Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgười hùng hay kẻ nổi loạn?

Người hùng hay kẻ nổi loạn?

Trung Quốc đã ngang nhiên cơi nới, xây dựng các đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự lên án của dư luận quốc tế. Vậy mà mới đây, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương cho một cá nhân có “thành tích” xây lấp đảo.

Theo Hoàn Cầu Thời báo, một ấn phẩm phụ của Nhân Dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người được trao huân chương là Wang Shumao. Người này có thành tích… “không sợ hãi trước cái chết” khi tham gia xây dựng Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam), xây dựng lực lượng dân sự để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông.  

Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động xây lấp, mở rộng đảo nhân tạo ở Trường Sa từ năm 2013. Nước này cũng triển khai  các loại vũ khí, khí tài ra quần đảo này, bất chấp những phản đối của các nước có liên quan, nhất là Việt Nam, Philippines.

Đợt này có tổng cộng 29 cá nhân được trao tặng huân chương. Trong số những người được tặng “phần thưởng cao quý”, có những người từng tham gia nội chiến ở Trung Quốc giai đoạn 1946 – 1949, tham gia cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên khi Trung Quốc giúp Bắc Hàn đánh Mỹ (1950 – 1953). Lại có một nhân vật đặc biệt là Memtjan Wumer. Nhân vật này được cho là hình mẫu tiêu biểu trong việc chống lại các lực lượng quá khích ở khu tự trị Tân Cương, nơi sinh sống của người Hồi giáo Uyghur. Sự kiện trừng trị người Hồi giáo ở đây được cho là vi phạm tắng trợn nhân quyền, đã bị Liên hợp quốc cảnh báo.

Thật là một trò hề khi những huân chương này được trao cho những kẻ “nổi loạn”. Chỉ riêng việc bồi đắp, cơi nới các đá, đảo thuộc chủ quyền của nước khác đã là hành động xâm lược đáng phải lên án. Việc bồi đắp không chỉ gia tăng căng thẳng, mất an ninh trên biển mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, khi hàng trăm nghìn khối san hô đáy biển đã bị phá vỡ để moi lên đắp… đảo.

Mặc cho ASEAN và các nước liên quan lên án mạnh mẽ, Bắc Kinh vẫn chối bay việc tàn phá môi trường biển. Họ ngang ngược nêu ra ba lý do biện minh cho hành động của mình. Một là, Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền “không thể tranh cãi” trên các đảo san hô và vùng nước liền kề. Hai là, Trung Quốc chỉ làm những gì mà các bên tranh chấp khác đang làm trên các rạn san hô trong quần đảo Trường Sa. Kẻ nào chỉ trích nước này xây dựng đảo nhân tạo là đạo đức giả (!) Ba là, các hoạt động “duy trì và xây dựng công trình” của Trung Quốc chủ yếu để cải thiện điều kiện sống của lực lượng quân sự đóng trên các đảo san hô.

Sự thật thì cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” lại chẳng có gì để tranh cãi! Toàn bộ quá trình chiếm các đảo của Trung Quốc đều dùng vũ lực từ các chính thể của Việt Nam, tức là tước đoạt chủ quyền của một quốc gia khác bằng một hành động xâm lược.  

Trung Quốc cũng cố tình đánh đồng việc cơi nới các đảo mà họ chiếm giữ với việc hoàn thiện cơ sở vật chất trên một số đảo của các nước khác. Trung Quốc hiện đang chiếm 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, gồm các đảo đá Gạc Ma, Su Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa, Chữ Thập, Châu Viên và Vành Khăn.

Gần 10 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động cải tạo, mở rộng đảo nhân tạo tại các thực thể này, với những công trình như kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng-ten liên lạc vệ tinh, radar, v.v..

Việc bồi đắp, biến đá chìm thành đảo nổi, mở rộng đảo của Trung Quốc được che đậy bằng các mục đích dân sự, nhưng thực chất là nhằm  mục đích quân sự.  Mục tiêu lâu dài là biến các đảo thành khu vực tiền tiêu trên Biển Đông, sẵn sàng tấn công quân sự vào các nước khác. Các cầu tàu và bến cảng ở các đảo nhân tạo sẽ cho phép lực lượng quân sự Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường trực tại quần đảo Trường Sa và trên biển Đông, bởi họ có thể sử dụng các cơ sở này để tiếp nhiên liệu, bảo trì… mà không phải quay trở lại, cập cảng trên đất liền.  

Mọi việc đã rõ như ban ngày. Việc cơi nới, mở rộng các đảo là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông, trước hết là tăng cường phạm vi kiểm soát các đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa, sau đó là hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Những hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước, nhất là Việt Nam.

Gần đây, khi việc xây dựng, bồi đắp các đảo cơ bản hoàn tất thì Bắc Kinh tuyên bố ngừng các hoạt động này. Những hành động ngang ngược của Trung Quốc liên tục gây căng thẳng trong khu vực và thế giới. Một hình ảnh Trung Quốc méo mó và xấu xí luôn được tô vẽ bởi bộ mặt đàng hoàng, tôn trọng hòa bình, hữu nghị.

Hãy xem việc tôn vinh, trao thưởng cho những “người hùng” của Trung Quốc. Thật ra đó chỉ là những con tốt trên bàn cờ chính trị của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới