Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ được gì trong cuộc chiến Nga-Ukraine?

Mỹ được gì trong cuộc chiến Nga-Ukraine?

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ngày càng lún sâu vào thảm bại. Đối với Mỹ, muốn đứng vững ngôi bá chủ thế giới thì dứt khoát phải nắm giữ được nguồn năng lượng. Bởi vậy, sự sa lầy của Nga lại khiến cho Mỹ tiếp cận gần hơn mục tiêu của mình là giành quyền kiểm soát thị trường toàn cầu của các nhà cung ứng năng lượng.

Báo chí thế giới đã có nhiều bài phân tích về âm mưu này của Washington. Hàng loạt câu hỏi được nêu ra: Tại sao giới tinh hoa của Mỹ muốn một cuộc chiến mới? Mỹ cần đến xung đột thế giới để làm gì? Cuộc chiến của Ukraine có phải chính là cuộc chiến của Mỹ?…

Có thể nói, toàn bộ nền văn minh toàn cầu hiện nay dựa trên sự cộng sinh của năng lượng (tài nguyên thiên nhiên) và tri thức. Một quốc gia dù có trữ lượng nhiên liệu hóa thạch khổng lồ thì vẫn chưa thể trở nên giàu có nếu không có các công nghệ do khoa học mang lại. Chúng ta từng chứng kiến, các nước châu Phi và Mỹ Latinh được coi là nơi phát triển mạnh khai thác tài nguyên, tuy nhiên, quyền sử dụng tài nguyên lại thuộc về các quốc gia khác.

Ngược lại, các nước EU dẫn đầu công nghệ trên thế giới, nhưng lại nghèo tài nguyên, bởi tự thân khoa học không thể chuyển hóa thành giá trị vật chất nếu không có tài nguyên. Nói điều ấy để thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ coi Trung Quốc và Nga và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh chủ yếu, khi hai quốc gia này có đủ cả hai “mỏ vàng” tri thức và tài nguyên.

Nửa sau thế kỷ 20, Mỹ đã cơ bản kiểm soát thị trường dầu mỏ, dẫu rằng vẫn xảy ra các cuộc khủng hoảng năng lượng. Vào năm 1973 hàng loạt quốc gia Arab áp đặt lệnh cấm vận cung cấp dầu thô cho phương Tây do xung đột giữa Israel và Syria. Đến năm 1979, khủng hoảng bắt nguồn từ cuộc cách mạng ở Iran. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn khống chế được thị trường này do thông qua tổ hợp các cách thức khống chế: các giao dịch dầu mỏ quan trọng được thực hiện trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ hoặc các sàn giao dịch do tư bản Mỹ kiểm soát; thông qua hệ thống tài chính (đồng USD trở thành tiền tệ toàn cầu sau Chiến tranh thế giới thứ II); Mỹ, một cách gián tiếp, có thể và đã kiểm soát sản xuất thông qua việc cung cấp công nghệ,v.v..

Thế nhưng, từ những năm 2000 cho đến nay Mỹ đã không dễ dàng khống chế thị trường dầu mỏ. Thách thức lớn nhất là các yếu tố làm suy yếu sự độc quyền trên thực tế của Mỹ đối với nguyên liệu hóa thạch xuất hiện ngày càng lớn. Đó là các thách thức: một, nhiều quốc gia dầu mỏ đã trở nên độc lập hơn, phát triển và không còn chạy theo tính toán của Washington; hai, OPEC dần mạnh lên, năm 2016 đã chuyển thành OPEC+ (OPEC cũ chiếm khoảng một phần ba sản lượng thế giới thì với “cộng” (+) đã chiếm hơn một nửa); ba, sự suy giảm ảnh hưởng của dầu mỏ trong cán cân thế giới.

Trước các thách thức lớn đó, Mỹ trông đợi ở sự sắp xếp lại thị trường cung cấp năng lượng thế giới. Và điều dễ hiểu cuộc chiến của Ukraine với Nga cũng là cuộc chiến của Mỹ. Mỹ với tư cách là “nhà môi giới” chính trên thị trường năng lượng thế giới đã sụp đổ. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, trên thực tế là để giành quyền kiểm soát công nghệ, đã không mang lại thắng lợi cụ thể.

Khoa học vốn không thể tự sống và phát triển, mà cần đến sản xuất để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Mỹ đã nhận rõ quân cờ quyết định của mình: năng lượng! Bằng nhiều con bài cụ thể, Lầu Năm Góc đang cố gắng giành quyền kiểm soát đối với nhiên liệu hóa thạch.

Chính vì lẽ đó, ngay ở giai đoạn này, Mỹ cần đến Ukraine, với mục tiêu chính là cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt và dầu từ Nga sang châu Âu, thay vào đó là nguồn xuyên Đại Tây Dương. Rõ ràng, EU là nơi tiêu thụ lớn nhất và việc thiết lập quyền kiểm soát đối với EU là một trong những chìa khóa khống chế thị trường năng lượng toàn cầu.

Lập tức, Mỹ khởi động hệ thống đường ống dẫn khí đốt ở EU, thúc đẩy các giao dịch để cung cấp các hợp đồng dài hạn, tiến hành giao dịch và đầu tư cho các công ty khai thác với mức giá ổn định.

Khi Nga thất bại trong cuộc chiến với Ukraine sẽ là một đòn giáng vào OPEC+, nơi mà Nga được coi là thủ lĩnh. Khi ấy OPEC+ không sụp đổ hoàn toàn thì chí ít cũng rạn nứt và mất tính hiệu quả trong việc kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu.

Hơn hai tháng qua, thế giới đang chứng kiến một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa hai quốc gia từng là anh em một nhà. Đây không phải là cuộc chiến vì dân chủ, nhân quyền hay vì các giá trị trừu tượng nào đó, mà sâu xa là cuộc chiến vì tài nguyên. Trong thời đại ngày nay, bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, cùng với tên lửa, máy bay, tàu chiến, dầu mỏ lại được đem ra như một thứ vũ khí đặc biệt để mặc cả và “giải quyết” các xung đột.

Cuộc chiến ấy sẽ chấm dứt không phải trên chiến trường – như người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu Josep Borrell nhận định – mà nó chỉ thật sự kết thúc trên thị trường nguyên liệu.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới