Thursday, November 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiIndonesia làm “nhạc trưởng”

Indonesia làm “nhạc trưởng”

Một cuộc họp với sự tham dự của đại diện 5 nước thành viên Asean có thể sẽ diễn ra vào tháng 2 năm 2022, theo đề xuất của Indonesia. 5 nước đó là: Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.

An ninh hàng hải Indonesia quan sát tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển Natuna.

RFA và giới truyền thông quốc tế công bố thông tin này vào ngày chót của năm 2021. Các quốc gia được mời gồm: Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam. Truyền thông Indonesia nêu rõ, người đứng ra mời, là ông Aan Kurnia, Phó Đô đốc, đồng thời là người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia. Người mời đã đóng hàm cấp đó, theo nguyên tắc đối đẳng ngoại giao, các quốc gia được mời, nếu nhận lời, cũng sẽ cử đại diện hàm tương đương tham dự. Như vậy, về mặt hình thức, đây sẽ không phải một cuộc họp quá quan trọng với hiện diện của những nhân vật chóp bu, nhưng trong thực tế, nội dung của nó, thì đố ai dám nghĩ là chuyện thứ yếu.

Thứ nhất, nội dung của cuộc họp, được nước chủ nhà Indonesia nêu, nhằm: “chia sẻ những kinh nghiệm và thúc đẩy tình anh em”, “đưa ra một cách tiếp cận phối hợp” đối với các vấn đề ở Biển Đông và “cách thức ứng phó trên thực địa khi chúng ta phải đối mặt với những hành động quấy nhiễu giống nhau”. Dù không đề cập ai là kẻ quấy nhiễu, nhưng kiểu “nói khéo” của ông Aan Kurnia cũng chẳng khác mấy việc lôi Trung Quốc ra mà chỉ thẳng vào mặt. Và thông điệp rút ra là: Indonesia đã tới lúc cũng phẫn nộ lắm rồi đấy!

Thứ hai, 5 quốc gia khách mời, cùng nước chủ nhà Indonesia, thành 6 – chiếm quá nửa 10 nước thành viên Asean. Thế nên, nếu như đạt được một tuyên bố chung (hay một cái gì đó có ý nghĩa tương tự) phê phán Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng, phức tạp ở Biển Đông những năm qua, thì cũng khá là nặng đồng cân. Cái sự nặng đồng cân đó khiến cộng đồng quốc tế và Trung Quốc không thể coi thường.

Thứ ba, việc Indonesia bỗng chủ động đứng ra tổ chức cuộc họp này nói lên thật nhiều điều. Lâu nay, Indonesia không coi mình như một quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Như một chủ trương nhất quán về ngoại giao, Indonesia cố tránh xảy ra một sự căng thẳng; càng cố để không rơi vào tình thế đối đầu với Trung Quốc. Đó là chưa kể, trong tính toán của Jakarta, Trung Quốc còn là một đối tác thương mại khồng lồ mà nước này cần tranh thủ.

Tuy nhiên, Jakarta như cái cây vậy; “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Trung Quốc, sau khi biến các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia thành nạn nhân với các hành động gây hấn, uy hiếp, quấy nhiễu ngang ngược, vài năm năm nay bắt đầu ngắm nghía “quốc gia vạn đảo”. Người Indonesia hẳn chưa quên và không thể chấp nhận, Trung Quốc cứ đều cho tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển Natuna mà Indonesia đang kiểm soát, như biển nhà của họ. Từ năm 2016 đến nay, vài bận, căng thẳng tại khu vực này khiến đích thân ông tổng thống Widodo phải to tiếng với Bắc Kinh.

Gần đây nhất, tiếp theo vụ cho tàu quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Indonesia ở phía Bắc Natuna Besar giữa năm ngoái, Bắc Kinh còn trịch thượng gửi thư cho Bộ Ngoại giao Indonesia, yêu cầu nước này dừng hoạt động tại một giàn khoan ngoài khơi “vì nó đang diễn ra trên lãnh hải Trung Quốc”.

Cái gọi là “lãnh hải” mà Trung Quốc nhận của mình, là khu vực ngoài khơi biển Bắc Natuna mà Indonesia đã đặt tên từ năm 2016 và đang nắm quyền kiểm soát…Thế nên, với “vụ thư” Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi Bộ Ngoại giao Indonesia, như nhiều người bình luận, Jakarta có thể coi như “lằn ranh đỏ” mà Bắc Kinh đang mon men vượt qua.

Và cũng vì thế, lần này, Jakarta đã quyết đoán tập làm nhạc trưởng, “vung cây đũa chỉ huy”, lệnh cho ông Aan Kurnia, trong ngày cuối năm mời Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam ngồi vào bàn họp với nội dung nêu trên vào tháng 2 năm 2022.

Đ.T

RELATED ARTICLES

Tin mới