Thursday, May 2, 2024
Trang chủUncategorizedQuan hệ tam giác Australia - Ấn Độ - Indonesia và tác...

Quan hệ tam giác Australia – Ấn Độ – Indonesia và tác động đối với Biển Đông

Bên lề kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ đã diễn ra cuộc họp giữa Ngoại trưởng 3 nước Australia-Ấn Độ-Indonesia. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên 3 bên của nhóm này ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Trước đó, 3 nước đã tiến hành một số cuộc họp trực tuyến như tháng 9/2020, Ngoại trưởng 3 nước đã tổ chức họp trực tuyến trước khi diễn ra cuộc họp giữa Bộ trưởng quốc phòng ba nước.

Tại cuộc họp lần này ở New York, các Ngoại trưởng đã thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực như triển vọng tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, G20 và nền kinh tế xanh.

Australia, Ấn Độ và Indonesia tổ chức họp ba bên lần đầu tiên

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng gay gắt, thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức tiểu đa phương và đa phương, tập hợp các quốc gia có chung tầm nhìn và lợi ích nhằm tăng cường quan hệ đối tác trong các vấn đề và chương trình nghị sự cụ thể. Vì vậy, Australia và Ấn Độ đã và đang thúc đẩy nâng cấp cuộc gặp 3 bên này lên cấp Bộ trưởng chính thức. Mặc dù Jakarta cũng tin rằng việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với các nước như Ấn Độ và Australia là điều rất tốt, nhưng phía Indonesia hiện vẫn còn lưỡng lự.

Giới chuyên gia đưa ra một số lý do khiến Indonesia chưa mặn mà với đề xuất này: (i) bản thân Indonesia không muốn trở thành một phần của bất kỳ nhóm nào vì họ lo ngại sẽ gửi một thông điệp sai đến Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại chính của họ và cũng đang tài trợ cho nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn, như đường sắt Jakarta-Bandung; (ii) mối quan hệ Indonesia-Australia từng căng thẳng trong quá khứ. Mặc dù mối quan hệ song phương này ngày càng được cải thiện, song vẫn còn một số “do dự” từ  Indonesia; (iii) Australia và Ấn Độ đều là thành viên của Nhóm “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, nên sẽ có ấn tượng rằng việc nâng tầm quan hệ 3 bên này sẽ một lần nữa đưa ra tín hiệu rằng Indonesia cũng đang đứng về phía chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, chính sách đối ngoại của Indonesia luôn tập trung trọng tâm vào các thể chế đa phương bởi giới hoạch định chính sách cho rằng thực tế hoạt động đối ngoại nước này đã chứng minh thông qua hoạt động ngoại giao đa phương, Jakarta có thể nâng cao vị thế của mình. Theo đó, Indonesia nhận thức  ngay cả khi bị chia rẽ và “không mấy thành công”, các nền tảng đa phương vẫn là cách tốt nhất để thảo luận các vấn đề và tìm ra các giải pháp. Điều này được thể hiện qua những hoạt động của Indonesia trong khuôn khổ ASEAN hay IORA. Indonesia được coi là “quốc gia lãnh đạo” trong ASEAN và luôn cố gắng tạo ấn tượng rằng họ đi đầu trong gắn kết tất cả các nước lại với nhau và chủ nghĩa đa phương là cách tốt nhất để thúc đẩy hợp tác. Mặt khác, Indonesia gần đây cũng đã tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng, và điều này cho thấy ngay cả khi Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn, Indonesia cũng vẫn đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người Indonesia mất lòng tin về Trung Quốc, do lo ngại rằng người Trung Quốc đang chiếm dụng các công việc địa phương. Chính phủ Indonesia cũng nhận ra rằng cần phải đa dạng hóa các quan hệ đối tác và các bước đi ban đầu là việc tham gia IPEF và với cuộc họp ngoại trưởng 3 bên Australia – Ấn Độ – Indonesia .

Cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Indonesia với các Ngoại trưởng Australia và Ấn Độ là dấu hiệu Indonesia đang cố gắng vượt qua những khác biệt trong quá khứ để thúc đẩy quan hệ hợp tác 3 bên, tập trung vào G20, IORA, Kinh tế Xanh và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện Indonesia đang giữ chức Chủ tịch G20 và sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali vào tháng 11 tới; Ấn Độ sẽ tiếp nhận vị trí Chủ tịch G20 từ Indonesia vào tháng 12/2022; Australia là thành viên tích cực của G20 (năm 2014, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã được tổ chức ở Australia và ông Anthony Albanese đã chọn Indonesia để thực hiện chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Australia 2 tuần sau khi nhậm chức và khẳng định sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Indonesia ngay trọng chuyến thăm này). Đây là điều kiện thuận lợi để 3 nước thúc đẩy mối quan hệ hợp tác 3 bên.

