Những căng thẳng trên lối vào tiếp cận các nguồn tài nguyên của biển và đại dương, như lập trường cứng rắn liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đối với các biên giới trên biển, cho thấy các không gian biển đã trở nên quan trọng như thế nào trong các tính toán của các quốc gia và trong động lực của các quan hệ quốc tế đương đại.
Nhấn mạnh tới sự kết nối hàng hải và tự do hàng hải, khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là minh chứng gần đây nhất về tầm quan trọng của không gian biển trong quan hệ quốc tế. Nếu, đối với một số quốc gia, những cạnh tranh sức mạnh được chuyển dịch ra biển, thì đối với những quốc gia khác, đường chân trời bên ngoài bờ biển đã trở thành nguồn tăng trưởng và sự giàu có cần phải được bảo vệ. Thật vậy, vào thời điểm mà nhiều quốc gia đang khám phá ra giá trị “nền kinh tế xanh” của họ, thì một số quốc gia khác đã nhận ra những điểm yếu của nó, đó có thể là sự cạn kiệt nguồn cá hay tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe của các đại dương. Dù mục tiêu được tìm kiếm là gì, việc đảm bảo không gian đại dương và quản lý biển tốt hơn đều nằm trong chương trình nghị sự.
Việc “hải quân hóa” các vùng biển, có nghĩa là việc nhiều quốc gia nhấn mạnh vào sự phát triển của hải quân hiện đại, là biểu hiện rõ ràng nhất của sự nhận thức này. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao để tiếp cận các nguồn tài nguyên và kiểm soát các tuyến giao thông hàng hải quan trọng, Trung Quốc đã nhanh chóng nâng cao các năng lực hải quân của mình với một nỗ lực xây dựng chưa từng có.
Chúng ta đang chứng kiến sự hình thành và phát triển của các đội tuần duyên chịu trách nhiệm về an ninh hàng hải và đấu tranh chống tội phạm trên biển. Quả thực, các nguồn tài nguyên dưới bề mặt đại dương ngày càng bị đe dọa do khai thác quá mức. Đánh bắt bất hợp pháp đang tàn phá nguồn dự trữ toàn cầu vốn đã cạn kiệt và có thể sớm trở thành một nguồn khủng hoảng đáng kể. Ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), sự cạnh tranh về quyền đánh bắt cũng như trữ lượng dầu khí ngoài khơi là một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng và xung đột.
Lĩnh vực biển cho thấy rõ những căng thẳng giữa chủ quyền quốc gia và các thách thức xuyên quốc gia, giữa các vùng ven biển của đại dương (vốn được xem như là các vùng đặc quyền kinh tế) và vùng biển khơi (vốn được xem như là tài sản chung toàn cầu).
Cuối cùng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng lĩnh vực biển, từ lâu bị đánh giá thấp trong phạm vi các vấn đề quốc tế, tuy nhiên lại chiếm một vị trí mang tính quyết định trong ngoại giao song phương, khu vực và đa phương. Ít nhất có 4 vấn đề chính liên quan đến mất an ninh hàng hải nổi bật trong bảng sắp xếp các mối quan tâm của những tác nhân chính và những nước sở hữu biển: việc lãnh thổ hóa các không gian biển, hải quân hóa và các động lực toàn cầu của tái vũ trang hải quân, cũng như sự tồn tại của nạn cướp biển cùng với sự phát triển của tội phạm biển xuyên quốc gia, chưa kể đến tác động của biến đổi khí hậu đối với các đại dương ngày càng gia tăng.
Lãnh thổ hóa các vùng biển
Những căng thẳng liên quan đến tiếp cận và sử dụng môi trường biển ngày càng có tầm quan trọng trong chiến lược quốc gia của các nhà nước. Chúng là nguồn gốc của sự phát triển các công cụ và tác nhân chính, cả dân sự và quân sự, của an ninh biển. Chủ nghĩa dân tộc xanh và những căng thẳng trong khai thác các tài nguyên biển – cá, khoáng sản, năng lượng – có khả năng làm gia tăng cấp bội các khu vực căng thẳng, khuyến khích các tuyên bố chủ quyền lạm dụng và mở rộng lãnh thổ vô căn cứ.
Tuy nhiên, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), kỷ niệm 40 năm ra đời vào năm 2022, đã thiết lập các quy tắc phân định các khu vực biển cũng như quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển. Phải thừa nhận rằng đây là những vấn đề phức tạp mà một số quốc gia như Brazil, Ấn Độ hay Trung Quốc đã áp dụng nhiều cách giải thích khác nhau.
UNCLOS phân biệt ba loại lãnh thổ trên biển: vùng lãnh hải (kéo dài trên 12 hải lý tính từ bờ biển và đi kèm với quyền “đi lại vô hại” cho tàu mang cờ nước ngoài); một khu vực cảnh sát liền kề (kéo dài thêm 12 hải lý); một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) – kéo dài tới 200 hải lý (tương đương 370 km) tính từ đường cơ sở. Việc phân định các biên giới mềm này được đặt lên hàng đầu trong các vấn đề tranh chấp.
Xu hướng chiếm đoạt các vùng biển khiến cho nguyên tắc tự do vùng biển, mà luật gia người Hà Lan Grotius nêu ra vào thế kỷ 17, ngày càng bị tranh cãi. Tuy nhiên, UNCLOS đã cố gắng tìm ra sự thỏa hiệp giữa nguyên tắc này và các quốc gia ven biển muốn khẳng định chủ quyền đối với các không gian biển của họ. Do đó, nếu quyền tự do hàng hải trên biển khơi đã được bảo vệ, thì việc thiết lập các đường phân định trên biển lại khuyến khích các tranh chấp giữa các quốc gia mong muốn tăng cường tiềm lực kinh tế và chiến lược của họ, và tạo thuận lợi cho hiện tượng lãnh thổ hóa các vùng biển.
Các biển sâu là những khu vực hàng hải rất được thèm muốn khác, và đã trở thành một thách thức địa chính trị lớn. Cũng như Trung Quốc, Mỹ và Vương quốc Anh đã làm trước đó, Pháp đã áp dụng chiến lược vùng biển sâu vào tháng 2/2022. Tài liệu này nhấn mạnh rằng điều quan trọng không chỉ là có thể can thiệp ở các vùng biển có độ sâu rất lớn, mà cũng còn có thể giám sát những gì đang xảy ra ở đó, đặc biệt là xung quanh hệ thống cáp ngầm và các tài nguyên khoáng sản. Giống như không gian và không gian mạng, các cùng biển sâu tiềm ẩn nhiều xung đột. Do chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên – bao gồm cả kim loại hiếm – nên chúng ngày càng kích thích nhiều sự thèm muốn.
Hải quân hóa và các cuộc đối đầu sức mạnh trên biển
Các quốc gia trên thế giới đang cải thiện lực lượng hải quân và tăng cường hoạt động trên biển. Đặc biệt phải kể đến Trung Quốc, nước đã đạt được những tiến bộ về công cụ hải quân của mình chỉ trong một vài năm, cũng như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ. Xu thế hướng tới việc sản xuất các thiết bị đa năng tích hợp các công nghệ quan trọng mới (máy bay không người lái, robot, trí tuệ nhân tạo) được khuyến khích triển khai trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Những thành tựu và việc thực hiện chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc đặc biệt tìm cách làm suy yếu khả năng răn đe quân sự của Mỹ trong khu vực, khiến một số quốc gia đặt câu hỏi về khả năng can thiệp của Washington trong trường hợp xung đột cường độ cao liên quan đến Trung Quốc. Kịch bản về một cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan đã xuất hiện trong tâm trí nhiều người kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Những cạnh tranh này bao gồm những nỗ lực giành quyền tiếp cận các cảng và bãi đậu trên biển. Vì hiện Trung Quốc chỉ có một căn cứ hải quân ở nước ngoài với Djibouti, nên giống như Nga hay Ấn Độ, nước này đang nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thực tế mới là, Trung Quốc đề xuất các mối quan hệ đối tác kinh tế-an ninh với các quốc gia ở Nam Thái Bình Dương, cho dù một số quốc gia trong số đó không mặn mà hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát hay an ninh hàng hải với Bắc Kinh.
Việc tìm kiếm vị thế sức mạnh hải quân này vượt ra ngoài tham vọng của nhà nước và tác động đến châu Âu – vốn cũng muốn khẳng định mình là một nhân tố toàn cầu trong an ninh hàng hải. Hơn nữa, châu Âu đã thành công trong việc xây dựng tính hợp pháp trong lĩnh vực này. Châu Âu có thể dựa vào chiến lược an ninh hàng hải (SSMUE) được thông qua vào năm 2014 và kế hoạch hành động được sửa đổi vào năm 2018. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua các chiến lược khu vực, bao gồm chiến lược đối với Vịnh Guinea, sau đó vào năm 2021 là chiến lược đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, giống những gì các quốc gia thành viên như Pháp, Đức và Hà Lan đã làm. EU đã cho thấy năng lực huy động hiệu quả các phương tiện hành động để đối phó với nạn buôn lậu mọi mặt hàng bằng đường biển (người di cư, vũ khí, ma tuý).
Cướp biển: một vấn nạn dai dẳng
Những số liệu thống kê mới nhất, do Trung tâm nghiên cứu quốc tế MICA công bố, cho thấy cướp biển vẫn là một thách thức hàng hải thường trực. Các quốc gia đang cố gắng phát triển sự hợp tác và phối hợp để giải quyết vấn nạn này, nhưng dường như đó là vấn nạn khó giải quyết triệt để vì những giải pháp lâu dài vẫn chỉ nằm trên giấy. Mặc dù nạn cướp biển nhìn chung đã giảm trên toàn cầu, với tổng số 317 vụ vào năm 2021, hiện tượng này vẫn đáng lo ngại ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt ở eo biển Singapore, tổng cộng có 57 vụ, và thêm vào số đó 14 vụ trong vùng biển Philippines.
Cướp biển ở ngoài khơi Tây Phi đã thu hút được sự chú ý quốc tế vào đầu những năm 2010, trong khi hoạt động cướp biển ngoài khơi Somalia và vùng Sừng châu Phi bắt đầu giảm. Khi cuộc khủng hoảng ở Đông Phi lắng xuống – nhờ sự kết hợp các cuộc tuần tra hải quân quốc tế, nhân viên an ninh tư nhân và những cải cách hệ thống tư pháp khu vực, hiện tượng này dường như chuyển sang Vịnh Guinea, nơi mà các vụ bắt cóc con tin, đòi tiền chuộc gia tăng. Trên thực tế, phần lớn các hoạt động ở Tây Phi thực sự được coi là cướp có vũ trang trên biển, chứ không phải cướp biển, vì nó diễn ra chủ yếu trong lãnh hải của các quốc gia, trong khi cướp biển theo định nghĩa diễn ra trên vùng biển quốc tế.
Ở Vịnh Guinea cũng như các khu vực khác trên thế giới, người ta lo sợ rằng các tổ chức khủng bố trong khu vực sẽ bắt chước các nhóm cướp biển ở Vùng châu thổ Niger và áp dụng các chiến thuật của họ. Ở Đông Nam Á, các nhóm cực đoan đã chuyển sang cướp biển, chẳng hạn như Abu Sayyaf, một nhóm người Philippines có liên quan với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đã tấn công các tàu ở vùng biển Sulu và Celebes và bắt cóc các thành viên của thủy thủ đoàn hay các hành khách để đòi tiền chuộc.
Theo kịch bản này, tội phạm và nghèo đói “bổ sung” cho nhau và các cộng đồng ven biển phải gánh chịu hậu quả. Nạn cướp biển và cướp có vũ trang đã tước đi cơ hội phát triển kinh tế-xã hội và cơ sở hạ tầng của các khu vực ven biển. Chúng cản trở các nền kinh tế khu vực bằng cách quấy rối các ngành công nghiệp thiết yếu như đánh cá và du lịch, đồng thời làm gia tăng chi phí sinh hoạt. Những cái giá phải trả về kinh tế này, cùng với cơ hội việc làm vốn đã hạn chế, tạo ra một vòng xoáy tội phạm vừa là nguyên nhân vừa là sản phẩm phụ của nạn cướp biển và cướp có vũ trang.
Sự gia tăng tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp và tội phạm trên biển
Tội phạm biển bao gồm các hoạt động bất hợp pháp khác nhau vì biển là tuyến giao thông đang trở nên phổ biến, với hệ quả là sự gia tăng của nhiều nạn buôn lậu: ma túy, con người, vũ khí, hàng giả, các loài sinh vật biển được bảo vệ.
Đánh bắt cá bất hợp pháp, không thông báo và không được kiểm soát, là một vấn nạn. Thực trạng này làm suy yếu nguồn cá và hệ sinh thái biển, và tác động kinh tế của nó vẫn đáng lo ngại. Nó tước đi thu nhập và việc làm của các cộng đồng ngư dân, đe dọa đến an ninh lương thực của toàn bộ người dân. Hiện tượng này chiếm gần 20% sản lượng đánh bắt hàng năm của thế giới, làm suy yếu những nỗ lực để giải quyết một cách chính thức các vấn đề về đánh bắt quá mức. Với trữ lượng cá toàn cầu giảm gần 50%, áp lực phải giải quyết vấn đề đánh bắt quá mức đang gia tăng. Các chính phủ đang nỗ lực giải quyết vấn nạn này.
Đánh bắt cá bất hợp pháp nhìn chung bắt nguồn từ việc quản trị yếu kém ở mỗi quốc gia, cũng như do thiếu các phương tiện giám sát và kiểm soát các không gian biển. Sự mất an ninh khi đối mặt với các đội tàu đánh cá bất hợp pháp làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn này. Do đó, cần phải trang bị những thiết bị cho phép có sự hiểu biết tốt hơn trong lĩnh vực hàng hải, các phương tiện trao đổi thông tin, cũng như đào tạo đội ngũ chuyên viên trong các cơ quan chuyên ngành hàng hải. Đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc cho đến nay có quy mô lớn nhất thế giới và hoạt động ở tất cả các khu vực trên thế giới. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu lương thực, các tàu này được sử dụng ở nước ngoài cho các mục đích chiến lược. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình như một cường quốc hàng hải có trách nhiệm. Bắc Kinh đã thực hiện một số thay đổi, đặc biệt những quy định chặt chẽ hơn về việc các tàu Trung Quốc treo cờ báo hiệu. Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục trợ cấp cho các hoạt động của đội tàu đánh cá xa bờ, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với tính bền vững của các nguồn tài nguyên đại dương.