Nhìn cái chụm đầu thân mật giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước ngày 8/11 vừa qua, tưởng có thể ví bang giao Việt Nam – Campuchia như “con chấy căn đôi”. Tuy nhiên…
Thân tới mức như không thể thân hơn. Lại còn cái cười rạng rỡ như không còn tí ti khoảng cách khách – chủ trên khuôn mặt Thủ tướng Việt Nam nữa. Nó cho thấy cái việc hội đàm, hội kiến dường như chỉ hình thức, nghi thức; còn lại, giữa hai người anh em, “nói một hiểu mười”, còn chi mà phải e ngại, khách khí.
Mà anh em thật xét về lịch sử. Vị trí địa chính trị như đã gắn kết số phận ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào với nhau như một như câu chuyện cổ tích về tình hữu nghị. Sao thể khác được, khi có những giai đoạn, họa của nước này đồng thời cũng là họa của hai nước còn lại. Tận lúc này, nhiều người vẫn nhớ hình ảnh nồng nàn tình cảm thiết tha, tin cậy giữa các ông Xihanúc, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng, Xuphanuvông – khi đó là những nhà lãnh đạo ba quốc gia, tại Tại Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương, tổ chức tháng 4/1970.
Riêng Thủ tướng đương nhiệm Hun Sen, thâm tình với Việt Nam như thế nào, cả thế giới đều biết. Tự ông cũng đã nhiều lần nói ra điều này một cách chân thành, sâu sắc. Không chỉ thể hiện sự biết ơn cá nhân, trong tư cách nhà lãnh đạo quốc gia, ông còn khẳng định công lao của Việt Nam cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng…
Tuy nhiên, cuộc sống luôn gắn với những éo le. Quan hệ Việt Nam – Campuchia (cũng như Việt Nam với Lào) vẫn là những mối bang giao đặc biệt, được thể hiện tự hai phía. Nhưng qua giai đoạn chiến tranh cùng kẻ thù chung trước năm 1975 và những biến cố lịch sử sau đó, chẳng phải khi nào, hai bên Việt Nam-Campuchia cũng hanh thông suôn sẻ trong mọi vấn đề. Tới tận nay, 16% đường biên giới trên đất liền (dài 1.137 km) Việt Nam – Campuchia chưa hoàn thành phân giới cắm mốc, có thể coi là thí dụ cụ thể cho thấy, Việt Nam-Campuchia không phải không có khúc mắc. Dù chỉ là phần nhỏ, nhưng chắc chắn, đó sẽ là những cột mốc “khó cắm” nhất, nếu hai bên không cùng thiện chí. Tồn đọng này, nếu kéo dài, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, hữu nghị, phát triển bền vững là nguyện vọng chính đáng từ lâu nay của nhân dân hai nước.
Liên quan câu chuyện biên giới, Việt Nam thì muốn và đầy thiện chí để hầu có được một mảng “sườn Tây Nam” yên ổn. nhưng phía Campuchia thì…
Thông cảm cho ông Hun Sen phải chịu những áp lực từ phía các lực lượng đối lập, đặc biệt là Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP). Lực lượng này tỏ ra tinh quái, ra sức khoét sâu vấn đề biên giới, xuyên tạc sự thực lịch sử, vu cáo Việt Nam lấn đất, di dời cột mốc…Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng, nếu ông Hun Sen quyết tâm hơn, tình hình có thể đã khác…
Đừng vội nghĩ thế là “hàm oan” cho ông Hun Sen. Bằng vào những gì đã diễn ra trong 20 năm qua, có thể chia sẻ quan điểm với những người chê trách nhà lãnh đạo đương nhiệm Campuchia “chập chờn”, “thiếu nhất quán” trong vấn đề biên giới với Việt Nam. Thậm chí, có người còn hoài nghi, nghĩ đến sự tác động của “nhân tố thứ ba”, khi liên hệ câu chuyện biên giới trên đất liền với chuyện Biển Đông, gắn với ít nhất 2 sự kiện điển hình mà Campuchia rất khó thoái thác trách nhiệm trước ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Thứ nhất, việc Campuchia ra sức tận dụng vị thế nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, trong phiên bế mạc ngày 13/7/2012, để gạt vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông vào Tuyên bố chung của Hội nghị.
Thứ hai, tháng 7/ 2016, tại kỳ họp quan chức cấp cao (SOM) ASEAN đầu tiên tại Lào kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, Campuchia cũng gây khó dễ khiến Thông báo chung của Hội nghị bỏ trống đoạn nói về Biển Đông. Theo tiết lộ từ một nhân vật giấu tên tham dự: “Campuchia phản đối hầu như mọi thứ, kể cả việc đề cập tới chuyện tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao vốn đã xuất hiện trong các tuyên bố trước đây”.
Không một ai tin rằng, các động thái gây trở ngại của đoàn Campuchia tại các sự kiện trên do các thành viên tham dự của họ tự tiện. Nói cách khác, nó hẳn phải được ông Hun Sen bật đèn xanh. Cái bật đèn xanh đó chỉ có thể là kết quả sự toan tính trước ánh kim tiền mà Bắc Kinh chìa ra mỗi khi có việc qua lại Phnom Pênh; hoặc người của Phnom Penh qua lại Bắc Kinh.
Gần đây, nhiều người cũng tin rằng, câu chuyện liên quan căn cứ hải quân Ream với mối nghi ngại về nhân tố Trung Quốc, cũng được dàn xếp theo kịch bản như thế, với sự chi phối của bàn tay dài ngoẵng thò ra từ tận Bắc Kinh – bàn tay đó kẹp theo những bó tiền tanh tưởi…
Thế nên, trong chuyến thăm Campuchia chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính dịp kỷ niệm 55 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia, bên ngoài thì cười tươi tắn, rạng rỡ cùng cái chụm đầu như không còn khoảng cách với vị thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen, nhưng bên trong, có lẽ ông Thủ tướng Việt Nam cũng thừa biết, trong hoàn cảnh hiện nay, bang giao với một quốc gia từng có lúc chi li tính toán thiệt hơn với cả ân nhân một thời của mình, không thể đơn giản như cặp bạn bè kiểu “con chấy cắn đôi” vậy.
T.V