Là các quốc gia duyên hải Ấn Độ Dương, Australia-Ấn Độ-Indonesia có thể hợp tác trong các lĩnh vực như quản trị biển và ngoại giao hàng hải. Hầu hết các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải chỉ tập trung vào các khía cạnh an ninh truyền thống cũng như các vấn đề như quản trị biển, an toàn và an ninh hàng hải. Giới phân tích nhận định quản trị biển có thể là điểm khởi đầu cho hợp tác 3 bên, sau đó là các con đường khác như nâng cao nhận thức về lĩnh vực biển; diễn tập bảo vệ bờ biển, hợp tác ngoại giao; phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải, đặc biệt là ở Indonesia, cũng có thể được khởi xướng.

Quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Australia đã phát triển mạnh mẽ trong những tháng gần đây, khi 2 quốc gia tăng cường tương tác hàng hải thông qua các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương. Các cuộc tập trận giữa Australia và Ấn Độ đã tái khẳng định các mục tiêu chung của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, nhằm đối trọng với các mối đe dọa của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc vốn đang đặt ra những thách thức chiến lược trong khu vực. Tháng 4/2022, các tư lệnh lục quân và hải quân Australia đã đến thăm Ấn Độ, và Cao ủy Australia tại Ấn Độ Barry O’Farrell đánh giá rằng các hoạt động phòng thủ chung giữa 2 nước đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2014. Một số cuộc tập trận giữa Australia và Ấn Độ đã diễn ra sau cuộc họp hồi tháng 6/2022 tại New Delhi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Australia Richard Marles. từ ngày 19-20/8/2022, Hải quân Ấn Độ và Hải quân Hoàng gia Australia đã tiến hành cuộc tập trận Đối tác Hàng hải ngoài khơi gần cảng Perth của Australia; Từ ngày 19/8-8/9/2022, không quân Ấn Độ tham gia cuộc tập trận Pitch Black 2022 tại căn cứ của Không quân hoàng gia Australia (RAAF) ở Darwin, Tindal và Amberley; ngay sau đó, máy bay tuần tra, trinh sát hàng hải Boeing P-8I, và tàu khu trục tàng hình mang tên lửa dẫn đường INS Satpura của Ấn Độ tham gia cuộc tập trận “Kakadu” được tổ chức tại thành phố Darwin, miền Bắc Australia.

Ấn Độ và Indonesia thường “hướng nội” trước sức ép từ bên ngoài, song điều này đang thay đổi nhanh chóng trong giai đoạn gần đây khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy và ngày càng trở nên hung hăng hơn. Năm 2018, New Delhi và Jakarta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và lần đầu tổ chức một cuộc tập trận hải quân song phương có tên gọi “Samudera Shakti”. Mối quan hệ đối tác chiến lược này ngày càng phát triển, trong đó cốt lõi tập trung vào an ninh hàng hải và hợp tác quốc phòng. Với vai trò là hai “mỏ neo” chính của hàng hải châu Á, hai nước có chung mối lo ngại về sức mạnh và sự quyết đoán ngày càng lớn của Trung Quốc. Indonesia và Ấn Độ đang hoàn thiện hợp đồng mua hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm BrahMos của Ấn Độ để triển khai tại bờ biển Indonesia. Thương vụ mua BrahMos sẽ giúp Indonesia nâng cấp đáng kể năng lực răn đe hàng hải tại các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, vốn chồng lấn với yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, cũng như liên tiếp bị tàu cá và tàu dân quân Trung Quốc xâm lấn trong suốt thập kỷ vừa qua.

Vùng biển giữa Indonesia và Bắc Australia là khu vực mà cả 2 nước cùng quan tâm, là cửa ngõ vào khu vực Ấn Độ Dương, những bất đồng giữa Indonesia và Australia về khu vực biên giới trên biển kéo dài đã cản trở hợp tác giữa hai nước. Trong bối cảnh tình hình khu vực phức tạp do sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc, Indonesia và Australia đã tìm cách vượt qua những trở ngại đó để thúc đẩy hợp tác nhằm đối phó với những thách thức mới. Tháng 10 này, Jakarta và Canberra đã ký một thỏa thuận về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU), đánh dấu một bước tiến quan trọng của 2 nước trong nỗ lực xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản này cũng như trong mối quan hệ song phương. Theo thỏa thuận, hai bên đã thành lập 3 nhóm công tác, tập trung triển khai một chiến dịch thông tin công khai, công tác giám sát và thực thi pháp luật, và các cơ hội tạo phương thức sinh kế thay thế cho ngư dân Indonesia. Thỏa thuận mới giữa Indonesia và Australia về đánh bắt IUU là một bước phát triển quan trọng, tạo cơ sở cho 2 bên tăng cường hợp tác về hàng hải cũng như giữa hải quân hai nước.

Giới phân tích nhận định việc tăng cường hợp tác song phương trong các cặp quan hệ giữa Australia-Ấn Độ giữa Ấn Độ-Indonesia và giữa Australia-Indonesia là tiền đề cho việc tăng cường mối quan hệ tam giác Australia-Ấn Độ-Indonesia. Cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa Ngoại trưởng 3 nước là tín hiệu tích cực đối với cả khu vực, trong đó có Biển Đông. Tuy nhiên để trở thành một cơ chế hợp tác chính thức 3 bên, cần nỗ lực chung của cả 3 nước, trong đó Australia và Ấn Độ sẽ cần chủ động dẫn dắt và thúc đẩy các cuộc họp nhiều hơn nữa trong tương lai để làm tan đi những e ngại từ Indonesia, chứng minh việc tăng cường hợp tác 3 nước ở Ấn Độ Dương và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc tăng cường hợp tác 3 bên Australia-Ấn Độ-Indonesia với cuộc họp giữa Ngoại trưởng 3 nước tháng 9 vừa qua là một diễn biến tích cực đối với khu vực, nhất là đối với cục diện Biển Đông, thể hiện trên một số điểm sau:

Thứ nhất, Ấn Độ là một nước lớn ở khu vực, Australia và Indonesia là 2 nước tầm trung có vai trò và tiếng nói trong khu vực. Cả 3 nước đều đang đứng trước những thách thức lớn từ sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc. Việc tăng cường hợp tác giữa 3 nước này, nhất là việc hình thành một cơ chế tam giác chính thức giữa 3 nước sẽ là một nhân tố quan trọng để kiềm chế Trung Quốc và có thể trở thành chỗ dựa cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Indonesia không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song nước này bị lôi vào cuộc do yêu sách “Đường 9 đoạn” lấn vào vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia; gần đây, Trung Quốc đã mở rộng xâm lấn vào vùng biển này của Indonesia, ngăn cản các hoạt động dầu khí hợp pháp của nước này khiến Jakarta phản ứng mạnh mẽ. Đây cũng được coi là nguyên nhân thôi thúc Indonesia tìm kiếm hợp tác hàng hải với Australia-Ấn Độ mà cuộc họp giữa Ngoại trưởng 3 nước mới chỉ là khởi đầu. Hợp tác 3 bên giúp tăng thêm sức mạnh cho Indonesia trong cuộc đối đầu với sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh.

Thứ hai, Australia-Ấn Độ-Indonesia đều là những nước đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trên biển. Indonesia đã nhiều lần gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; tháng 7/2020 Australia cũng đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông; Ấn Độ là nước gương mẫu trong việc tuân thủ Phán quyết năm 2014 về phân định ranh giới biển giữa Bangladesh và Ấn Độ của Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS mặc dù phán quyết này là bất lợi cho Ấn Độ. Việc hình thành cơ chế hợp tác giữa 3 nước này sẽ góp phần thúc đẩy việc thực thi pháp luật duy trì tự do hàng hải, hàng không dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Giới chuyên gia nhận định cơ chế hợp tác 3 bên Australia-Ấn Độ-Indonesia với trọng tâm là hợp tác an ninh hàng hải sẽ là nhân tố quan trọng ngăn chặn chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực. Điều này là có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với các thách thức từ sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Thứ ba, Australia có quan hệ tốt với các nước ven Biển Đông và đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN từ năm 2021, đồng thời thường xuyên cử tàu chiến máy bay tuần tra, tham gia tập trận ở Biển Đông. Ấn Độ có quan hệ mật thiết với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhất là trong lĩnh vực an ninh hàng hải; Ấn độ đang hợp tác với Việt Nam thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và đang nỗ lực nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện; ngoài Indonesia Ấn Độ đã bán tên lửa BrahMos cho Philippines, trong khi Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm tới tên lửa này của Ấn Độ.

Trong cơ chế hợp tác 3 bên mới này, Indonesia là một nước lớn và có vai trò tiếng nói quan trọng trong ASEAN, luôn đi đầu trong các vấn đề an ninh khu vực. Trên vấn đề Biển Đông, quan điểm của Indonesia rất rõ ràng, là một trong những nước đi đầu phản đối yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông và luôn nhấn mạnh việc thực thi pháp luật, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 ở Biển Đông. Giới chuyên gia nhận định việc hình thành cơ chế hợp tác 3 bên Australia-Ấn Độ-Indonesia không chỉ giúp tăng cường quan hệ giữa các nước này mà còn khiến cho quan hệ của Australia và Ấn Độ với ASEAN trở nên gắn kết hơn. Qua đó Australia và Ấn Độ có thể đóng góp nhiều hơn vào an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Mặt khác, với tư cách thành viên của Nhóm “Bộ Tứ”, Australia và Ấn Độ có thể kết nối sự phối hợp giữa Nhóm “Bộ Tứ” với tam giác chiến lược Australia-Ấn Độ-Indonesia trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên pháp luật ở khu vực, trong đó có Biển Đông, ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Từ góc độ này, có thể thấy cuộc họp giữa Ngoại trưởng Australia-Ấn Độ-Indonesia bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9 vừa qua là sự khởi đầu cho việc hình thành cơ chế hợp tác tam giác giữa 3 nước, phát đi tín hiệu tích cực đối với duy trì hòa bình ổn định và an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới