Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngNgười đưa đất ra Trường Sa trồng rau xanh

Người đưa đất ra Trường Sa trồng rau xanh

Lên rừng lấy đất màu, rồi vào các trang trại chăn nuôi xin phân trâu, bò về phơi khô, trộn lại, đóng bao gửi lên tàu đưa ra Trường Sa kèm theo hạt giống. Ý tưởng của Thiếu tướng Hoàng Kiền, khi ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83, đã giúp phủ xanh các đảo ở Trường Sa, đồng thời giúp chiến sĩ trên đảo có rau xanh cải thiện bữa ăn.

Quang cảnh đảo Trường Sa sau khi Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp quản (ảnh chụp năm 1976).

Hai mươi năm chưa trở lại Trường Sa song mỗi lần nhìn thấy màu xanh phủ kín các đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo này qua truyền hình, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam lại bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày đầu ông ra Trường Sa.

Lần đầu tiên ra Trường Sa công tác vào năm 1986, Thiếu tướng Hoàng Kiền đi các đảo thấy đảo nào cũng khó khăn, đơn sơ vì toàn là đá cát san hô, không có nước ngọt, chỉ có rau muống biển, cây phong ba, bão táp, bàng vuông mới sống được. Mỗi năm chỉ có dăm ba chuyến tàu ra đảo để chúc Tết và thay quân, lại không trồng được rau xanh vì không có đất và nước ngọt, bữa cơm của bộ đội trên đảo thường xuyên thiếu rau xanh, chủ yếu là đồ hộp.

“Nhìn anh em khát rau xanh xót lắm, vì thời gian ở đảo dài, chiến sĩ có thể 3 năm thay quân một lần, nhưng cán bộ trên đảo có người ở cả chục năm. Người Việt mình đa số xuất thân từ nông dân, ăn rau, ăn gạo là chính, không có rau là sinh bệnh đường ruột”, Thiếu tướng Hoàng Kiền kể.

Năm 1989, ông được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 với quân hàm Thiếu tá. Trung đoàn 83 là đơn vị đã gắn bó với Trường Sa liên tục suốt từ năm 1976, hai bên giúp đỡ nhau cùng vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, ngay khi về công tác ở đây, ông đã bắt đầu những chuyến đi xây dựng các công trình ở Trường Sa. Ăn ở, lao động cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo suốt thời gian dài, Thiếu tướng Hoàng Kiền nung nấu ý tưởng đưa đất ra đảo cho cán bộ, chiến sĩ trồng rau và người làm việc này không ai khác là công binh.

Bản thân Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có nhiều kinh nghiệm trồng rau. Khi ở nhà hay đi học ở các nơi ông đều lấy trồng rau làm tăng gia hàng đầu. Những năm tháng ở Trường Sơn, ông cũng trồng rau, bởi vào mùa khô, rau rất hiếm, đến rau rừng cũng không có.

Thiếu tướng Hoàng Kiền đem ý tưởng ra bàn với các đảo trưởng và với Ban Chỉ huy Trung đoàn. Sau khi Đảng ủy họp và thống nhất, chủ trương đưa đất ra Trường Sa giúp bộ đội trồng rau được đưa vào nghị quyết. Đảo đầu tiên thực hiện là Nam Yết, nơi Trung đoàn 83 xây nhà hai tầng đầu tiên vào năm 1991.

“Một tàu vận tải chở cả nghìn tấn vật liệu ra đảo, gửi thêm một xe đất cũng không ảnh hưởng gì. Trước khi tàu xuất phát, tại Đà Nẵng – nơi Trung đoàn 83 đóng quân, bộ đội lên rừng lấy đất màu, lại vào các trang trại chăn nuôi xin phân trâu, phân bò về rồi đem phơi khô cho nhẹ và hết mùi, sau đó trộn lẫn, đóng vào bao. Những chuyến xe chạy không vào Nha Trang sẽ kết hợp chở đất vào.

Ở Nha Trang cũng làm vậy. Cứ mỗi chuyến tàu ra đảo, chúng tôi gửi một ô tô đất, kèm theo hạt rau cải, rau muống, hạt bầu, bí vì chúng dễ trồng. Tính từ năm 1991 đến năm 1997 – khi tôi không còn công tác ở Trung đoàn Công binh Hải quân 83 nữa, hàng trăm xe đất với số lượng cả ngàn tấn đã được chuyển ra các đảo”, Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại.

Đưa được đất lên đảo cũng vô cùng kỳ công, bởi những năm 90 của thế kỷ trước các đảo ở Trường Sa không có cầu cảng, tàu phải neo cách đảo gần thì 500m, còn xa nhất là 1.000m. Chỉ có cách duy nhất là thả dây vào đến đảo, cột chặt lại, rồi thả xuồng xuống, cẩu hàng xuống xuồng kéo tay vào bờ.

Có đất và hạt giống rồi phải quy hoạch nơi trồng rau trên đảo. Với đảo lớn, vào mùa biển động, sóng rất to, Thiếu tướng Hoàng Kiền hướng dẫn quây vườn, che chắn kỹ càng xung quanh để nước mặn không bắn vào. Về mùa mưa, lính đảo hứng nước mưa tưới, còn mùa khô ông cho xây bể nước, chỗ tắm và hố. Toàn bộ nước tắm, rửa đều được tận thu vào hố để tưới rau, không lãng phí giọt nào.

Với đảo hẹp, vị tướng hướng dẫn đào hốc trồng bầu, bí, mướp leo theo giàn. Còn với đảo chìm, ông chỉ đạo đội thi công lấy gỗ cốp pha đóng thành các hộc cho đảo xếp quanh nhà rồi tặng mấy bao đất và hạt giống để trồng rau.

Để rau ở Trường Sa lên được, ngoài việc đưa đất ra đảo còn phải có nước ngọt tưới rau. Lúc bấy giờ, các đảo bị xói lở nhiều, công binh hải quân đề xuất xây kè xung quanh, vừa để chống xói lở, vừa để giữ nước ngọt cho đảo.

“Chuyện này xuất phát từ một bài học: đơn vị tôi đóng quân ở bãi biển. Chúng tôi đào một giếng nước cách biển chỉ chừng 20m mà nước trong giếng vẫn ngọt, không hề bị nhiễm mặn. Như vậy là nước mưa xuống đẩy nước mặn ra. Tôi nghĩ nếu Trường Sa làm được kè thì sẽ giữ được nước ngọt. Sau đó, toàn bộ 9 đảo nổi ở Trường Sa xây kè bê tông xung quanh, khi mưa xuống nước được giữ lại trong đảo, Trường Sa ngọt hóa 100%. Có đất, có nước ngọt, cây xanh mới lên được”, Thiếu tướng Hoàng Kiền kể và đến giờ ông vẫn không quên cảm giác sung sướng, phấn khởi của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa khi chứng kiến những mầm rau xanh từ từ nhú lên.

Nhắc nhớ lại những chuyện này, Thiếu tướng Hoàng Kiền tự hào khẳng định, sự giúp đỡ vô tư của công binh hải quân những năm ấy đã góp phần nâng cao sức khoẻ, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, tạo ra tình cảm thêm gắn bó thân thiết giúp đỡ lẫn nhau giữa bộ đội đảo với lực lượng công binh xây dựng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới