Ngành du lịch đang đứng trước thời cơ vàng khi được phép mở cửa hoạt động trở lại tuy nhiên để đảm bảo an toàn, hiệu quả cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Bùng nổ nhu cầu
Chỉ trong 7 ngày Tết, Bình Định đón gần 160.000 lượt khách, tăng 40% so với năm ngoái. Chỉ trong 2 tháng, lượng khách đạt gần 650.000 khách, tăng 37% cùng kỳ. Người dân đã chuẩn bị sẵn sàng để đón khách trong và ngoài nước trở lại từ đầu tháng 3, đặc biệt khi tỉnh đang đẩy mạnh phủ 3 mũi vaccine cho người dân.
“Từ trưa mùng hai Tết, khách các tỉnh ồ ạt về đây. Cơ sở lưu trú, hàng quán ăm ắp du khách. Giá cả vẫn được duy trì bình ổn”, ông Trần Văn Thanh, giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết.
Theo số liệu từ Vụ Lữ hành, dịp Tết vừa qua là sự khởi đầu ấn tượng của hoạt động du lịch với 6,1 triệu khách du lịch nội địa, 3,2 triệu khách lưu trú. Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) công bố dữ liệu cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Người ta khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước”.
Nhận xét về lộ trình mở cửa của du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng: “Chúng ta có thể tự tin với quyết định mở cửa ngành du lịch vì chúng ta có những điều kiện có thể cạnh tranh như tài nguyên dồi dào, hấp dẫn, có tiềm năng cạnh tranh mạnh mẽ. Ngay dịp Tết, cả nước có 6,2 triệu lượt khách du lịch trong 9 ngày, cho thấy tâm thế sẵn sàng đi du lịch của người Việt Nam”.
Chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2 đã đón gần 9.000 khách quốc tế. 9 ngày tết đã đón được 6,1 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu là 25.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch thông tin.
Sẵn sàng đón khách
Để đón khách từ 15/3, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị và các giải pháp để đảm bảo việc mở cửa du lịch sẽ không bị đóng lại. Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch đánh giá, về du lịch nội địa, các doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhu cầu người dân rất cao, minh chứng ở kết quả du lịch dịp Tết Nguyên đán.
Ông Đức nhấn mạnh, giai đoạn này, một là các doanh nghiệp phối hợp với nhau, làm mới sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới; hai là đẩy mạnh truyền thông để kích hoạt nhu cầu của người dân, khẳng định ngành du lịch an toàn với những sản phẩm phù hợp. Về du lịch quốc tế, ông Đức nhấn mạnh các cơ quan, ban ngành nên có những chương trình riêng để thu hút du khách cả ngắn hạn và dài hạn.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cần chuẩn bị trước hết là sản phẩm – vốn là cái gốc của du lịch. “Sản phẩm sau Covid-19 phải khác trước Covid-19, không theo phong trào mà phải dựa trên bản chất, sự hấp dẫn, phải là sản phẩm mới”, ông nói.
Ông Bình ví dụ như các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ, liên quan đến thể thao như golf, chạy marathon. Ngoài ra cần chú ý đến các vấn đề về môi trường, nhân lực sau Covid-19.
Ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC kiến nghị, cần một quy trình toàn diện, có sự chung tay của các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, sự nhất quán về chính sách sẽ là giải pháp hữu hiệu, giúp du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng với kịch bản tích cực nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch – ngành kinh tế vàng của Việt Nam bứt phá, khi các du khách quốc tế đặc biệt đánh giá cao yếu tố an toàn trong điểm đến du lịch,.
Đề xuất giải pháp mở cửa du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh về chất lượng sản phẩm. Sau hai năm chống dịch, cơ sở vật chất tổn thương nặng, nhiều trung tâm bỏ hoang, gây ra lãng phí, cần nâng cấp lại.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực được ông Khánh nhấn mạnh là rất quan trọng. Hơn 2,5 triệu lao động ngành du lịch phân tán nặng nề trong dịch, vì giãn cách xã hội mà phải chuyển ngành. Trong khi đó, nhu cầu du khách trở lại lớn nhưng đang thiếu nhân lực phục vụ. “Đây là phép thử cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi”, ông Khánh nói.
Cạnh tranh điểm đến cũng trở nên khốc liệt sau Covid-19. Theo Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh, Bình Định đứng thứ 13. Theo đó, xúc tiến quảng bá sẽ đóng vai trò quan trọng, là căn cứ thông tin chính thống cho các doanh nghiệp làm việc với đối tác.
Đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết sẽ hoàn thiện các thông tin cơ bản về phương án, lộ trình mở cửa du lịch đến 15/3, trong đó có nhiệm vụ số hoá điểm đến, theo Nghị quyết 11 về phục hồi phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, các sản phẩm du lịch sẽ tiếp cận xu hướng số hoá.
Tổng cục Du lịch đang làm việc sơ bộ với các cơ quan thông tấn quốc tế như CNN, CNBC, hướng tới thị trường thị trường cao cấp, trung lưu. Tổng cục cũng đề xuất với bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về việc thành lập Văn phòng thí điểm xúc tiến du lịch Quốc gia.
T.P