Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTriều Tiên triển khai chiến dịch chưa từng thấy trong lịch sử

Triều Tiên triển khai chiến dịch chưa từng thấy trong lịch sử

Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 hàng loạt ở các khu vực biên giới của mình.

Nhân viên phun thuốc khử khuẩn và lau bề mặt tại một cửa hàng bách hóa ở Bình Nhưỡng.


Trong cuộc họp hôm 28/9 với các nhà lập pháp Hàn Quốc, cơ quan tình báo của Seoul cho biết Triều Tiên đã bắt đầu phân phối vaccine, mặc dù không nêu rõ ở khu vực biên giới nào, Wall Street Journal đưa tin.

Các nhà lập pháp, những người đã được báo cáo, không cho biết vaccine đến từ đâu hoặc chúng bắt đầu được phân phối khi nào.

Tuy nhiên, những lệnh phong tỏa lặp lại nhiều lần dường như cho thấy Triều Tiên vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19, cơ quan tình báo nói với các nhà lập pháp Hàn Quốc.

Triều Tiên là một trong những quốc gia cuối cùng trên thế giới triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cùng với Eritrea ở Đông Phi, Triều Tiên là một trong hai quốc gia hiếm hoi trên toàn cầu chưa phân phối vaccine rộng rãi.

Thay đổi suy nghĩ
Sau khi từ chối hàng triệu liều vaccine từ các nước khác vào năm 2021, Triều Tiên thừa nhận đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên trên cả nước vào tháng 5 và tuyên bố vượt qua vào tháng 8.

Tuy nhiên, vào đầu tháng này, nhà lãnh đạo Kim Jong Un bất ngờ tuyên bố vaccine Covid-19 sẽ được phân phối bắt đầu từ tháng 11.

Ông viện dẫn cảnh báo của các chuyên gia dịch tễ trong nước, cho biết những người Triều Tiên mắc Covid-19 vào tháng 5 và tháng 6 sẽ bắt đầu suy giảm kháng thể từ tháng 10 khi thời tiết chuyển lạnh.

“Tôi buộc phải đề xuất triển khai tiêm vaccine một cách có trách nhiệm bắt đầu từ tháng 11 này cùng biện pháp đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe của toàn thể nhân dân”, ông Kim Jong Un phát biểu tại một phiên họp Quốc hội ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm 8/9.

Trước đó, khi ông Kim tuyên bố chiến thắng trước đợt bùng phát Covid-19 của Triều Tiên vào tháng 8, ông nói rằng không có vaccine nào được sử dụng ở nước này, và gọi đó là “phép màu vĩ đại nhất” đối với y tế toàn cầu. Triều Tiên đã báo cáo gần 4,8 triệu ca sốt và 74 ca tử vong kể từ cuối tháng 4.

Năm ngoái, Triều Tiên đã từ chối hàng triệu liều vaccine được cung cấp bởi sáng kiến ​​COVAX. Vào thời điểm đó, Triều Tiên báo cáo không có ca mắc Covid-19 nào và các quan chức y tế công cộng đã đề nghị cung cấp vaccine cho những quốc gia có nhu cầu lớn hơn.

Bình Nhưỡng cũng từ chối các đề nghị từ Hàn Quốc và Mỹ, những nước hứa hẹn cung cấp hỗ trợ nhân đạo bao gồm vaccine.

Cho tới tận tháng 5, cơ quan tình báo của Seoul tin rằng Triều Tiên vẫn chưa nhận được bất kỳ loại vaccine nào và ông Kim chưa được tiêm chủng.

Cùng khoảng thời gian đó, các máy bay chở hàng của Triều Tiên đã bay đến thành phố Thẩm Dương của Trung Quốc và quay trở lại mang theo vật tư y tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong việc phòng chống dịch bệnh, mặc dù từ chối thảo luận về bất cứ sự hỗ trợ cụ thể nào.

Vaccine đến từ đâu?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên không nói rõ về nguồn gốc của các loại vaccine trong đợt triển khai tiêm chủng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Hong Min thuộc Viện nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul, cho hay khi xem xét một số chuyến bay và tuyến tàu hỏa được nối lại gần đây giữa Trung Quốc và Triều Tiên, rất có thể Trung Quốc đang cung cấp vaccine.

Mới đây, Yonhap đưa tin một đoàn tàu chở hàng từ Đan Đông, Trung Quốc đã đi qua cầu để đến thành phố Sinuiju của Triều Tiên trong ngày 26/9.

Trước đó, các chuyến tàu giữa hai nước đã dừng lại kể từ ngày 29/4, khi Trung Quốc đình chỉ các hoạt động với Triều Tiên sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 ở thành phố biên giới Đan Đông của nước này.

Theo ông Hong, mặc dù Nga ngày càng nhấn mạnh sự hợp tác và đoàn kết với Triều Tiên, hỗ trợ kinh tế chủ yếu vẫn đến từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

“Việc tiêm phòng giúp Triều Tiên giảm nguy cơ lây nhiễm ở khu vực biên giới đối với Trung Quốc và giúp hai nước nối lại hoàn toàn thương mại xuyên biên giới”, ông nói thêm.

Trong khi đó, Yang Moo Jin, cựu quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết đối với Triều Tiên, việc phân phối vaccine mRNA do công ty Pfizer và Moderna sản xuất đặt ra những thách thức về hậu cần, vì quốc gia này được cho là chưa có hệ thống kho siêu lạnh rộng rãi.

Ông chia sẻ thêm giả sử Triều Tiên được cung cấp vaccine Sinovac thì việc bảo quản sẽ dễ dàng hơn, vì các mũi tiêm này có thể được bảo quản trong tủ lạnh tiêu chuẩn.

“Triều Tiên đang mong muốn mở lại biên giới trong khi bảo vệ mình khỏi một đợt bùng phát lớn khác”, ông Yang, hiện là giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới