Friday, January 3, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnBộ Ngoại giao Malaysia triệu Đại sứ TQ tới phản đối cho...

Bộ Ngoại giao Malaysia triệu Đại sứ TQ tới phản đối cho tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế

Ngày 4/10, Malaysia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Kuala Lumpur tới Bộ Ngoại giao để phản đối việc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Tàu khảo sát biển xa Đại Dương (Da Yang Hao) của Trung Quốc vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 5/10, Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 4/10 đã ra thông cáo cho biết sự phản kháng của Malaysia nhắm vào việc các tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu khảo sát biển, xuất hiện trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Malaysia ở phía đông Sabah và Sarawak. Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố hoạt động của các tàu Trung Quốc này không phù hợp các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Malaysia không nói rõ thời điểm các tàu Trung Quốc này bị phát hiện thấy trong vùng biển của Malaysia.

Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố rằng “Lập trường nhất quán và hành động của Malaysia là dựa trên luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng tôi trong vùng biển của mình”.

Trang tin Dwnews cho biết thêm, vào tuần trước, một số cơ quan truyền thông đã đưa tin một tàu điều tra của Trung Quốc đã tiếp cận một tàu khoan dầu của công ty khai thác dầu khí Petronas ở vùng biển Malaysia gần bờ bang Sabah.

Theo tờ Barron Weekly của Malaysia, sau khi tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia mà Trung Quốc tranh chấp ở Biển Đông, Malaysia hôm thứ Hai (4/10) đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này để phản đối.

Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết trong một tuyên bố rằng chính phủ Malaysia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Âu Dương Ngọc Tịnh (Ouyang Yujing) tới để bày tỏ lập trường và phản đối sự có mặt và hoạt động của các tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Bộ Ngoại giao Malaysia cáo buộc tàu Trung Quốc đã vi phạm luật pháp địa phương và luật quốc tế khi đi vào gần bờ biển Sabah và Sarawak.

Động thái hôm thứ Hai 4/10 là lần thứ hai trong năm nay Malaysia triệu tập đại diện Trung Quốc tới để phản đối các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển đang gây tranh cãi.

Lần trước, vào tháng 6 năm nay, Malaysia đã điều động các máy bay chiến đấu ngăn chặn 16 máy bay quân sự của Trung Quốc xuất hiện gần Borneo, các máy bay này xuất hiện ở vùng trời Biển Đông, nơi Malaysia có lãnh thổ chồng lấn với Trung Quốc.

Malaysia sau đó đã triệu đại diện sứ quán Trung Quốc tới phản đối, cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của họ, trong khi Trung Quốc cho rằng chuyến bay này là một cuộc huấn luyện thường xuyên.

Quan hệ Trung Quốc – Malaysia thường là ôn hòa, nhưng những sự kiện căng thẳng xảy ra trên biển gần đây đã ảnh hưởng đến quan hệ Bắc Kinh – Kuala Lumpur. Vùng biển tranh chấp giữa hai bên là nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng đi qua, cũng là nơi được cho là có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú.

Bộ Ngoại giao Malaysia hôm thứ Hai cũng đã đưa ra một tuyên bố, nêu rõ: “Lập trường nhất quán và hành động của Malaysia dựa trên luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển của chúng tôi” và bổ sung “Malaysia phản đối sự xâm phạm trước đó của các tàu nước ngoài”.

Barron Weekly viết, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và xây dựng phi pháp nhiều tiền đồn quân sự trên các đảo và bãi san hô, khiến các nước khác cũng có yêu sách chủ quyền trên vùng biển này như Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei tức giận.

Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố rằng vấn đề Biển Đông rất phức tạp và có liên quan đến mối quan hệ giữa các nước. Lợi ích quốc gia của Malaysia sẽ là cơ sở quan trọng để Malaysia quyết định lập trường và phương châm hành động về Biển Đông. Đồng thời tái khẳng định, tất cả các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và xây dựng, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Một nguồn thạo tin cho biết, trong những ngày qua, tàu khảo sát biển mang tên Đại Dương (Dayang hao) đã di chuyển xuyên qua vùng đặc quyền kinh tế của ba nước, trong đó vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, có lúc tiến đến sát tàu khoan dầu West Capella của Malaysia đang hoạt động. Hộ tống tàu thăm dò Đại Dương có tàu Hải cảnh 6307 và ít nhất 5 tàu dân quân biển của Trung Quốc. Nguồn tin này nói, các tàu Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Malaysia từ hôm 30/9.

RELATED ARTICLES

Tin mới