Sunday, June 2, 2024
Trang chủBiển nóngCạnh tranh chiến lược TQ - Mỹ tại khu vực Biển Đông...

Cạnh tranh chiến lược TQ – Mỹ tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông

Ngày 08/9/2021, Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đã cho công bố Báo cáo cho tiêu đề “Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc – Mỹ tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông” do chuyên gia trong lĩnh vực hải quân Mỹ Ronald O’Rourke chuẩn bị. Chúng tôi xin giới thiệu tổng quát Báo cáo này cũng như sẽ lần lượt giới thiệu một số phần cụ thể trong Báo cáo.

Ảnh minh họa: Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz phối hợp hành động trên Biển Đông ngày 09/02/2021. USS Nimitz (CVN 68) – Petty Officer 3rd Class Elliot S

Trong vài năm gần đây, Biển Đông đã trở thành một đấu trường của cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông – bao gồm việc xây dựng các đảo nhân tạo quy mô lớn và các hoạt động dựa trên các công trình xây dựng tại các vị trí mà nước này chiếm giữ ở Trường Sa cũng như hành động của các lực lượng trên biển của nước này nhằm khẳng định các yêu sách của mình chống lại các quốc gia láng giềng khác như Philippines và Việt Nam đã làm gia tăng mối quan ngại của giới quan sát của Mỹ về việc Trung Quốc đang giành được việc việc kiểm soát hữu hiệu Biển Đông, một khu vực có tầm quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược đối với Mỹ, các đồng minh và các đối tác của nước này. Các hành động của các lực lượng trên biển của Trung Quốc  tại khu vực đảo Senkaku do Nhật quản lý ở biển Hoa Đông cũng là mối quan ngại cho giới quan sát Mỹ. Việc thống trị vùng biển gần của Trung Quốc – Biển Đông và Hoa Đông, cùng với Hoàng Hải, có thể tác động một cách thực chất đến lợi ích kinh tế, chính trị và chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Các mục tiêu chung của cạnh tranh Mỹ – Trung ở khu vực Biển Đông, Hoa Đông bao gồm, song không chỉ giới hạn trong việc: thực hiện đầy đủ các cam kết an ninh của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả các cam kết theo các hiệp ước đối với Philippines và Nhật Bản; duy trì và tăng cường cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ dẫn dắt ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm quan hệ an ninh của Mỹ với các đồng minh theo thoả thuận và các đối tác; duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực có lợi cho Mỹ và các đồng minh, đối tác của mình; bảo vệ nguyên tắc giải quyết hoà bình tranh chấp và chống lại sự nổi lên của việc lựa chọn cách tiếp cận “sức mạnh tạo ra lẽ phải” trong quan hệ quốc tế; bảo vệ nguyên tắc tự do biển cả, hay còn được gọi cách khác là tự do hàng hải; ngăn cản Trung Quốc trở thành kẻ bá quyền khu vực ở Đông Á và việc theo đuổi các mục tiêu này là một phần của chiến lược lớn hơn của Mỹ – cạnh tranh một cách chiến lược và quản lý quan hệ với Trung Quốc.

Các mục tiêu cụ thể của cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông có thể bao gồm, song không chỉ giới hạn ở: ngăn cản Trung Quốc triển khai thêm các hoạt động xây dựng các căn cứ ở Biển Đông, đưa thêm quân, các trang thiết bị quân sự và nguồn cung cấp đến các căn cứ mà nước này chiếm đóng tại Biển Đông; khởi động việc xây dựng đảo nhân tạo hoặc các hoạt động xây dựng căn cứ tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông; tuyên bố đường cơ sở thẳng bao quanh các cấu trúc mà nước này yêu sách ở Biển Đông hoặc tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ); khuyến khích Trung Quốc giảm hoặc dừng hoạt động của các lực lượng trên biển tại khu vực đảo Senkaku; dừng các hành động nhằm tạo áp lực chống lại các đảo, vị trí mà Philippines chiếm giữ ở Trường Sa, tạo điều kiện để ngư dân của Philippines được phép tiếp cận nhiều hơn đối với vùng nước xung quanh bãi cạn Scarborough hoặc ở khu vực Trường Sa; chấp thuận định nghĩa của Mỹ/Phương Tây liên quan đến tự do hàng hải, chấp nhận và chịu ràng buộc bởi Phán quyết của Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016.

Đối với Quốc hội Mỹ (cả Thượng viện và Hạ viện), vấn đề là liệu chiến lược của Chính quyền Mỹ về cạnh tranh một cách chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, Hoa Đông là thích hợp và đã được chuẩn bị một cách chính xác về nguồn lực hay không và liệu Quốc hội có cần chuẩn y hoặc sửa đổi chiến lược, mức độ các nguồn lực cho việc thi hành chiến lược này hoặc cả hai hay không. Các quyết định mà Quốc hội có thể đưa ra đối với những vấn đề này có thể ảnh hưởng một cách thực chất đến các lợi ích kinh tế, chính trị và chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới