Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếSách Trắng Quốc phòng 2021 và cách tiếp cận của Brunei trên...

Sách Trắng Quốc phòng 2021 và cách tiếp cận của Brunei trên vấn đề Biển Đông

Cuối tháng 5/2012, Brunei đã công bố bản cập nhật Sách Trắng quốc phòng 2021 đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Brunei (RBAF). Dù là sự kiện đã được lên kế hoạch từ trước, và bị làm lu mờ bởi các vấn đề quốc tế cũng như nhiều chủ đề nóng khác, song Sách Trắng Quốc phòng 2021 vẫn được đánh giá là đã phản ánh tư duy quốc phòng hiện hành của Brunei, cũng như cách giới hoạch định điều chỉnh cho phù hợp với các ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại. Sách Trắng Quốc phòng 2021 thể hiện cách tiếp cận mới nhưng vẫn hết sức thận trọng của Brunei trên vấn đề Biển Đông.

Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đang kiêm nhiệm chức ngoại trưởng Brunei

Mặc dù giàu tài nguyên dầu mỏ, nhưng lại là đất nước nhỏ bé nên đôi khi Brunei không được chú ý ở Đông Nam Á. Một số học giả nhận định là một bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp ở Biển Đông và có “tuyên bố chủ quyền thầm lặng”, vương quốc Brunei có những ảnh hưởng riêng theo nhiều cách tới các diễn biến an ninh trong khu vực cũng như các hoạt động của ASEAN.

Lâu nay, Brunei thường giữ im lặng trước các vấn đề ở Biển Đông, kể cả trước các hành động hung hăng, bắt nạt, cưỡng ép láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông. Không tính Đài Loan (vì không có tư cách ngoại giao ở Liên hợp quốc) thì Brunei là quốc gia duy nhất liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông mà chưa gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi đó đã có 4/10 nước ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia) gửi nhiều công hàm lên Liên hợp quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Giới học giả cho rằng sở dĩ Brunei “bình chân như vại” trên vấn đề Biển

Đông như vậy là vì: (i) Brunei là một quốc gia nhỏ bé (diện tích 5765 km2, dân số chưa đến nửa triệu) nên mặc dù tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng Brunei không muốn tham gia vào các cuộc tranh đấu với các nước lớn hơn mình rất nhiều, nhất là Trung Quốc; (ii) Những hành động gây hấn với các nước láng giềng của Trung Quốc chưa vươn tới các vùng biển mà Brunei yêu sách ở Biển Đông, mới chỉ dừng lại ở Malaysia và Indonesia nên không dại gì Brunei lại đương đầu với Trung Quốc; (iii) Trung Quốc luôn tìm cách lôi kéo Brunei bằng những hứa hẹ về hợp tác kinh tế với chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Brunei hiểu rõ thân phận quốc gia nhỏ bé của mình nên không muốn đương đầu với Trung Quốc.

Tuy không công khai lên tiếng chỉ trích, phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng trong khuôn khổ các cuộc họp ASEAN, Brunei luôn thuận theo ý kiến các nước ven Biển Đông liên quan đến vấn đề Biển Đông, kể cả việc phê phán các hành vi xâm lấn ở Biển Đông cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, tuân thủ đầy đủ UNCLOS 1982 và DOC.

Đây là lần thứ tư Brunei công bố Sách Trắng Quốc phòng, ba lần trước được tiến hành vào năm 2004, năm 2007 và năm 2011. Như vậy sau đúng 10 năm Brunei mới lại công bố Sách Trắng Quốc phòng mới. Đặc biệt, Sách Trắng Quốc phòng của Brunei được công bố đúng vào năm nước này đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN. Điều này phản ánh ưu tiên của Brunei thúc đẩy xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự giữa các thành viên ASEAN.

Dài 100 trang, Sách Trắng Quốc phòng 2021 của Brunei được chia thành 3 phần chính. Phần thứ nhất định vị bối cảnh chiến lược của đất nước trong 15 năm tới với 5 thách thức chính được xác định gồm: tác động từ các nước lớn trong bối cảnh trật tự thế giới đa cực, bất ổn khu vực và toàn cầu, chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, công nghệ và thảm họa thiên nhiên. Phần thứ hai là chiến lược và giải pháp quốc phòng, gồm các nguyên tắc, mục đích, cách thức và phương tiện triển khai. Phần thứ ba là các nhu cầu về năng lực phòng thủ chiến lược quốc gia, gồm các cuộc thảo luận về đào tạo và huấn luyện, trang thiết bị, nhân sự, tình báo và thông tin, chính sách, học thuyết và khái niệm, tổ chức, cơ sở hạ tầng và hậu cần.

Sách Trắng Quốc phòng 2021 của Brunei được xây dựng trên các nền tảng hiện có như “Tầm nhìn Wawasan 2035” và ba trụ cột chiến lược quốc phòng là răn đe-phản ứng, ngoại giao quốc phòng và phòng thủ toàn diện. Sách Trắng quốc phòng 2021 của Brunei nêu 7 lĩnh vực ưu tiên được viết tắt là IKWONDAMAI (theo tiếng Brunei), trong đó: một, I bao hàm nội dung Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; hai, K có nghĩa là Luôn trong tâm thế chuẩn bị và sẵn sàng cao độ; ba, WON là Ủng hộ hướng tới cách tiếp cận “toàn quốc”; bốn, D là Ngoại giao phòng thủ hiệu quả; năm, A hàm ý Quân đội tham gia các chiến dịch quốc tế; sáu, MA là Nguồn nhân lực tiêu chuẩn cao và chuyên nghiệp); bảy, I nghĩa là Hình ảnh đáng tôn trọng và tin cậy của lực lượng Quốc phòng.

Nội dung Sách Trắng Quốc phòng 2021 của Brunei có nhiều thay đổi, ngay từ phần mở đầu và xuyên suốt cuốn sách thể hiện cách tiếp cận mới của Brunei trên vấn đề quốc phòng, như sự quan tâm tới các mối đe dọa hỗn hợp hay chiến tranh “vùng xám”, các hoạt động chung, đề cao tính tự lực, cũng như những kêu gọi cải cách các lĩnh vực quan trọng như huấn luyện và đào tạo, quản lý nhân sự và cấu trúc lực lượng. Chiều hướng chung mà Sách Trắng hướng tới là đảm bảo lực lượng quốc phòng thích ứng với bối cảnh thách thức an ninh ngày càng gia tăng. Sách Trắng Quốc phòng 2021 của Brunei không chỉ giúp giới quân sự có cái nhìn tổng thể về chính sách quốc phòng của Brunei trong thời gian tới mà còn thể hiện cách tiếp cận của Brunei đối với các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Điểm mới trong Sách Trắng Quốc phòng 2021 của Brunei thu hút sự quan tâm của các chuyên gia nghiên cứu quốc tế là việc đề cập tới chiến tranh “vùng xám”. Thời gian qua, Bắc Kinh đẩy mạnh chiến lược “vùng xám” với việc sử dụng lực lượng bán dân sự để thúc đẩy các yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông. Việc đề cập tới chiến tranh “vùng xám” trong Sách Trắng quốc phòng lần này của Brunei thể hiện sự lo ngại của chính quyền vương quốc Brunei trước thủ đoạn “vùng xám” nguy hiểm của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đặc biệt, việc Bắc Kinh mở rộng yêu sách xuống phía Nam Biển Đông thông qua yêu sách “Tứ Sa” với đòi hỏi về vùng biển còn vượt ra ngoài phạm vi “đường lưỡi bò” đang tạo ra những thách thức ngày càng lớn với Brunei. Cùng với việc mở rộng yêu sách, Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn xuống phía nam Biển Đông như cho tàu hải cảnh, tàu dân quân biển và tàu khảo sát địa chất nhiều lần uy hiếp, đe dọa, quấy phá hoạt động dầu khí của Malaysia gần khu vực bãi Luconia trong năm 2020 hay việc tàu cá và tàu dân quân biển Trung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia cuối năm 2019 và trong năm 2020 khiến nước này phản ứng quyết liệt.

Mới đây nhất, đầu tháng 6/2021, Trung Quốc điều 16 máy bay vận tải quân sự xâm nhập vùng trời thuộc quyền quản lý của Malaysia khiến chính quyền Kuala Lumpur không thể giữ im lặng được nữa và lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc làm của Bắc Kinh. Điều này cho thấy không phải cứ giữ im lặng là có thể thoát khỏi các hành động gây hấn của Bắc Kinh. Đây có thể là bài học quý báu cho chính quyền Quốc vương Brunei.

Giới phân tích đã từng cảnh báo tất cả các nước ven Biển Đông không thể bình yên trước chính sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việc một vài nước phía nam Biển Đông chưa bị “động đến” (có các hành động xâm lấn trên thực địa) chỉ là tạm thời. Sau khi xâm lấn vùng biển các nước phía bắc Biển Đông như Việt Nam và Philippines, các hoạt động hung hăng của Bắc Kinh sẽ được đẩy mạnh xuống phía nam Biển Đông bởi mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông là không thay đổi. Điều này thôi thúc Brunei phải có cách tiếp cận mới trên vấn đề Biển Đông.

Giới quan sát cũng lý giải việc Brunei đưa vấn đề chiến tranh “vùng sám” vào Sách Trắng Quốc phòng 2021 bởi lẽ, Trung Quốc đang dùng chiến thuật “vùng xám” để thôn tính Biển Đông. Cùng với việc tăng cường sử dụng lực lượng bán quân sự trong các hoạt động gây hấn hung hăng ở Biển Đông, Bắc Kinh còn ban hành các dự luật để thúc đẩy chiến lược “vùng xám” kiểm soát Biển Đông.

Đầu năm nay, Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh sửa đổi cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài. Dự luật này có hiệu lực từ ngày 01/2/2021 tạo cơ sở pháp lý cho các tàu hải cảnh Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông, trở thành mối đe dọa thường trực với tàu thuyền của các nước hoạt động ở Biển Đông. Với việc thực hiện Luật hải cảnh mới, các tàu dân quân biển của Trung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu hải cảnh trong chiến lược “vùng xám” càng trở nên nguy hiểm.

Tiếp đó, cuối tháng 4 vừa qua, Bắc Kinh còn thông qua Luật an toàn giao thông hàng hải” có hiệu lực từ 01/9/2021 với mục tiêu thúc đẩy chiến lược “vùng xám” trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng hai dự luật mới của Trung Quốc là nhằm vào tàu thuyền nước ngoài trong quá trình thực hiện chiến lược “vùng xám”. Trong quá trình triển khai chiến lược “vùng xám” ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ sử dụng Luật hải cảnh và Luật an toàn giao thông hàng hải như những công cụ để phá vỡ trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

Việc Philippines tố cáo hơn 240 tàu dân quân biển của Trung Quốc tụ tập bất hợp pháp ở bãi Ba Đầu trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chính quyền Brunei về sự nguy hiểm của lực lượng bán quân sự Trung Quốc trong chiến lược “vùng xám” ở Biển Đông và một ngày không xa đội quân chiến lược “vùng xám” của Bắc Kinh sẽ tiến vào các vùng biển của Brunei. Mối lo ngại này của các giới chức quân đội Hoàng gia Brunei được thể hiện rõ qua việc đưa ra những dự báo về chiến tranh “vùng xám” trong Sách Trắng Quốc phòng 2021.

Tuy không trực tiếp nói đến mối đe dọa từ Bắc Kinh ở Biển Đông, song việc công bố Sách Trắng Quốc phòng mới với việc đề cập chiến tranh vùng xám cho thấy chính quyền Brunei đang hết sức lo ngại việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động gây hấn trong vùng biển của Brunei ở phía nam Biển Đông. Nhiều nhà quan sát nhận định rằng cách tiếp cận mới của Brunei trên vấn đề Biển Đông được thể hiện cả trong Sách Trắng Quốc phòng 2021 của Brunei lẫn tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN do Brunei chủ trì với tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2021, nhất là tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 15 (ADMM 15) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Trong năm 2020, khi Việt Nam là chủ nhà của các hội nghị ASEAN, không ít học giả đã bày tỏ lo ngại trong năm 2021 khi Brunei làm Chủ tịch ASEAN, vấn đề Biển Đông có thể sẽ không được quan tâm nhiều bởi lẽ Brunei là nước nhỏ, phụ thuộc lớn vào Trung Quốc sẽ e ngại đề cập nhiều tới vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, những diễn biến từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy, vấn đề Biển Đông luôn trở thành một chủ đề quan trọng của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN dưới sự chủ trì của Brunei, thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn của Brunei trên vấn đề Biển Đông so với 10 năm trước đây khi Brunei là Chủ tịch ASEAN.

Đặc biệt, tại các hội nghị ADMM 15 (gồm Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN) được tổ chức trực tuyến hôm 15/6/2021 và ADMM + (gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ) cùng Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi được tổ chức trực tuyến hôm 16/6/2021 vấn đề Biển Đông được đề cập rõ ràng trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hội nghị ADMM 15 được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Pehin Datu Lailaraja Dato Paduka Seri Haji Awang Halbi bin Haji Md Yussof, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 Brunei, đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan kỷ niệm 15 năm ADMM hướng tới một ASEAN sẵn sàng cho tương lai, hòa bình và thịnh vượng. Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm hoàn tất một COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, theo lịch trình đã được nhất trí. Ngoài ra, các bên cũng cam kết thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và thuận lợi để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Tiếp đó, tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 8 hôm 16/6/2021 đã thông qua Tuyên bố Bandar Seri Begawan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không cũng như sự cần thiết phải tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Biển Đông là một trong những chủ đề chính tại các hội nghị của ASEAN do Brunei chủ trì tổ chức, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN 15 và Hội nghị mở rộng lần thứ 8 cùng với việc công bố Sách Trằng quốc phòng 2021 đã đem đến những chỉ dẫn mới để đánh giá tầm nhìn an ninh của Brunei, nhất là an ninh trên Biển Đông. Các chuyên gia nhận định trước những hành động hung hăng ngày càng leo thang của Bắc Kinh ở Biển Đông, dù là nước nhỏ bé song với tư cách là một bên trong các tranh chấp ở Biển Đông, Brunei không còn im lặng được nữa. Cách tiếp cận của Brunei đối với vấn đề Biển Đông và an ninh khu vực đã có những nét mới với việc đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết theo UNCLOS 1982 và các quy tắc, nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Điều này đã được thể hiện trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Brunei ngày 20/7/2020 sau khi Ngoại trưởng Mỹ ra Tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới