Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếHãy cảnh giác với Campuchia trên vấn đề Biển Đông

Hãy cảnh giác với Campuchia trên vấn đề Biển Đông

Campuchia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông, song Campuchia lại thường xuyên gây khó khăn cho các nước ven Biển Đông trong đấu tranh với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông bởi lẽ chính quyền Phnom Penh bị Bắc Kinh lôi kéo, mua chuộc và trở thành “cánh tay đắc lực” của Trung Quốc trong việc ngăn cản sự đoàn kết, nhất trí trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Một số học giả còn ví Campuchia là kẻ “phá rối” trên vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

1. Hãy cảnh giác việc Bắc Kinh thao túng các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2022.

Cách đây 9 năm, vào năm 2012 khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên và cho đến nay cũng là lần duy nhất trong lịch sử của ASEAN Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN không ra được Tuyên bố chung. Với tư cách nước chủ nhà, đáng lẽ Campuchia phải nỗ lực thúc đẩy sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN để các hội nghị được tổ chức thành công, thế nhưng Campuchia đã đi ngược lại lợi ích chung của ASEAN khiến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 tại Phnom Penh tháng 7/2012 không ra được Tuyên bố chung vì vấn đề Biển Đông.

Nguyên nhân AMM 45 không ra được Tuyên bố chung là do có sự chia rẽ sâu sắc trên vấn đề Biển Đông, với một bên là các nước ven Biển Đông (Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia) với bên kia là nước chủ nhà Campuchia. Chúng ta còn nhớ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông hết sức căng thẳng khi Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để khống chế bãi cạn Scarborough đẩy tàu bè của Philippines ra khỏi khu vực này, do vậy Biển Đông là một chủ đề nóng được các bên liên quan, đi đầu là Philippines nêu ra rất gay gắt, yêu cầu đưa vào Tuyên bố chung của AMM 45.

Các nguồn tin liên quan đều cho rằng, dưới áp lực mạnh mẽ của Bắc Kinh, Phnom Penh đã không hưởng ứng yêu cầu của Philippines và Việt Nam trong việc đề cập tới các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vào văn bản thông cáo chung. Nước chủ nhà Campuchia thậm chí còn không thèm đếm xỉa tới nỗ lực của Indonesia đứng ra làm trung gian để tìm một thỏa hiệp liên quan đến nội dung vấn đề Biển Đông đưa vào Tuyên bố chung. Như vậy, do bị Trung Quốc giật dây, Campuchia đã tìm mọi cách gạt bỏ nội dung về Biển Đông ra khỏi Tuyên bố chung nên cuối cùng không ra được Tuyên bố chung.

Với tư cách Chủ tịch AMM 45, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia lúc bấy giờ Hor Namhong còn ngang nhiên tuyên bố: Vấn đề Biển Đông chỉ là sự tranh chấp giữa Trung Quốc với cá biệt từng quốc gia ASEAN. Phát biểu của ông Hor Namhong thể hiện rõ sự vô trách nhiệm của nước chủ nhà Campuchia đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình ổn định khu vực, trong đó có Biển Đông. Thái độ vô trách nhiệm này đã bị các nước ASEAN phản ứng dữ dội. Ông Hor Namhong nói đúng giọng điệu của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông cũng là điều dễ hiểu bởi vì chính ông ta đã từng đánh giá Trung Quốc là “quốc gia đầu tiên chủ động trợ giúp dù Campuchia chưa chính thức lên tiếng và Trung Quốc luôn là nước bạn bè số một của Campuchia vì đã liên tục viện trợ cho Campuchia trên nhiều lĩnh vực…”.
Ngày 13/7/2012, Bộ Ngoại giao Philippines đã phản đối tuyên bố của Chủ tịch AMM 45, đồng thời nhấn mạnh, Manila tiếp tục giữ vững quan điểm: những tranh chấp ở Biển Đông không đơn thuần là xung đột song phương, mà là xung đột đa phương, do đó cần được giải quyết đa phương. Trước đó (12/7), Ngoại trưởng Philippines lúc bấy giờ Albert del Rosario đã chỉ trích Trung Quốc “lật lọng và hăm dọa” trên Biển Đông, làm dấy lên bầu không khí căng thẳng tại ARF 19 được tổ chức nhằm giải tỏa những căng thẳng trên biển đông. Ông Albert del Rosario nhấn mạnh, nếu chủ quyền và quyền tài phán của Philippines có thể bị một cường quốc xem thường bằng cách gây sức ép, lật lọng, hăm dọa và đe dọa dùng vũ lực, thì cộng đồng quốc tế phải lo ngại về cách hành xử này.

Ông Albert del Rosario cũng cảnh báo, lập trường ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh đối với các khu vực tranh chấp trên Biển Đông đã dấy lên mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia lúc bấy giờ Marty Natalegawa bày tỏ sự thất vọng trước kết quả nói trên bởi ASEAN từng trải qua nhiều khó khăn trong quá khứ, nhưng chưa bao giờ không tìm được tiếng nói chung và thật vô trách nhiệm khi không thể đưa ra một Tuyên bố chung về Biển Đông.

