Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông “ổn định”?

Biển Đông “ổn định”?

Biển Đông “nhìn chung ổn định, trật tự hàng hải và hàng không theo luật quốc tế được đảm bảo”. Câu nói của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc không khỏi khiến dư luận hoang mang và giật mình.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN ngày 3-8

Nhận định về một “Biển Đông ổn định…” như trên được nhà ngoại giao cáo già Vương Nghị đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN ngày 3-8 vừa qua. Trước đó, như để vuốt ve, lấy lòng các nước láng giềng, trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị khẳng định ASEAN là một trong những ưu tiên ngoại giao của Bắc Kinh. Và, như để chứng minh Trung Quốc đàng hoàng, “nói có sách, mách có chứng”, ông dẫn ra việc hai bên (Trung Quốc và Asean) đã nối lại tham vấn về nội dung “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC), các cuộc họp chung về việc thực hiện “Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông” (DOC) năm 2002…

Nghe đến chữ “ổn định” phát ra từ miệng ông Vương Nghị, những nhà ngoại giao các nước Asean vừa căm, vừa nực cười. Căm về sự trơ tráo của một trong những nhân vật máu mặt hàng đầu Trung Nam Hải. Nực cười vì nhận định của ngoại trưởng Trung Quốc như một sự nhạo báng công lý. Biển Đông đâu đã thành cái ao nhà của Trung Quốc để ông họ Vương kia muốn nói ngược, hay nói xuôi đều được. Những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông, cả thiên hạ đều thấy, sao ông Vương có thể cả gan dùng tay che cả bầu trời?

Thiên hạ thấy là những gì?

Là tuyên bố đơn phương về cái gọi là bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý của Trung Quốc đối với Biển Đông mà thực chất, nó đã bị Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật biển 1982 bác bỏ, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cách đây hơn 5 năm.

Là nhiều đảo, đá bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép. Sau đó, cũng chính Bắc Kinh ra sức tôn tạo, cải tạo, mở rộng diện tích lên gấp nhiều lần; xây cất, biến chúng trở thành các cứ điểm quân sự đồ sộ, với nhiều khí tài tối tân, nhằm đe dọa không chỉ các nước cùng có yêu sách trên Biển Đông mà còn đe dọa các các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp…hoặc bất cứ quốc gia nào phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” của họ.

Là các vụ tàu Trung Quốc đâm, va, húc tàu cá các quốc gia láng giếng, khi họ đang hành nghề đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống, trong đó, điển hình là “vụ Cỏ Rong” khiến tàu cá Philippines chìm nghỉm cùng 22 ngư dân hành nghề lương thiện suýt thành mồi cho cá.

Là sự kiện hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, tháng 5/2014; vụ tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc thực hiện cái gọi là “khảo sát địa chấn” trong khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Là việc Trung Quốc cho tàu hải cảnh quấy nhiễu hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Malaysia liên tục 3 lần, từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021.

Là việc liên tục trong 2 năm trở lại đây, tàu hải cảnh Trung Quốc ra vào khu vực quần đảo Natuna mà Indonesia đang kiểm soát, một cách tự nhiên như ra vào chỗ không người; lại còn ngang ngược tuyên bố khu vực này là “ngư trường truyền thống của Trung Quốc” (?!).

Và gần đây nhất, gần 300 tàu dân quân biển Trung Quốc trá hình tàu cá, “tránh bão” (?) tại khu vực đá Ba Đầu, khiến Biển Đông sôi sùng sục như một chảo dầu nóng.

Đó là chưa kể, Trung Quốc, ngoài việc tổ chức liên tục các cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của tàu sân bay, tên lửa đạn đạo bắn thử mục tiêu di động trên biển…, kèm theo đó là những lời đe dọa nhằm vào các quốc gia láng giềng, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đang thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, thực chất là nhằm phản đối những hành động gây hấn ngày một quá quắt của Trung Quốc trong khu vực…

Thế nên, điều dư luận lo ngại là: Biển Đông sôi sục, Biển Đông ùng oàng suốt ngày bởi tiếng nổ của tên lửa, ngư lôi; Biển Đông chói tai bởi tiếng xé nước của hàng không mẫu hạm và của các loại máy bay cường kích…, ông Vương Nghị vẫn cho là “ổn định”, thì phải đến mức nào, ông ta mới coi là “không ổn định” nữa đây?

RELATED ARTICLES

Tin mới