Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ vẫn theo dõi sát sao những động thái của TQ ở...

Mỹ vẫn theo dõi sát sao những động thái của TQ ở Biển Đông

Ngày 24/2/2022, Nga phát động cuộc tấn công xâm Ukraine, một quốc gia độc lập, có chủ quyền và là thành viên của Liên hợp quốc vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế khiến Đại hội đồng Liên hợp quốc phải tiến hành họp khẩn cấp để thông qua Nghị quyết lên án hành vi xâm lược của Nga và yêu cầu chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ukraine.

Trong bối cảnh đó người ta lo ngại điều này sẽ tạo tiền lệ xấu để Trung Quốc có hành động phiêu lưu mới ở Biển Đông, nhất là giữa lúc Mỹ và châu Âu tập trung sự quan tâm vào chiến sự ở Ukraine.

Đặc biệt, trong những ngày qua Bắc Kinh liên tiếp tiến hành tập trận ở Biển Đông. Ngày 16/02, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết Trung Quốc tiến hành nột cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía bắc Biển Đông vào ngày 17/02; ngày 25/02, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) cũng thông báo một cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 27/02 đến ngày 01/3  ở phía đông bắc đảo Hải Nam của Trung Quốc; khoảng 21 giờ 30 ngày 01/3 Trung Quốc thông báo trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc về cuộc tập trận diễn ra từ 23 giờ ngày 01/3 đến 0 giờ ngày 02/3 tại khu vực nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Thông báo không cho biết quy mô của cuộc tập trận, chỉ yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực này.

Tiếp đó, ngày 04/3, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) đăng thông tin cho biết quân đội nước này tiến hành tập trận kéo dài hơn 10 ngày (từ 6 giờ chiều ngày 04/3 đến 6 giờ chiều ngày 15/3) trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Họ yêu cầu mọi tàu bè phải tránh khu vực này trong thời gian tập trận.  Các tọa độ do họ cung cấp cho thấy khu vực tập trận nằm gần ngay chính giữa Thành phố Tam Á của đảo Hải Nam (nơi đặt căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc) và Thành phố Huế của Việt Nam (khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km).

Ngày 19/3, Cục Hải sự Hải Nam tiếp tục đưa ra cảnh báo hàng hải về một cuộc tập trận của Trung Quốc ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, kéo dài hơn 20 ngày từ 19/3 đến 09/4. Phạm vi vẫn như cuộc tập trận từ ngày 04/3 đến 15/3. Cùng với cuộc tập trận, các tàu Thám Tác 1, Thám Tác 2 và Hải Dương Địa Chất 6 của Trung Quốc cũng lượn lờ tại khu vực này.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Trung Quốc có thể đã tiến hành ít nhất 7 cuộc tập trận ở Biển Đông, trong đó có 1 cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ. Trong năm 2021, Trung Quốc cũng đã được cho là tiến hành ít nhất 51 cuộc tập trận ở Biển Đông. Trung Quốc được giới học giả cho rằng luôn tìm cách “đục nước béo cò”, họ luôn tận dụng tốt những thời điểm tình hình quốc tế rối reng và các nước liên quan đang gặp khó khăn để trục lợi, thậm chí tiến hành các hoạt động xâm lấn mới.

Ngoài ra, trong tháng 3 này nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc, trong đó có tàu hải cảnh 5901, với lượng giãn nước hơn 10.000 tấn (được coi là một trong hai tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc) thường xuyên hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa và phía Nam Biển Đông; xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, thậm chí áp sát các mỏ dầu khí Hải Thạch – Mộc Tinh của Việt Nam hay lô SK 308 của Malaysia.

Giới quan sát nhận định ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc được coi là “đồng minh” của ông Putin, Tổng thống Nga – người đang phát động tấn công Ukraine; quan hệ giữa ông Tập và Putin càng trở nên khăng khít hơn sau chuyến thăm Trung Quốc và dự khai mạc Thế vận hội mùa đông của ông Putin đầu tháng 02/2022. Ông Tập đang chăm chú theo dõi tiền lệ do Putin tạo ra. Nếu phản ứng của Mỹ và phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine được coi là yếu ớt hoặc không hiệu quả và cuối cùng chấp nhận việc Nga chiếm Ukraine như một chuyện đã rồi thì Trung Quốc sẽ tự tin, bạo dạn hơn, hung hăng hơn để tiến tới, thậm chí sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, thắt chặt kiểm soát Biển Đông và tiếp tục gây sức ép với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.

Một số ý kiến cho rằng việc Mỹ cùng các đồng minh phải tập trung vào châu Âu trong khủng hoảng Ukraine có thể lơ là với châu Á và Biển Đông, tạo khoảng trống để Trung Quốc hành động. Việc cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và ASEAN dự kiến tổ chức tại Washington vào cuối tháng 3 bị hoãn lại càng làm dấy lên lo ngại về việc chính quyền Tổng thống Biden không còn quan tâm nhiều tới khu vực và Biển Đông. Tuy nhiên, qua những hành động chứng minh Mỹ không xao lãng Biển Đông hay khu vực mà tiếp tục theo dõi sát những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như ứng xử của Bắc Kinh Ukraine đối với khủng hoảng.

Thứ nhất, giữa lúc tình hình Ukraine đang nóng lên từng ngày và đứng trước ngưỡng cửa của chiến tranh, Washington có những thông tin tình báo về việc Nga sẽ tấn công Ukraine, song chính quyền Biden vẫn cử Ngoại trưởng Blinken đi Úc tiến hành cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) để thảo luận vấn đề hợp tác thúc đẩy hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhất là việc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng tránh phụ thuộc vào Trung Quốc nhằm đáp trả việc Bắc Kinh sử dụng chiêu trò cưỡng ép kinh tế, tìm mọi cách thống trị và kiểm soát Biển Đông, biển Hoa Đông hay đe dọa sử dụng vũ lực ở eo biển Đài Loan.

Cùng thời điểm Ngoại trưởng Blinken đang ở Úc, chính quyền Biden chính thức công bố chiến lược dài 12 trang về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhấn mạnh đến việc xây dựng các liên minh và tăng cường quan hệ đối tác để tăng cường năng lực tập thể ngăn chặn sự xâm lược và chống lại sự ép buộc, được giới quan sát đánh giá là nhằm vào Trung Quốc.

Đáng chú ý, ngay giữa lúc cuộc chiến tại Ukraine đang diễn ra khốc liệt, ngày 04/3/2022, các nhà lãnh đạo của nhóm “Bộ Tứ” đã bất ngờ tiến hành một cuộc họp trực tuyến. Bên cạnh vấn đề trọng tâm Ukraine, các nhà lãnh đạo 4 nước còn trao đổi về các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine. Giới phân tích cho rằng qua cuộc họp này có thể thấy mặc dù hiện tại đang dồn tâm trí và sức lực vào châu Âu, song Mỹ vẫn cùng các đồng minh vẫn luôn “để mắt” tới khu vực.

Thứ hai, Mỹ vẫn theo dõi sát các động thái của Trung Quốc trên thực địa ở Biển Đông và khu vực. Chỉ 2 ngày sau khi Nga tấn công Ukraine, ngày 26/2/2022 Mỹ đã cho tàu chiến USS Ralph Johnson đi qua Eo biển Đài Loan mà theo hải quân Mỹ khẳng định là nhằm thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do. Hoạt động này, Washington muốn gửi tới Bắc Kinh lời cảnh báo “chớ có noi theo Putin mà sử dụng vũ lực với Đài Loan”.

Giữa lúc Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận kéo dài 12 ngày ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ (từ 04 – 15/3), Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Momsen của hải quân Mỹ cùng với tàu của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và hải quân Hoàng gia Úc cũng tiến hành tập trận chung trên Biển Đông (kết thúc vào ngày 15/3). Theo Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cuộc tập trận này diễn ra nhằm tăng cường khả năng chung duy trì an ninh trên biển và sự sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống nào trong khu vực giữa các đồng minh.

Một điều rất đáng chú ý là tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ USNS Bowditch đã được triển khai đến khu vực Trung Quốc tiến hành tập trận từ 19/3 đến 09/4 và tiến hành hoạt động gần với khu vực tập trận của Trung Quốc. Điều này càng thể hiện rõ bất chấp phải tập trung cho châu Âu, Mỹ vẫn theo sát từng động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ và Philippines tiến hành cuộc tập trận chung Balikatan 2022 ở đảo chính Luzon của Philippines với sự tham gia của 3.800 lính Philippines và 5.100 lính Mỹ. Cuộc tập trận bao gồm nhiều nội dung như an ninh biển, huấn luyện bắn đạn thật, chống khủng bố và hỗ trợ nhân đạo-cứu trợ thiên tai với mục tiêu mở rộng và nâng cao chiến thuật, kỹ thuật và các quy trình chung nhằm tăng cường khả năng an ninh, củng cố năng lực phòng thủ chung và khả năng sẵn sàng ứng phó trước những thách thức trong thực tế.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Philippines, bà Heather Variava khẳng định: “Balikatan là cơ hội quan trọng để Mỹ sát cánh cùng đồng minh Philippines hướng tới một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trong khi đó, Thiếu tướng Charlton Sean Gaerlan của quân đội Philippines, tổng chỉ huy Balikatan 2022, nhận định cuộc tập trận là “minh chứng cho sức mạnh của Philippines và quan hệ an ninh với Mỹ”; những kinh nghiệm từ cuộc tập trận sẽ giúp ích cho hợp tác an ninh song phương, đồng thời nâng cao các nỗ lực an ninh chung giữa hai nước. 

