Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Thế giới đủ lớn?”

“Thế giới đủ lớn?”

Chỉ là sự kiện “bên lề” Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, nhưng cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Đằng sau những lời cởi mở xã giao, có là những toan tính.

Bằng chứng rõ nhất có thể dẫn ra là cánh báo chí. Săn đón hết cỡ với hàng trăm hàng nghìn tin, bài. Nếu không đề cập riêng, thì thể nào, nhiều tờ báo, hãng tin cũng lồng ghép nó vào các bản tin chung về Hội nghị.

Tần xuất thông tin dày đặc, thêm bình luận từ mọi giác độ của các bỉnh bút nhiều tờ báo lớn khiến dư luận càng săn đón. Mà nào đã hết, còn nữa là những phỏng đoán hồi hộp về kết quả, thái độ của ông Tập Cận Bình và ông Binden. Một số báo còn cố tình moi móc những chi tiết bên lề, tỷ như màu áo, thời lượng, cười hay không… của hai nhân vật chính cuộc gặp bên lề này, để thỏa mãn hiếu kỳ của độc giả.

Chẳng khác được. Đây là cuộc gặp hai nhà lãnh đạo hai cường quốc lớn nhất thế giới kia mà. Một khi đã thế, nóng hay lạnh, vồn vã hay dửng dưng…, đâu còn là của riêng hai người, cũng chẳng của riêng hai quốc gia, mà có thể còn ảnh hưởng tới tình hình quốc tế.

Vẻ như ý thức được trách nhiệm và biết toàn cầu đang trông vào, hai nhà lãnh đạo thi nhau đưa ra các quan điểm. Toàn những vấn đề, sự kiện, câu chuyện nóng, như cuộc chiến Ukraine, câu chuyện tên lửa và hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan…

Trong khi ông Biden nhấn mạnh “Bắc Kinh và Washington cùng có trách nhiệm cho thế giới thấy rằng chúng ta có thể quản lý sự khác biệt, ngăn cạnh tranh trở thành xung đột”, thì ông Tập Cận Bình khẳng khái đề cao trách nhiệm của Trung Quốc như một “cường quốc trỗi dậy hòa bình”, với lời khẳng định: “Trung Quốc đứng về phía hòa bình và sẽ tiếp tục khuyến khích các cuộc đàm phán hòa bình. Chúng tôi ủng hộ và mong muốn các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine được nối lại”.

Chưa hết, trong câu chuyện, nhà lãnh đạo Trung Nam Hải còn kẻ cả thể hiện sự thiện chí, đạo đức của một cường quốc trước ông chủ Nhà trắng: “Thế giới đủ lớn” để hai nước cùng phát triển thịnh vượng và họ có nhiều lợi ích chung. Ông nhấn mạnh Bắc Kinh không tìm cách thách thức Mỹ hoặc “thay đổi trật tự quốc tế hiện có”.

Không biết ông Biden – người trước khi trở thành ông chủ Nhà trắng, từng là một chính khách lịch lãm – tin lời ông Tập hay không, nhưng nhiều người, trong đó có các chuyên gia pháp lý quốc tế, cảm thấy bất ngờ và thật sự… khó tin vào sự chân thành của ông Tập Cận Bình trong câu nói trên.

Đừng vội nghĩ những người kể trên luôn định kiến ông Tập Cận Bình là nhân vật hiếu chiến? Nghi ngờ đó không chỉ có mà còn thừa cơ sở, khi liên hệ câu chuyện Biển Đông ầm ĩ bấy lâu nay.

Biển Đông, tới nay đã chẳng còn là câu chuyện của khu vực. Nó là vấn đề quốc tế theo đúng nghĩa. Riêng việc Biển Đông là tuyến hàng hải lớn nhất thế giới với giá trị hàng hóa lưu thông tới gần nửa nghìn tỷ USD/ năm phục vụ hoạt động kinh tế của nhiều nước, đủ thấy điều đó là sự thật. Thế nên, một Biển Đông yên bình cần thiết không chỉ cho các quốc gia liên quan trực tiếp, mà còn là điều mong muốn của nhiều quốc gia.

Biển Đông bé hay rộng?

Biển Đông bé so với đại dương mênh mông. Còn thì với gần 4 triệu km2 diện tích, nó có thể coi là “đủ rộng” để các bên liên quan “cùng phát triển thịnh vượng” và gắn kết nhau vì có nhiều lợi ích chung – như cách nói của ông Tập với ông Biden trong cuộc gặp “bên lề” Hội nghị G20 tại Indonesia vừa qua.

Vậy mà từ nhiều năm nay, mong muốn chính đáng đó đã chưa bao giờ thành sự thật. Thay vì hòa bình, vùng biển này luôn ì ùng súng đạn, luôn căng thẳng. Mức độ căng thẳng không chỉ ngày một tăng mà còn kéo theo những diễn biến mới vô cùng phức tạp, nhất là quá trình Trung Quốc quân sự hóa các đảo và đá mà họ cưỡng chiếm trái phép.

Tranh chấp trước hết diễn ra giữa Trung Quốc và các 4 quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, thêm nữa là đảo Đài Loan. Tới nay, câu chuyện loang ra, kéo theo can dự của các cường quốc phương Tây, nhất là Mỹ.

Các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông thì cay cú với yêu sách “đường 9 đoạn”. Không thể không phản đối. Nếu chấp nhận yêu sách đó, Biển Đông coi như hết chuyện khi thuộc về Trung Quốc tới 90%. Thế nên, trong câu chuyện này, “đường 9 đoạn” được ví von hình ảnh như “đường lưỡi bò” hàm ý tham lam quá đỗi. Nó từng khiến Philippines kiện Trung Quốc ra tòa PCA theo Phụ lục 7 UNCLOS. Và dù được xử thắng, tình hình Biển Đông vẫn như cũ vì Trung Quốc công khai phủ nhận phán quyết của PCA, bất chấp là một thành viên UNCLOS.

Còn các nước khác, ngoài việc không chấp nhận tuyến hàng hải qua Biển Đôngbị Trung Quốc gây khó dễ, còn là sự sốt ruột và khó chịu trước sự hợm hĩnh và bành trướng của Trung Quốc. Những hoạt động nhân danh thực hiện “tự do hàng hải” mà Mỹ và phương Tây triển khai liên tục trong thời gian qua cũng đã và đang khiến Bắc Kinh lồng lộn. Tạm thời, phản ứng của Bắc Kinh thiên về đấu khẩu. Nhưng mai kia, một khi thế và lực mạnh thêm, chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, với một quốc gia tham vọng như Trung Quốc.

Chừng nấy thôi, cũng đủ thấy, cái gọi là “thế giới đủ lớn”, cần gì phải chành chọe, tranh giành nhau, một khi được phát ra từ miệng nhà lãnh đạo Trung Nam Hải, là như thế nào, có thực sự tin cậy và chân thành hay không? Hay đó chỉ là câu nói xã giao trong một sự kiện ngoại giao “bên lề”?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới