Giới chức Mỹ đã đưa ra những bình luận đầu tiên sau khi Trung Quốc mời đoàn đại diện của lực lượng Taliban tới Thiên Tân trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Afghanistan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
“Không ai muốn khu vực rơi vào nội chiến hay rơi vào tay Taliban. Nếu Trung Quốc hoặc nước khác hành động vì lợi ích này thì đó là một tín hiệu tích cực”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bình luận trong chuyến thăm Ấn Độ.
Bình luận được đưa ra sau khi Trung Quốc xác nhận một phái đoàn của Taliban đã đến thành phố Thiên Tân và gặp gỡ Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 28/7. Tại cuộc họp này, ông Vương cho rằng, Taliban là một “lực lượng chính trị, quân sự quan trọng ở Afghanistan”, đồng thời kêu gọi Taliban tạo tiến triển cho các cuộc hòa đàm ở Afghanistan.
Các cuộc hòa đàm ở Afghanistan đã diễn ra nhiều tháng nay tại Doha, Qatar, song đã bị đình trệ kể từ khi Taliban tiến hành các đợt tấn công quân sự nhằm mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ ở Afghanistan từ đầu tháng 5 khi Mỹ và các nước đồng minh NATO rục rịch kế hoạch rút quân.
Tại cuộc họp với phái đoàn Taliban do phó thủ lĩnh Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu, ông Vương Nghị nói rằng, quân đội Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan đã cho thấy sự thất bại về chính sách của Washington.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch rút toàn bộ lực lượng quân sự của Mỹ tại Afghanistan trước ngày 31/8 năm nay. Việc Mỹ và các nước đồng minh rút quân có thể tạo ra khoảng trống quyền lực ở Afghanistan và có thể là cơ hội để Trung Quốc thế chân, mở rộng tầm ảnh hưởng ở đây. Mỹ từng phản ứng gay gắt với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Afghanistan, tuy nhiên, theo Guardian, hiện giờ ưu tiên hàng đầu của Washington dường như là ngăn chặn nguy cơ một cuộc nội chiến toàn diện ở quốc gia này.
Mặc dù hầu hết các láng giềng của Afghanistan, trong đó có Bắc Kinh, sẽ vui mừng khi lực lượng quân sự của Mỹ rút khỏi Afghanistan, tuy nhiên, họ cũng lo ngại viễn cảnh sau đó. Những năm 1990, khi Afghanistan rơi vào nội chiến, tổ chức khủng bố al-Qaeda có cơ hội mở rộng chân rết ở đây, kéo theo làn sóng hàng triệu người tị nạn vào các nước láng giềng Afghanistan.
Bắc Kinh đặc biệt quan ngại kịch bản Afghanistan trở thành địa bàn hoạt động cho các phần tử ly khai ở Tân Cương. Đó là lý do trong cuộc gặp mới đây, ông Vương Nghị đề nghị Taliban cắt đứt quan hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) vì đây là “đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
Người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen cam kết, lực lượng này sẽ đảm bảo “lãnh thổ Afghanistan không bị sử dụng để chống lại an ninh của bất cứ nước nào trong đó có Trung Quốc”. Người phát ngôn Taliban cho biết thêm, ngoài vấn đề an ninh, các cuộc gặp của phái đoàn ở Thiên Tân cũng đề cập đến các vấn đề kinh tế, chính trị cũng như tiến trình hòa bình ở Afghanistan.