Hôm 12/1, Mỹ tung tài liệu chi tiết nhất từ trước tới nay, bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong tài liệu 47 trang, Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế đối với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
“Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp hoặc một số hình thức độc quyền tài phán đối với hầu hết Biển Đông. Các tuyên bố này làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền trên các đại dương và nhiều quy định được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982”, tài liệu nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bắc Kinh “ngừng các hoạt động phi pháp và cưỡng chế ở Biển Đông”.
Tài liệu trên là bản cập nhật nhật của một nghiên cứu năm 2014, trong đó tranh luận về cái gọi là “đường chín đoạn” của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ các yêu sách bành trướng hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông do không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Tòa Trọng tài cho rằng, Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp trong khu vực được xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Bắc Kinh phớt lờ phán quyết này, đưa ra thêm các lý lẽ mới, bao gồm cả việc nói Trung Quốc có “quyền lịch sử” đối với khu vực này.
Tài liệu mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định những tuyên bố “dựa trên lịch sử” của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.
Theo tài liệu này, Trung Quốc viện dẫn lý lẽ của mình để tuyên bố chủ quyền với bốn nhóm đảo, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng chúng không đáp ứng các tiêu chí về đường cơ sở theo công ước của Liên hợp quốc.
Tài liệu trên được công bố trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc đang ngày càng thách thức Mỹ trên toàn cầu. Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Mỹ leo thang căng thẳng thông qua các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông, trong khi Mỹ và đồng minh tuyên bố hành động của họ hoàn toàn hợp pháp.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden từng khẳng định ủng hộ chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump về việc bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra đối với Biển Đông.
T.P