Wednesday, January 22, 2025
Trang chủQuân sựXung đột và chiến tranh850 xe tăng lỗi thời không thể chặn nổi Nga: Ukraine lấy...

850 xe tăng lỗi thời không thể chặn nổi Nga: Ukraine lấy lượng bù chất và hậu quả trên chiến trường

Sau chiến dịch quân sự quy mô lớn của Nga nhằm vào Ukraine ngày 24/2, nhiều câu hỏi liên quan tới khả năng của các đơn vị xe tăng nước này đã dấy lên.

Mẫu xe tăng T-64 đã lỗi thời nhưng vẫn được quân đội Ukraine sử dụng làm tăng chủ lực.

Ukraine hiện đang sở hữu lực lượng xe tăng hùng hậu nhất châu Âu với khoảng 820 – 850 chiếc, gần 90% trong số này là các biến thể của xe tăng T-64, ước tính khoảng 720 – 750 chiếc đang hoạt động.

Lực lượng xe tăng của Nga thậm chí còn kinh khủng hơn, lớn nhất trên thế giới, nhưng ngoài những mẫu có từ thời Liên Xô cũ ra thì phần còn lại đều là những cỗ máy chiến đấu hiện đại và đa dạng.

Mặc dù đầu tư không ít vào lực lượng thiết giáp, nhưng Ukraine lại ưu tiên mạnh cho số lượng thay vì chất lượng, khi không có chiếc xe tăng mới nào được chế tạo kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ và cũng rất ít khi nâng cấp những cỗ tăng đã lỗi thời của mình. Trong khi đó, chi phí bỏ ra để vận hành một hạm đội tăng lỗi thời lớn như vậy có thể được sử dụng để cải tiến hay thậm chí mua thêm xe tăng mới.

Nhìn nhận khả năng chiến đấu của các đơn vị xe tăng Ukraine có thể cho chúng ta thấy rõ hậu quả từ sự lựa chọn không thông thái, và hậu quả đó có thể thấy rõ hơn nếu đặt trong bối cảnh chiến đấu giữa Ukraine với nước láng giềng, Nga.

Mặc dù Ukraine được kế thừa một trong những nhà máy chế tạo xe tăng cực lớn và tinh vi bậc nhất thế giới khi Liên Xô sụp đổ, đó là Nhà máy Malyshev với khả năng sản xuất 800 xe tăng/năm trong thời bình. Thế nhưng do nền kinh tế suy giảm trầm trọng nên kể từ sau khi cung cấp đơn hàng cho Pakistan vào giữa những năm 1990 đến nay, nhà máy này cho ra sản lượng không đáng kể và giờ cho ra lò được khoảng 6 chiếc xe tăng mỗi năm đã đủ chật vật.

Ukraine đã đưa ra một quyết định chưa từng thấy: họ giữ lại T-64 làm xe tăng chủ lực, trong khi mẫu T072 được xem là hiệu quả hơn về chi phí lại không được chọn. Điều này chủ yếu là do Nhà máy Malyshev chỉ sản xuất được T-64 và T-80, chứ không phải T-72, có nghĩa rằng 2 mẫu tăng trước sẽ được bảo trì và hiện đại hóa dễ dàng hơn. Thêm nữa, T-80 có chi phí vận hành cao hơn, bởi vậy mà bị Ukraine xếp vào trong kho.

Kết quả là, trong lúc Nga sản xuất ra hàng loạt những chiếc xe tăng T-90 sau khi Liên Xô sụp đổ, ngoài ra còn có những mẫu tăng hiện đại như T-80 và T-14, thì xe tăng của Ukraine trở nên lỗi thời, vài chiếc xe tăng mới mà Nhà máy Malyshev sản xuất ra chỉ để xuất khẩu.

T-64 là mẫu có từ giữa những năm 1960, và tất cả mọi biến thể của nó ở Ukraine đều bắt nguồn từ mẫu T-64B lần đầu tiên được biên chế vào năm 1976. Những cải tiến sau này của nó chỉ bao gồm hệ thống giáp phản ứng nổ (ERA) Kintakt-1 và một vài chi tiết giáp nhỏ nhặt ở bên ngoài. Thậm chí khi so sánh với cả những chiếc xe tăng thời Liên Xô thì xe tăng của Ukraine bây giờ vẫn còn có phần kém hơn, bởi lớp giáp của T-64 kém chất lượng hơn những xe tăng hàng đầu của Liên Xô cũ như T-80U, trong khi Kontakt-1 cũng quá tụt hậu bởi xe tăng hiện đại của Liên Xô cũ đã được lắp đặt Kontakt-5 từ giữa những năm 1980.

Mẫu xe tăng T-64BV đã hình thành nên phần lớn các đơn vị xe tăng của Ukraine, với khoảng 630-650 chiếc trong biên chế, và từ những năm 1980 thì mẫu này cũng đã bị coi là lỗi thời, chứ chưa nói đến chiến tranh hiện đại. T-64BV không có thiết bị quan sát hồng ngoại, có nghĩa rằng khả năng nhận thức tình huống của nó rất tệ, và khi kết hợp với lớp giáp mỏng yếu thì mẫu tăng này có thể chưa bắn được phát đạn nào đã bị tiêu diệt trên chiến trường, nếu phải đối đầu với các loại xe tăng hiện đại của thế kỷ 21.

Một biến thể mạnh mẽ hơn của T-64 là T-64BM. Nó sử dụng động cơ 850 mã lực được cải tiến để bù cho trọng lượng và tăng tính năng cơ động, mặc dù vẫn bị coi là kém hơn mức trung bình nếu đem so với xe tăng hiện đại. T-64BM tích hợp giáp phản ứng nổ Nizh và súng 125mm. Một mẫu cải tiến nữa là T-64BM2, được lắp động cơ 1.000 mã lực và thiết bị hồng ngoại – một tính năng được lắp đặt cho tăng T-80UK thời Liên Xô cũ và trên tất cả các xe tăng của Nga, thế nhưng mới được lắp đặt cho xe tăng của Ukraine từ năm 2020.

Ukraine hiện có khoảng 100 chiếc T-64BM và T-64BM2 được biên chế, và chỉ khoảng 12-24 chiếc T-64BM2. Phần còn lại của lực lượng xe tăng Ukraine chủ yếu là mẫu T-64BV lỗi thời. Gói nâng cấp của T-64BM2 được cho là rẻ hơn nhiều so với việc sản xuất mới mẫu T-80, thế nhưng Ukraine vẫn không có kế hoạch nâng cấp.

Ukraine còn sở hữu khoảng 100-120 chiếc T-72AV, và là một trong số những nước ít ỏi còn đang vận hành biến thể của phả hệ T-72A có từ những năm 1970. Đây là mẫu xe tăng bị coi là lỗi thời sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Ukraine đã xuất khẩu nhiều xe tăng T-72 của họ, và một trong số những khách hàng gây chú ý nhất từng sử dụng chúng trong chiến đấu là Nam Sudan. Những chiếc T-72 còn hoạt động được cho là tệ hơn cả T-64BV.

Cũng do quyết định không thông thái của mình mà Ukraine giờ sở hữu một đội hình xe tăng hoàn toàn lỗi thời, khó có thể gây ra bất cứ tổn thất nào cho những mẫu tăng tầm thấp trong lực lượng của Nga – như T-72B3M – chứ chưa nói đến các loại tăng tầm trung như T-90M.

Mặc dù đã cố gắng tiết kiệm chi phí bằng cách giảm số lượng xe tăng, rót thêm tiền cho hiện đại hóa, nhưng việc Ukraine lựa chọn số lượng thay vì chất lượng đã mang tới nhiều hậu quả lớn. Theo giới chuyên gia, Ukraine đáng lẽ ra nên sử dụng mẫu T-80 làm chủ lực thay vì để chúng mốc meo trong kho. T-80UD, một trong số những mẫu xe tăng mạnh mẽ nhất của Liên Xô trước đây, được sản xuất tại Nhà máy Malyshev và chắc chắn sẽ đáng tin cậy hơn khi đối phó với xe tăng Nga. Nhưng do chi phí vận hành mà chúng bị quân đội Ukraine cất trong kho, thay vào đó sử dụng số lượng lớn T-64, vốn có chi phí vận hành rẻ hơn. Ukraine có sản xuất thêm xe tăng T-80, bao gồm cả T-80UD và biến thể T-84 của nó, nhưng lại để xuất khẩu ra nước ngoài.

Ukraine cũng không chịu nâng cấp các xe tăng T-64 của họ lên T-64BM2 tiêu chuẩn với số lượng đủ, trong khi công nghệ cần thiết để nâng cấp chúng không hề mới. Thêm nữa, sự thiếu đầu tư vào phát triển các loại đạn xuyên phá để trang bị cho dòng T-64 cũng khiến cho sức mạnh của T-64BM2 trở nên nhỏ bé trước những xe tăng hiện đại của Nga.

Do xe tăng Nga có quá nhiều lợi thế trên chiến trường, nên xe tăng Ukraine gần như không thể gây ra thách thức nào cho địch thủ, và khi hứng chịu tổn thất ở một mức độ nào đó, binh lính Ukraine có thể sẽ lựa chọn rời bỏ xe tăng của họ để bảo toàn tính mạng.

Nếu như Ukraine chịu tinh giản lực lượng xe tăng bằng 1/5 số lượng như hiện nay, nhưng bao gồm khoảng 150-200 chiếc T-80UD, T-84 hay T-64BM2 được trang bị đạn xuyên giáp, chắc chắn lực lượng của họ sẽ mạnh mẽ hơn nếu như vận hành 850 chiếc xe tăng toàn những mẫu lỗi thời như T-64, T-72.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới