Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngXung đột trên biểnQuân đội VIỆT NAM có "võ" hạ UAV

Quân đội VIỆT NAM có “võ” hạ UAV

Máy bay tàng hình (MBTH) là phương tiện tấn công đường không (PTTCĐK) nguy hiểm bậc nhất trong thế kỷ 21 đối với các hệ thống phòng không Việt Nam và trên thế giới.

Máy bay ném bom tàng hình F-117 đã khiến phòng không Iraq bất lực trong cuộc chiến năm 1991.

Hiện nay, với nhiều kiếu loại máy bay tàng hình (MBTH) mới, lại được trang bị vũ khí chính xác cao (VKCXC) và số lượng ngày càng tăng mạnh, chúng là 1 thử thách cực lớn đối với mọi quốc gia, bao gồm cả phòng không Việt Nam trong việc bảo vệ đất nước.

Kẻ thù nguy hiểm mới trên bầu trời

Từ khi công nghệ tàng hình được các nước phương Tây áp dụng vào việc thiết kế, chế tạo các loại máy bay chiến đấu thì cuộc đua tàng hình và chống tàng hình càng trở nên quyết liệt.

Mỹ là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chế tạo MBTH với những loại nổi tiếng như F-117, MBTH đầu tiên trên thế giới được trang bị vào năm 1983 với 59 chiếc, từng tham chiến ở vùng Vịnh năm 1991, ném quả bom điều khiển bằng lade khai chiến vào thủ đô Baghdad của Iraq.

Trong cuộc chiến này không có chiếc F-117 nào bị bắn rơi dù hệ thống phòng không Iraq là cực mạnh với các loại radar và tên lửa phòng không (TLPK) đời mới hơn và số lượng nhiều gấp 3 lần Phòng không Việt Nam (PKVN) thời chống Mỹ.

Tiếp theo là các loại như B-2 (từ 1991, 21 chiếc), F-22 (từ 2005, 187 chiếc chỉ trang bị cho QĐ Mỹ) và mới nhất là F-35 (đã xuất xưởng hơn 550 chiếc) được trang bị cho KQ Mỹ từ năm 2011 và dự kiến sẽ lên tới hơn 1.760 chiếc thay thế cho nhiều loại máy bay khác trong trang bị hiện nay.

Mỹ đang sản xuất thử 5 chiếc máy bay ném bom tàng hình B-21 chiến lược tầm xa và dự kiến sẽ cất cánh lần đầu tiên vào giữa năm 2022. Không quân Mỹ có kế hoạch mua 100 chiếc B-21 để thay thế các loại máy bay ném bom cũ đang dần hết hạn…

Số lượng MBTH trong QĐ các nước khác trên thế giới cũng đang không ngừng tăng lên. Chế tạo MBTH không hề dễ nên nhiều nước đều chọn phương án đơn giản nhất: đi mua.

Mỹ đã và sẽ bán cho 1 số nước đồng minh loại F-35 tối tân nhất (Anh 138 chiếc, UAE 50 chiếc, Ba Lan 32 chiếc, Úc 100 chiếc, Israael hơn 100 chiếc…).

Nga cũng đang chế tạo các loại MBTH Su-57 và Su-75 Checkmate với số lượng hàng trăm chiếc để trang bị cho KQ của mình và xuất khẩu ra nước ngoài.

Đặc biệt, các nước châu Á cũng đặt mua và dự kiến trang bị loại F-35 (như Nhật 105 chiếc, Hàn Quốc 60 chiếc, Singapore, Indonesia…) hoặc tự chế tạo MBTH của mình như Trung Quốc với các loại J-20, J-31… với số lượng không được công bố.

Trong thời kỳ chiến tranh ở miền Bắc VN, với số lượng hơn 1.000 máy bay chiến đấu thông thường, KQ Mỹ đã tổ chức những đợt không kích quy mô lớn 250-300 phi vụ/ngày, gây thiệt hại lớn cho ta nhưng cũng bị tổn thất nặng vì lực lượng PKVN được trang bị tương ứng vẫn phát hiện và bắn hạ được các loại máy bay đó.

Tuy vậy, đến chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 thì đã có sự thay đổi lớn khi xuất hiện các loại vũ khí mới: MBTH và tên lửa hành trình (TLHT).

Lực lượng Liên quân chỉ với 44 chiếc F-117 mang VKCXC đã thực hiện 1.271 phi vụ oanh tạc ban đêm, đồng thời phóng khoảng 300 TLHT loại Tomahoc từ tàu chiến và loại AGM-86 từ B52.

Hậu quả là, chỉ trong vòng 1 tuần đầu tiên đã làm cho 90% lực lượng PK Iraq bị vô hiệu hóa, sau đó để bộ binh và xe tăng Iraq phải chịu mưa bom bão đạn của hơn 1.500 chiến đấu cơ thông thường trong suốt 1 tháng, rồi cuối cùng dẫn đến thất bại trên bộ chỉ trong 4 ngày…

Kịch bản tác chiến “không-bộ” này đã được lặp lại trong 1 số cuộc chiến sau đó trên thế giới và có lẽ là cả trong tương lai ở thế kỷ 21 này.

Hiện nay, với số lượng MBTH ngày càng nhiều, mang theo các loại VKCXC tối tân, bên tấn công hoàn toàn có thể tiến hành các đợt không kích lớn như vậy và mạnh hơn vào các đối thủ khác mà lực lượng PK đối phương khó có thể cản phá vì không phát hiện và bắn hạ được các loại MBTH bằng các khí tài PK thông thường hiện có.

Ngay tại khu vực châu Á-TBD, viễn cảnh 1 cuộc xung đột quân sự với đòn không kích ban đêm bất ngờ của hàng chục, thậm chí là hàng trăm MBTH trang bị VKCXC vào 1 số mục tiêu quan trọng đang ám ảnh nhiều quốc gia ở đây.

Nguy cơ các hệ thống PK đang dần trở nên vô dụng trong các cuộc chiến sắp tới trước kẻ thù mới cực kỳ nguy hiểm – MBTH.

Vũ khí nào để chống máy bay tàng hình?

Muốn đối phó và bắn hạ được MBTH thì trước tiên phải làm sao phát hiện được chúng. Hiện nay, radar là phương tiện chủ yếu của mọi hệ thống Phòng không để trinh sát, phát hiện các PTTCĐK của đối phương mà trước hết là các loại máy bay và tên lửa hành trình.

Cần nói thêm là MBTH không phải là có thể tàng hình được với tất cả các loại radar ở nhiều dải sóng khác nhau, nó chủ yếu là đối phó với các radar ở dải sóng cm là dải sóng có nhiều loại radar hoạt động, đặc biệt là các đài radar điều khiển hỏa lực tên lửa và pháo cao xạ cỡ trung 57 mm trở lên.

Ví dụ như F-35 được thiết kế để chống bị phát hiện bởi các radar tần số cao ở băng tần C, X và 1 phần băng tần S, tức là chủ yếu ở dải sóng ngắn 3-10 cm.

Trong lĩnh vực này thì Nga là nước đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các hệ thống phòng không và hiện nay đang đi đầu trong việc chế tạo các loại radar chống tàng hình cũng như các hệ thống TLPK hiện đại nhất đối phó với MBTH như S-350 Vytiaz, S-400 Triumf, S-500 và mới đây là S-550…

Một trong những hệ thống như thế là loại radar Struna-1 được phát triển từ năm 1999 và đã triển khai làm nhiệm vụ cảnh giới xung quanh thủ đô Moscow. Dựa trên công nghệ radar mới, Struna-1 được cho là có khả năng phát hiện các MBTH thế hệ thứ năm như F-22 và F-35, với phạm vi tới 400-500 km.

Đây là một hệ thống radar bao gồm các máy phát và máy thu được đặt ở 2 vị trí xa nhau chứ không phải như các loại radar thông thường trước đây khi máy phát và máy thu đều được đặt ở cùng một vị trí.

Máy phát và máy thu của Struna-1 có thể ở cách xa tới 50 km và cho phép phủ sóng nhiều hơn khi phát hiện được cả những sóng radar bị MBTH làm chệch hướng.

Phương pháp này sẽ làm tăng tín hiệu phản xạ radar của một máy bay lên khoảng ba lần. Ưu điểm quan trọng nữa là các máy thu và phát của Struna-1 có công suất thấp và không phát ra nhiều bức xạ nên sẽ khó bị các tên lửa chống bức xạ tấn công hơn các loại radar thông thường.

Nhược điểm của Struna-1 là chỉ có thể phát hiện được các mục tiêu bay ở độ cao dưới 7 km với vùng phủ sóng khá hẹp nên Struna-1 không thể thay thế hoàn toàn các radar cảnh giới thông thường.

Sự kết hợp giữa Struna-1 với các radar truyền thống sẽ tạo nên mạng lưới cảnh giới hoàn hảo và có thể khiến các loại MBTH phải hiện nguyên hình từ xa…

Trong KCCM, Binh chủng Radar VN đã sử dụng hiệu quả các loại radar dải sóng m (P-10, P-12, P-14…), dải sóng dm (P-15, P-19) và dải sóng cm (PRV-11, P-30, P-35…và các đài điều khiển hỏa lực tên lửa cũng như pháo cao xạ từ 57 mm trở lên).

Nhờ bí kíp này, chúng ta đã kịp thời phát hiện hàng vạn tốp mục tiêu các loại giúp cho bộ đội PK-KQ đánh chặn và tiêu diệt hàng ngàn máy bay đối phương khi chúng bay vào đánh phá miền Bắc.

Lúc đó, các loại máy bay địch đều có diện tích phản xạ radar (DTPXR)>1m2 đúng với tính năng kỹ thuật của các loại radar mà Liên Xô viện trợ cho ta.

Các vũ khí, khí tài PK này hiện vẫn đủ khả năng đối phó với những loại chiến đấu cơ thông thường nhưng với MBTH thì cần phải cải tiến 1 số tính năng kỹ thuật và trang bị thêm các loại khí tài mới.

Trên thế giới, nhiều nước cũng rất chú trọng nghiên cứu và phát triển radar chống tàng hình như Tiệp Khắc (Czech) từ năm 1987 đã có loại radar thụ độngTamara và sau đó là Vera-E có thể phát hiện F-117 và B-2 ở cự ly tới 250 km.

Đức có radar thụ động Twinvis đã phát hiện được 2 chiếc F-35 của Mỹ ở cự ly 150 km tại triển lãm hàng không Berlin năm 2018.

Trung Quốc tại triển lãm Radar tháng 4/2021 vừa giới thiệu 3 loại radar mới là SLC-7 (sử dụng máy quét phương vị kỹ thuật số chủ động), JY-26 và YLC-8E mà theo họ có thể phát hiện được mọi loại MBTH, bao gồm cả F-35 mới nhất của Mỹ…

Việc phát hiện MBTH là rất khó và bắn hạ được nó chắc chắn là khó hơn nhưng không phải là không thể.

Với radar công nghệ mới cũng như sự cải tiến đối với các loại radar kiểu cũ có bước sóng dài ở dải sóng m vốn có khả năng phát hiện MBTH tốt hơn radar dải sóng cm…thì MBTH cũng sẽ bị nhận diện.

Nếu radar phát hiện được mục tiêu thì các hệ thống TLPK hoặc máy bay đánh chặn sẽ được chỉ thị mục tiêu chính xác để bắn hạ chúng.

Trong cuộc chiến năm 1999, lực lượng PK Nam Tư chỉ có các hệ thống radar và TLPK kiểu cũ của Liên Xô nhưng đã kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp để phát hiện và lần đầu tiên bắn hạ được loại MBTH của Mỹ.

Đêm 27/3/1999, phát hiện được mục tiêu ở cự ly 23 km, tổ hợp tên lửa Pechora (SAM-3) đã bám sát và bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-117 ở cự ly 11 km, độ cao 8.000m. Tuy vậy chiến công đơn lẻ này không làm đối phương chùn bước và không thay đổi được kết quả cuộc chiến: lực lượng NATO vẫn giành được chiến thắng.

Rõ ràng là phải bắn hạ được MBTH nhiều hơn nữa trong các cuộc chiến tương lai thì bên phòng thủ mới hy vọng giành lại chiến thắng…

Tất cả các loại vũ khí PK đều có thể tham gia đánh MBTH với xác suất diệt mục tiêu khác nhau, nhưng cho đến nay, ngoài 1 chiếc F-117 bị TLPK bắn rơi năm 1999 nói trên thì chưa có thông tin nào nói về các loại vũ khí khác bắn hạ được MBTH, kể cả những loại TLPK mới nhất.

Việc sử dụng KQ tiêm kích và pháo cao xạ đánh trả MBTH ban đêm cũng là 1 bài toán rất hóc búa nên sẽ được đề cập đến trong 1 bài viết khác.

Bài viết này chỉ gợi mở vấn đề về 1 trong những lực lượng chủ yếu để diệt MBTH là các tổ hợp TLPK được trang bị khá rộng rãi hiện nay. Đây phần lớn là các loại TLPK đã ra đời từ trước khi có công nghệ tàng hình (để đối phó với các PTTCĐK có DTPXR>1m2) và đang là trụ cột của các hệ thống PK trên thế giới.

Vì vậy, xu hướng quan trọng trước mắt là phải nâng cấp các loại TLPK có sẵn để đối phó với MBTH vì không thể mua mới hoặc thay thế hết ngay các loại vũ khí, khí tài PK trong trang bị.

Đây là hướng giải quyết phù hợp nhất và kịp thời cho các nước nghèo vì giá 1 bộ khí tài TLPK mới rất đắt đỏ và nếu chỉ mua 1-2 bộ thì cũng không đủ khả năng bảo vệ toàn bộ các khu vực quan trọng của mình.

Việc nâng cấp, cải tiến này về kỹ thuật sẽ được thực hiện riêng đối với từng loại khí tài cụ thể mà chúng ta đã có kinh nghiệm làm cùng với các chuyên gia Liên Xô từ thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ.

Thực tế chiến đấu của phòng không Việt Nam cho thấy khi được cải tiến thích hợp thì vũ khí, khí tài cũ như tên lửa SAM-2 vẫn có thể diệt được các loại PTTCĐK mới nhất lúc đó như F-111 cánh cụp, cánh xòe hay B-52 G/H đời cuối với đủ loại nhiễu điện tử dày đặc…

Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục phương châm “phòng tránh, đánh trả”, tức là luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán, ngụy trang, nghi binh…để giảm thiệt hại trước đòn tấn công ồ ạt ban đầu của MBTH và kết hợp đánh trả bằng các vũ khí của lực lượng PK chủ lực và địa phương tại vùng chiến.

Xu hướng nữa, lâu dài và tốn kém hơn đối với các cường quốc là chế tạo các tổ hợp TLPK mới hoàn toàn để chống MBTH với hiệu quả cao nhất.

Ví dụ, tổ hợp tên lửa phòng không S-400 có khả năng chống MBTH trong phạm vi 150-400 km nhờ tích hợp các radar chống tàng hình kiểu mới như radar toàn cảnh 91N6E và radar ProtivnikGE…

Vấn đề đối phó với máy bay tàng hình đang là thách thức rất lớn và còn kéo dài đối với các nước trên thế giới, trong đó có phòng không Việt Nam. Ngoài các biện pháp bước đầu nêu trên, còn cần nhiều thời gian và công sức hơn nữa để tiếp tục nghiên cứu giải quyết vấn đề hóc búa này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới