu đựng mạnh mẽ. Giữa nhiều khó khăn do đại dịch và chịu nhiều lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển tên lửa cũng như chương trình hạt nhân. Rõ ràng, Bình Nhưỡng đã biết cách tồn tại dưới nhiều áp lực và tạo ra áp lực để đạt được mục đích.
Có vẻ như chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục lặp lại thất bại trong chính sách đối với Bình Nhưỡng, khi không chịu thừa nhận rằng Mỹ không thể thúc ép Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.