Một ngày sau khi AMM 45 bế mạc tại Campuchia, ngày 14/7, Trung Quốc đã lên tiếng ca ngợi sự “thành công” của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45, đồng thời đánh giá các hoạt động của ASEAN tại Phnom Penh lần này “đã diễn ra trong bầu không khí tốt đẹp” bởi theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc đó là ông Dương Khiết Trì: “Các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đạt được nhiều thành quả”. Nhưng các nhà quan sát và giới bình luận đều cho rằng, việc không ra được Tuyên bố chung của AMM 45 chứng tỏ sự chia rẽ sâu sắc giữa các bên trong vấn đề Biển Đông và đây là thắng lợi của Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia, học giả thế giới cho rằng, Trung Quốc tiếp tục xoáy vào những khác biệt về lợi ích của từng nước trong ASEAN để phân hóa, chia rẽ sự đoàn kết của ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Do bị Trung Quốc chi phối Campuchia đã tiếp tay cho Bắc Kinh, ngăn cản việc đưa nội dung Biển Đông vào Tuyên bố chung của AMM 45. Đây là một đòn nghiêm trọng đánh vào vị thế và uy tín quốc tế của ASEAN.

Vào năm tới 2022, Campuchia lại là chủ tịch của ASEAN, chắc chắn Trung Quốc sẽ lại tận dụng cơ hội này để can thiệp vào các hội nghị liên quan trong khuôn khổ ASEAN. Liệu Campuchia có để Bắc Kinh một lần nữa can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông nữa hay không đang là câu hỏi được giới phân tích đặt ra, nhất là trong bối cảnh Campuchia đang đối mặt với tình hình dịch Covid-19 hết sức nghiêm trọng còn Trung Quốc đang dùng “ngoại giao vắc xin” để gây sức ép với các nước trong khu vực. Hy vọng chính quyền Phnom Penh có thể rút ra bài học từ AMM 45, không tiếp tay cho Bắc Kinh thao túng các hội nghị của ASEAN, không để lặp lại sự việc đáng xấu hổ xảy ra tại AMM 45 một lần nữa.

2. Hãy cảnh giác trước việc Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia để khống chế Biển Đông.

Từ năm 2019, rộ lên thông tin về một thỏa thuận ngầm bí mật được ký kết giữa Trung Quốc và Campuchia cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream và các dự án ở Dara Sakor với đường bay dài nhất Campuchia cùng các cơ sở khác ở tỉnh Sihanoukville của Campuchia vào mục đích quân sự, biến nơi đây thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc bên bờ Vịnh Thái Lan. Khu vực này có vị trí quan trọng ở phía Nam Biển Đông, tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Cả Trung Quốc và Campuchia nhiều lần bác bỏ thông tin về thỏa thuận cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream và dự án ở Dara Sakor vào  mục đích quân sự. Tuy nhiên những diễn biến gần đây lại khẳng định những thông tin về căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Sihanoukville. Năm ngoái, chính quyền Campuchia đã quyết định phá dỡ 2 cơ sở quốc phòng do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream với danh nghĩa cải tạo mặc dù các công trình này còn tương đối mới. Đầu năm nay, có thông tin tiết lộ rằng các cơ sở mới do Trung Quốc tài trợ đang được xây dựng tại ngay địa điểm này, với tốc độ xây dựng “chóng mặt”.  

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng cùng với việc mở rộng, bồi đắp các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Sihanoukvill sẽ làm thay đổi mạnh cán cân sức mạnh quân sự ở khu vực. Tiếp cận Căn cứ Hải quân Ream và các cơ sở ở Dara Sakor sẽ đưa các lực lượng quân sự của Trung Quốc đến gần lãnh thổ tranh chấp với Malaysia và Indonesia, đồng thời bao vây Việt Nam từ phía Nam.

Với sự hiện diện quân sự ở Dara Sakor và căn cứ Ream thì Trung Quốc có thể kết hợp cùng các cơ sở quân sự trên các cấu trúc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để hình thành một mạng lưới căn cứ quân sự trải rộng từ đảo Hải Nam đến sát Ấn Độ Dương. Mạng lưới này có thể phục vụ các loại máy bay, tàu chiến Trung Quốc, lại được hỗ trợ thêm bởi các loại tên lửa mà Bắc Kinh đang bố trí ở Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ tạo mối đe dọa lớn đối với các nước ven Biển Đông mà còn ẩn chứa rủi ro lớn cho an ninh khu vực, nhất là khi Bắc Kinh liên tục thể hiện tham vọng bá quyền trên khắp Biển Đông và vươn rộng ở khu vực tây Thái Bình Dương, cho đến cả Ấn Độ Dương.

Việc chính quyền Phnom Penh chịu chi phối mạnh mẽ của Bắc Kinh là điều không có gì phải bàn cãi bởi đến nay Trung Quốc đổ nhiều tiền của vào Campuchia từ việc xây dựng các công trình hạ tầng đường xá đến các sân bay, bến cảng. Thậm chí, phát biểu tại hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 26 diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào ngày 20/5/2021, Thủ tướng Campuchia Hun Sen còn ngang nhiên nói: “Không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu không thỉnh cầu Trung Quốc, thì tôi thỉnh cầu ai?”; đồng thời gọi những người chỉ trích mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc là “không công bằng”. Phát biểu này của ông  Hun Sen cho thấy chính quyền Phnom Penh đã “ăn phải bả” của Bắc Kinh, lệ thuộc vào Bắc Kinh tới mức không thể dứt ra được và là dấu hiệu chứng tỏ Campuchia ngày càng lún sâu vào sự “kìm kẹp” của Trung Quốc.

Lo ngại trước việc Trung Quốc thao túng Campuchia phục vụ mưu đồ bành trướng ở Biển Đông và trong khu vực, đầu tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman đã đến Phnom Penh gặp gỡ các quan chức hàng đầu chính quyền Campuchia nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Sihanoukvill. Trong các cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen và Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, Thứ trưởng Ngoại giao Sherman đã tìm kiếm sự giải thích về việc phá hủy hai tòa nhà do Mỹ tài trợ tại căn cứ Ream và việc xây dựng các cơ sở tại căn cứ Hải quân Ream. Bà Wendy Sherman bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh rằng một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia sẽ làm suy yếu chủ quyền của Campuchia, đe dọa an ninh khu vực và tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Campuchia. Bà Sherman hối thúc ban lãnh đạo Campuchia “duy trì một chính sách ngoại giao cân bằng và độc lập, vì lợi ích tốt nhất của người dân Campuchia”.

Tuy nhiên, chuyến đi của bà Thứ trưởng Sherman cũng đạt được mục tiêu đề ra liên quan đến thông tin về căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Sihanoukvill. Bà Sherman cũng chỉ nhận được những lời giải đáp chung chung của lãnh đạo Campuchia như đã nhiều lần đưa tin trên truyền thông. Thủ tướng Hun Sen một lần nữa nêu rõ rằng, chính phủ Campuchia mong muốn duy trì và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong triển khai thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh khẳng định Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp quân cảng Ream mà không hề có điều kiện ràng buộc nào.
Trước đó, ông Tea Banh đã giải thích rằng Hiến pháp của Campuchia không cho phép bất kỳ sự hiện diện của căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ Campuchia nhưng Hiến pháp Campuchia quy định rằng Campuchia có quyền nhận viện trợ nước ngoài dưới dạng trang thiết bị, vũ khí, đạn dược, huấn luyện và đào tạo lực lượng vũ trang, và các hình thức hỗ trợ quốc phòng khác để tự vệ và duy trì trật tự và an ninh trong lãnh thổ của mình. Ý kiến này của ông Tea Banh cũng đã ngầm khẳng định việc Bắc Kinh cung cấp trang thiết bị quân sự, vũ khí, đạn dược, đào tạo quân sự cho Phnom Penh và hợp tác quốc phòng mật thiết giữa hai bên.

Giới phân tích nhận định sự phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc rất phức tạp, từ các khoản đầu tư lớn cho đến việc Bắc Kinh đào tạo “quyền lực mềm” cho giới báo chí và quan chức Campuchia. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Campuchia, gần một nửa (43%) trong tổng số 3,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Campuchia trong năm 2019 đến từ Bắc Kinh. Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Campuchia bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020, nhằm mục đích tăng thương mại song phương hàng năm lên 10 tỷ USD vào năm 2023. Đáng chú ý là Bắc Kinh đã trở thành chiếc ô bảo hộ chính trị lớn cho chính quyền của Hun Sen trên trường quốc tế.

Ông Hun Sen là lãnh đạo nước ngoài duy nhất đến thăm thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hôm 05/2/2020, giữa lúc dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại nơi đây để thể hiện sự “sát cánh” cùng Trung Quốc chống dịch. Mới đây nhất, trong cuộc gặp với Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn ở thành phố Trùng Khánh hôm 08/6/2021, bên lề Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn gọi Campuchia là đối tác gần gũi và ca ngợi “mối quan hệ không thể phá vỡ” với quốc gia Đông Nam Á này. Đây là những minh chứng cho mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Phnom Penh.

Giới quan sát cảnh báo rằng, cho dù lãnh đạo Campuchia luôn bác bỏ về việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia, nhưng với sự lệ thuộc lớn của Campuchia vào Trung Quốc và bản chất 2 mặt của cả Campuchia và Trung Quốc thì không có điều gì là không thể. Hơn thế nữa, Campuchia đã từng bán đứng lợi ích của các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông vì áp lực của Trung Quốc. Do vậy cần hết sức cảnh giác với việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự hoặc sử dụng các cơ sở mà họ xây dựng ở Sihanoukville để thực hiện ý đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới