Sunday, May 5, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnPhó Tổng thống Mỹ khai trương Văn phòng CDC Đông Nam Á...

Phó Tổng thống Mỹ khai trương Văn phòng CDC Đông Nam Á tại Việt Nam

Chiều 25/8, Phó Tổng thống Kamala D. Harris đã khai trương Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á và chứng kiến lễ ký thỏa thuận về Đại sứ quán mới tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, chiều 25/8, Phó Tổng thống Kamala D. Harris đã khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội.

Buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Giám đốc CDC Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng cùng các Bộ trưởng Y tế đến từ 11 quốc gia. Văn phòng khu vực mới sẽ tăng cường năng lực của CDC nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ người dân Mỹ và người dân trong khu vực thông qua việc ứng phó với các mối đe dọa về y tế một cách nhanh chóng hơn, dù các mối đe dọa này xảy ra ở bất cứ nơi nào, đồng thời xây dựng các mối quan hệ chủ chốt nhằm giải quyết những ưu tiên chung về y tế.

Phó Tổng thống Harris tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ với hợp tác an ninh y tế khu vực và nhắc lại những lời kêu gọi hành động về công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ Xavier Becerra cho biết: “Thông qua văn phòng này, chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các đối tác khu vực nhằm chia sẻ các chiến lược và tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm hiện nay và trong tương lai. Thành tựu này là kết quả của nhiều năm hợp tác cấp cao giữa các chính phủ của chúng ta. Đây cũng là một cơ hội quan trọng cho các quốc gia chúng ta cùng nhau thảo luận các ưu tiên an ninh y tế chung”.

Giám đốc CDC, Tiến sĩ Y khoa Rochelle Walensky nhấn mạnh, CDC có sự hiện diện lâu dài ở khu vực Đông Nam Á. Văn phòng khu vực mới sẽ xây dựng dựa trên các quan hệ đối tác hiện có và giúp chúng ta cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.

“Quan hệ đối tác lâu dài của chúng tôi với các quốc gia trong khu vực ASEAN đã giúp tăng cường năng lực của các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng, các trung tâm ứng phó khẩn cấp, các hệ thống giám sát và tất cả các công cụ này đều đang được phát huy tối đa trong đại dịch hiện nay”, Tiến sĩ Y khoa Rochelle Walensky phát biểu tại lễ khai trương.

Được biết, những ưu tiên dành cho văn phòng khu vực mới này bao gồm: xây dựng lực lượng y tế công cộng cho tương lai, mở rộng đào tạo-tập huấn cho các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng trong khu vực, phát triển các chương trình sáng tạo nhằm cải thiện sức khỏe cho các nhóm dân số lưu động và di cư, bảo đảm công tác phối hợp đồng bộ ứng phó trước các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng thông qua mạng lưới các Trung tâm Điều hành ứng phó khẩn cấp, và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi và có nguồn gốc từ động vật.

Tiến sĩ Y khoa John MacArthur sẽ giữ cương vị Giám đốc CDC khu vực Đông Nam Á. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí này, Tiến sĩ MacArthur là Giám đốc quốc gia CDC Thái Lan trong hơn 6 năm. Ông đã dành tới một nửa thời gian trong sự nghiệp 23 năm tại CDC để tập trung cải cải thiện an ninh y tế tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc quản lý ngân sách hơn 100 triệu đô la trong lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm tập trung vào kiểm soát các bệnh sốt rét, lao, sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút Zika, bệnh cúm và COVID-19. Tiến sĩ MacArthur cũng từng đảm nhiệm vị trí Trưởng nhóm CDC phụ trách Sáng kiến phòng chống bệnh Sốt rét của Tổng thống Hoa Kỳ – một chương trình có nguồn ngân sách 620 triệu đô la mỗi năm với mục tiêu kiểm soát bệnh sốt rét tại khu vực Châu Phi cận Sahara và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Ngoài Văn phòng khu vực Đông Nam Á, CDC mới đây đã thành lập các văn phòng khu vực Đông Âu/Trung Á (đặt tại Gruzia), khu vực Trung Đông/Bắc Phi (đặt tại Oman) và khu vực Nam Mỹ (đặt tại Brazil).  

Cũng trong chiều 25/8, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala D. Harris đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận về địa điểm mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Khu phức hợp Đại sứ quán nằm ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội, rộng 3,2 héc ta với thiết kế cảm hứng từ Vịnh Hạ Long nằm ở phía đông bắc Việt Nam, và thể hiện cách tiếp cận hướng về tương lai, năng động, thích ứng và minh bạch trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Thiết kế cảnh quan của Khu phức hợp Đại sứ quán lấy cảm hứng từ truyền thống nông nghiệp trồng trọt và sản xuất lúa gạo, như địa hình của đồng bằng sông Mekong và đồng bằng sông Hồng, và có sự kết nối với lịch sử vốn có của khu vực mà Khu phức hợp tọa lạc, nơi vốn một cánh đồng lúa hồi đầu những năm 2000.

Về thiết kế của các tòa nhà, mục tiêu quan trọng của đội ngũ thiết kế là kết hợp chặt chẽ các yếu tố thiết kế từ cả Hoa Kỳ và Việt Nam, bao gồm các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Hoa Kỳ, Việt Nam và người Mỹ gốc Việt. Thiết kế của Đại sứ quán sẽ trở thành một biểu tượng vững chắc của mối quan hệ quan trọng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

“Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về địa điểm hiện tại cho trụ sở mới của Đại sứ quán vào năm 2019. Đầu năm nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho Hoa Kỳ thuê địa điểm và ban hành Quyết định Cho thuê đất. Lễ ký thỏa thuận thuê đất ngày hôm nay là kết quả của những cam kết này giữa hai quốc gia”, thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nêu rõ.

Về thời điểm tiến hành xây dựng, thông cáo cho biết, hiện quá trình lựa chọn và quy hoạch địa điểm đã hoàn thành. Dự án đang trong quá trình thiết kế nhằm kết hợp chặt chẽ các yếu tố về kiến trúc, an toàn và yêu cầu về quy mô để tạo ra một không gian làm việc đảm bảo an ninh, hiện đại và bền vững cho các cơ quan và nhân viên của Chính phủ Hoa Kỳ. Lễ động thổ sẽ diễn ra vào một thời gian phù hợp trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới