Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnQuốc tế đang viện trợ quân sự cho Ukraine như thế nào?

Quốc tế đang viện trợ quân sự cho Ukraine như thế nào?

Từ nhiều tuần nay, Tổng thống Ukraine Zelensky yêu cầu quốc tế tăng cường viện trợ vũ khí chống lại xe tăng và máy bay của Nga. Trong khi Berlin vẫn có khó khăn trong việc cung cấp vũ khí thì chính phủ nhiều nước khác giải quyết vấn đề này vừa nhanh vừa nhiều hơn. Trong đó có hai hệ thống vũ khí được đặc biệt quan tâm.

Đức đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Lúc đầu thì chỉ cung cấp mũ bảo hiểm và dụng cụ y tế, sau có giúp một ít vũ khí nhưng số lượng ít hơn nhiều so với số lượng đã hứa. Nhiều chính phủ khác giúp đỡ trên quy mô lớn và công khai điều này, một số khác lại thích im lặng. Sau đây là một cái nhìn tổng quan:

Hoa Kỳ

Tổng thống Volodymyr Zelensky vừa kết thúc bài phát biểu qua video trước Quốc hội Mỹ vào thứ tư tuần trước thì Tổng thống Joe Biden đã ký gói viện trợ 800 triệu USD cho Ukraine. Nhà Trắng nêu chi tiết những gì được cung cấp cho Kiev: trong đó có 800 hệ thống phòng không Stinger, 2.000 tên lửa chống tăng Javelin, 1.000 vũ khí chống tăng hạng nhẹ, 100 súng phóng lựu, 5.000 súng trường, 1000 súng lục, 400 súng máy và 400 khẩu súng ngắn, hơn 20 triệu viên đạn, 25.000 áo giáp và 25.000 mũ bảo hiểm. Theo Nhà Trắng, trước đó Hoa Kỳ đã bàn giao hơn 600 tên lửa Stinger và khoảng 2.600 hệ thống Javelin và ba tàu tuần tra cho Ukraine.

Hệ thống phòng không Stinger mà Ukraine được viện trợ

Hai tuần trước, Quốc hội đã thông qua ngân sách mới với đa số lưỡng đảng, cung cấp 13,6 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, cả kinh tế và quân sự. Hoa Kỳ đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ năm 2014. Hoa Kỳ thực hiện một chính sách thông tin minh bạch. Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng cả Hoa Kỳ và NATO đều không phải là một bên tham chiến. Ông muốn tránh một “cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba” với Nga.

Với sự minh bạch của viện trợ quân sự, Biden muốn chứng minh chính sách này. Mỹ đã từ chối cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu thời Liên Xô của Ba Lan, và vấp phải những lời chỉ trích rằng ông làm quá ít cho Ukraine. Tuy nhiên, Quốc hội đang lên tiếng kêu gọi can thiệp mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như giao máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Đông Âu

Litva, Latvia và Estonia là những nước có lực lượng quân đội nhỏ bé và kho dự trữ vũ khí hạn chế. Tuy nhiên đây lại là những nước đầu tiên cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ngay từ ngày 21 tháng 1, cả ba đã tuyên bố trong một tuyên bố chung rằng họ sẽ đáp ứng “các nhu cầu của Ukraine.” Cụ thể, vũ khí chống tăng và phòng không đã được chuyển giao cho Ukraine từ các nước Baltic. Với sự chấp thuận muộn của chính phủ Đức, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Estonia cũng có thể cung cấp súng cối từ các kho dự trữ của CHDC Đức.

Cộng hòa Séc là một trong những nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất cho Ukraine. Praha cũng đã chuyển quân nhu cho Ukraine từ hồi tháng Giêng, trong đó có cả đạn pháo. Hồi tháng Hai, Bộ Quốc phòng thông báo chuyển giao vũ khí trị giá hơn 16 triệu euro, gồm súng máy, đạn dược và nhiên liệu.

Nước láng giềng Ba Lan thậm chí còn làm được nhiều hơn thế, Ba Lan từ nhiều năm nay đã giúp Ukraine. Tuy chính phủ hầu như im lặng, hợp tác an ninh giữa Ba Lan và Ukraine đã tăng cường kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Sự hợp tác này bao gồm công tác huấn luyện, đào tạo; từ tháng 1 năm nay, Warsaw đã cung cấp một lượng lớn thiết bị quân sự, trong đó có vũ khí phòng không rất hiện đại của Ba Lan là Piorun. Theo thông tin từ Ukraine, 42.000 mũ bảo hiểm, súng cối, tên lửa chống tăng Javelin và thậm chí cả máy bay không người lái, cùng nhiều thứ khác, đã được Ba Lan chuyển giao ngay trong ngày 25/2.

Pháp

Paris giúp đỡ nhưng im lặng. Chính thức từ đầu chiến tranh Pháp cung cấp chủ yếu mũ bảo hiểm, áo chống đạn, thiết bị y tế và thiết bị chống bom mìn. Ngày 26 tháng 2, Bộ Quốc phòng đã đề cập đến “các chuyến hàng bổ sung vật tư và nhiên liệu quốc phòng.” Khái niệm “vũ khí” là điều cấm kỵ. Pháp viện dẫn bí mật quân sự, không đề cập chi tiết về việc chuyển giao hàng viện trợ, tránh không gây bất lợi cho quân đội Ukraine về mặt chiến lược. Paris cũng không muốn bị coi là một bên tham chiến. Khi các đối tác châu Âu như Đức công khai đề cập đến cung cấp vũ khí thì thậm chí còn bị Paris chê trách.

Được biết, Kiev đã gửi cho Pháp một bản yêu cầu viện trợ trong đó chủ yếu bao gồm tên lửa phòng không, hệ thống rà phá bom mìn và tên lửa chống tăng. Alexis Corbière đã cố ý nhỡ mồm tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình về việc cung cấp này. Là thành viên của ủy ban quốc phòng, nghị sĩ từ đảng Cánh tả France Insoumise lẽ ra không được tiết lộ cụ thể, chi tiết về vấn đề cung cấp này. Theo nhật báo Le Monde, tên lửa chống tăng là loại Milan của Pháp và Đức. Theo một nhà ngoại giao, Điện Elysee đã lệnh quân đội Pháp chỉ “giao hàng nhỏ giọt” để bỏ ngỏ các kênh đàm phán ngoại giao.

Italia

Quốc hội Ý đã quyết định chuyển giao thiết bị quân sự cho Ukraine theo hai bước. Quyết định đầu tiên ra ngày 25 tháng 2 đề cập đến cung cấp “phương tiện bảo vệ quân sự không gây chết người” trị giá 12 triệu euro. Ba ngày sau, có quyết định cung cấp vũ khí. Danh sách cụ thể, ngày giao hàng và thông tin về việc liệu tất cả các chuyến hàng đã đến Ukraine hay chưa đều được giữ kín.

Bộ Quốc phòng thông báo rằng NATO điều phối việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Báo chí Ý ước tính giá trị của số vũ khí được giao vào khoảng 100 đến 150 triệu euro. Trong số này có hàng trăm tên lửa phòng không Stinger và tên lửa dẫn đường chống tăng Spike, súng cối, súng máy và súng máy hạng nặng Browning. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng không bình luận về các vấn đề này và đề cập đến quyết định giữ bí mật của quốc hội.

Tây Ban Nha

Ban đầu chính phủ Tây Ban Nha chỉ muốn gửi vật tư quân sự cho Ukraine. Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, chính phủ đã thay đổi chính sách ngày 2 tháng 3, và Quốc hội đã thông qua các lô vũ khí được chuyển giao. Kết quả là trong hai ngày 4 và 5/3, 4 chiếc máy bay đã đưa những chuyến hàng đầu tiên đến Ukraine. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles, các lô hàng này gồm có 1.370 vũ khí chống tăng C90 của công ty Tây Ban Nha Instalaza và 700.000 viên đạn súng trường và súng máy hạng nhẹ. Tuy nhiên, các chuyến máy bay có thể đã chuyển cả các loại vũ khí khí khác mà bà bộ trưởng Robles không liệt kê vì lý do bảo mật.

Chính phủ thông báo sẽ cung cấp nhiều vũ khí hơn nữa, nhưng vẫn chưa công bố bất kỳ chi tiết nào. Tờ El País đưa tin phía Tây Ban Nha đang đàm phán với các nước thứ ba ở Đông Âu từng là khách hàng của các công ty vũ khí Tây Ban Nha. Mục đích là để họ tạm ứng một phần từ kho vũ khí của họ cho Ukraine, và phía các công ty vũ khí Tây Ban Nha sẽ bù đắp một cách sớm nhất.

Vương quốc Anh

Anh là nước châu Âu đầu tiên cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trước cuộc tấn công của Vladimir Putin hơn bốn tuần lễ, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace tuyên bố cung cấp 2.000 vũ khí chống tăng cho Đông Ukraine để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Nga có thể xảy ra. Tuần trước, Wallace xác nhận đã hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine 3.615 tên lửa dẫn đường chống tăng, được gọi là NLAW (Vũ khí chống tăng hạng nhẹ mới, trong hình), mà binh sĩ Ukraine gọi trại là “In Love”, theo Sunday Times. Tính đến tuần này đã có hơn 4.000 tên lửa NLAW được chuyển cho Ukraine.

Tên lửa dẫn đường chống tăng NLAW

Ngoài ra, London cung cấp một lô tên lửa chống tăng Javelin nhỏ hơn. Việc các binh sĩ Ukraine hát bài “God Save the Queen” trong quá trình triển khai chống lại quân đội của Putin đã nói lên rất nhiều điều. Người Anh nâng cấp sự ủng hộ của họ đến giới hạn của cái gọi là cung cấp “vũ khí phòng thủ”. Hiện Wallace cũng đã quyết định triển khai tên lửa tốc độ cao Starstreak, “cho phép các lực lượng Ukraine bảo vệ không phận của họ tốt hơn”. Khi được WELT hỏi, Bộ Quốc phòng Anh không tiết lộ Anh muốn chuyển giao bao nhiêu loại vũ khí này.

Thổ Nhĩ Kỳ

Trên các mạng xã hội Ukraine ngay từ những ngày đầu cuộc chiến đã có sự ca ngợi loại máy bay không người lái (drone) TB2 do hãng Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Thời kỳ đầu chúng gây nhiều thiệt hại cho quân đội Nga. TB2 được ví như Kalashnikov trên bầu trời, loại vũ khí này thuộc diện nồi đồng cối đá và rất hiệu quả. Drone được điều khiển bằng laser để phóng tên lửa loại nhỏ phá xe tăng, bệ phóng tên lửa và xe tải của Nga.

Ngày từ 2019 Thổ đã bán loại drone này cho Ukraine, số lượng không được tiết lộ. Các chuyên gia dự đoán con số này có thể lên tới hàng chục chiếc. Mùa đông năm ngoái, Vladimir Putin đã phàn nàn với người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan rằng các máy bay không người lái ở Donbass của Ukraine đang được sử dụng để chống lại Nga và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ có “hành vi khiêu khích” và “phá hoại”.

Israel

Câu hỏi về việc có cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi ở Israel. Các nhà bình luận nói về một “nghĩa vụ đạo đức”. Cả Ukraine và Nga đều có cộng đồng Do Thái lớn và nhiều mối quan hệ gia đình với Israel. Nhưng Jerusalem lại phụ thuộc vào sự hợp tác với quân đội Nga, lực lượng kiểm soát không phận ở nước láng giềng Syria. Iran đang trang bị vũ khí cho các nhóm như Hezbollah để có thể tấn công Israel từ phía bắc.

Không quân Israel phối hợp các cuộc tấn công ở Syria với Không quân Nga, do đó có sự lo ngại Putin có thể ngăn chặn sự hợp tác này. Đó là lý do tại sao Israel không chuyển giao bất kỳ vũ khí nào cho Ukraine, thậm chí cả hệ thống phòng thủ chống tên lửa huyền thoại “Vòm sắt” như thường được yêu cầu. Thay vào đó, Israel xây dựng và vận hành một bệnh viện dã chiến ở miền tây Ukraine và cung cấp viện trợ nhân đạo. Thủ tướng Naftali Bennett cũng đang làm trung gian giữa Nga và Ukraine. Theo một cuộc khảo sát của Viện Dân chủ Israel, 67% người Israel tán thành lập trường thận trọng của chính phủ nước này.

Liên minh châu Âu

Tổ chức có tên Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF) được sử dụng để cung cấp vũ khí cho các nước thứ ba nếu điều này phục vụ cho việc “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, “bảo vệ dân thường” và “tăng cường an ninh quốc tế”. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, Brussels cấp ngân sách đặc biệt cho 27 quốc gia thành viên (5,7 tỷ euro cho 5 năm tới) để họ có thể giao vũ khí cho các nước thứ ba và sẽ được bồi hoàn.

Một tỷ euro sẽ được dành cho Ukraine. Nhưng việc mua vũ khí không do Brussels tổ chức, mỗi quốc gia tự thực hiện. Các quốc gia cũng được tự do quyết định xem họ có muốn nhận tiền từ Brussels để đổi lại việc giao hàng hay không. Quy trình phê duyệt rất quan liêu. Theo quy định, các quốc gia thành viên phải ứng trước và sẽ được trả sau.

Tuy nhiên, cũng như ở Đức, có quá ít vũ khí nên các chính phủ đều phải đặt hàng. Điều này cần một khoảng thời gian. Nói chung việc cung cấp vũ khí thông qua EPF rườm rà và thiếu hiệu quả, chưa được thực hiện ở mức độ mong muốn.

RELATED ARTICLES

Tin mới