Đây được coi là cuộc tập trận chung lớn nhất giữa hai bên được tiến hành trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, nơi Mỹ và các đồng minh đang cung cấp vũ khí phòng thủ cho Kiev và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva. Điều này cho thấy rõ Mỹ vẫn dành sự quan tâm lớn tới Biển Đông và khu vực bất kỳ trong hoàn cảnh nào.

Thứ ba, liên quan đến việc tạm hoãn Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN, giới phân tích cho rằng điều này không phản ánh sự lơ là của Mỹ tới khu vực Đông Nam Á cũng như Biển Đông bởi lẽ nguyên nhân của trì hoãn là do lịch trình dày đặc của các nhà lãnh đạo ASEAN. Mỹ chủ động đề xuất họp vào ngày 28-29/3; ASEAN đã đề xuất tổ chức vào ngày 26-27/3, nhưng ngày này lại không phù hợp với Mỹ (theo thông báo mới nhất từ phía Mỹ, cuộc gặp sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5).

Trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine ngày càng leo thang, theo kế hoạch Tổng thống Biden đi châu Âu dự Hội nghị đỉnh NATO và thăm Ba Lan nước có đường biên giới chung với Ukraine để thể hiện sự phản đối mạnh mẽ cuộc tấn công của Nga. Điều này cho thấy rõ ràng là khủng hoảng Ukraine có ảnh hưởng nhất định tới sự tập trung nguồn lực cho khu vực Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông của chính quyền Biden.

Tuy nhiên, nếu xem việc Tổng thống Biden đến châu Âu để cùng các đồng minh ứng phó với khủng hoảng Ukraine phải trì hoãn Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN mà cho rằng Washington coi trọng châu Âu hơn châu Á hay khủng hoảng Ukraine khiến chính quyền Biden lơ là Biển Đông là thiếu khách quan và không có cơ sở. Những suy luận hay suy nghĩ kiểu này đều là phiến diện. Bởi lẽ, nhìn một cách tổng thể thì việc Tổng thống Biden đích thân đến châu Âu để thảo luận với lãnh đạo các nước đồng minh trong việc ứng phó với khủng hoảng Ukraine cho thấy ý chí quyết liệt của Washington trong việc đồng hành cùng các đồng minh châu Âu chống lại chính sách cường quyền theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” bất chấp luật pháp quốc tế của Moskva. Đây là dấu hiệu tích cực đối với việc bảo vệ cục diện dựa trên luật pháp ở Biển Đông và khu vực.

Sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết hôm 04/3/2022, lên án cuộc xâm lược của Nga tiến hành với Ukraine, coi việc chính quyền Putin phát động chiến tranh tấn công một nước có chủ quyền là lối tư duy cường quyền lỗi thời, những biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đã được Mỹ, các nước châu Âu và nhiều nước khác đồng loạt áp dụng đối với Nga. Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ và các đồng minh có được sự thống nhất cao trong các hình thức trừng phạt chính quyền Putin về kinh tế, tài chính đã truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng mọi hành vi ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận đều phải trả giá dù bất cứ họ là ai. Điều này khiến nhiều kẻ hung hăng phải “chùn bước”. 

Giới quan sát cho rằng nếu Mỹ và các đồng minh không thể hiện một phản ứng quyết liệt đủ để “răn đe” Nga thì có lẽ, một ngày không xa, giới cầm quyền Bắc Kinh sẽ “noi gương nhà độc tài Putin” hiếu chiến trên Biển Đông. Và khi ấy, Biển Đông sẽ có thể là “một Ukraine” trên biển. Khủng hoảng Ukraine khiến Washington không thể tập trung toàn lực cho triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song chính quyền Biden không xao lãng Biển Đông và khu vực vì đối thủ chính của Mỹ trong thế kỷ 21 được xác định là Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua phát biểu cua ông Kurt Campbell, Điều phối viên về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại sự kiện của Quỹ German Marshall gần đây, khi khẳng định Mỹ có thể cùng lúc duy trì sự tập trung ở hai khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu. Ngoài ra, ông Campbell còn cho biết Tổng thống Biden sẽ thăm Đông Nam Á trong năm nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới